Đại học Hoa Sen – HSU

Nhà văn Nguyễn Bích Lan: ‘Triệu phú của niềm vui’

“Tôi nghĩ nếu tôi không mang căn bệnh đó ở tuổi 13 thì tôi đã không phải là một nhà văn – dịch giả như hiện tại”. 

“40 tuổi, tôi chỉ nặng 27kg. Tôi đi không vững, đi trên mặt bằng bình thường phải nhích từng chút một, lên cầu thang phải có người dìu. Bác sĩ bảo tôi chỉ sống được 18 năm, tôi muốn sống tận cùng từng giây một”.

Đó là tâm sự của nhà văn, dịch giả Nguyễn Bích Lan, người phụ nữ đã vượt qua nghiệt ngã của bệnh tật, tự học tiếng Anh và trở thành dịch giả, trong buổi giới thiệu sách “Những Ngọn Lửa” và giao lưu trực tuyến về mình. Năm 2010, chị đoạt giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam cho tác phẩm dịch Triệu phú khu ổ chuột.  Buổi giao lưu vừa diễn ra vào ngày 23-6, tại Trường Đại học Hoa Sen.

Dich gia Bich Lan giao luu truc tuyen voi sinh vien Dai hoc Hoa Sen

Nhà văn, dịch giả Bích Lan giao lưu trực tuyến

“Không khiến tôi nặng đầu mà khiến tôi nặng lòng”

Đó là trải lòng của Th.S Bùi Trân Thúy- Trưởng BBT Bản tin Hoa Sen, diễn giả chương trình.

Không mở đầu buổi giao lưu bằng những hình ảnh khoa trương, tuyên truyền thường gặp, sau vài nét giới thiệu ngắn gọn về Bích Lan, Th.S Bùi Trân Thúy để những người yêu sách tự cảm nhận bằng cách đọc lên một vài câu chuyện trong cuốn sách này.

Đó là “Người trẻ” với hình ảnh đau đáu của một người trẻ cô đơn ngay trong ngôi nhà của chính mình, là cuốn nhật kí “Tôi sinh lạc mùa” với lối viết kì cục, “mỗi trang chỉ là một chữ: rách, lạnh, vắng, rơi, muộn, câm, buồn,… mỗi chữ như một mũi kim châm, như một vết thương, như một giọt buồn.”

 

Th.S Bùi Trân Thúy- Trưởng BBT Bản tin Hoa Sen, diễn giả chương trình.

Chính Th.S Bùi Trân Thúy cũng không ngần ngại thú nhận, ngay lần đầu tiên khi đọc tác phẩm này, chị đã lập tức phản hồi về câu chuyện: “Rất tâm đắc khi đọc bài viết này của em Bích Lan ạ, chia sẻ cùng em những trăn trở của những người không còn trẻ nhưng mãi đau đáu về những người trẻ”. Đó còn là “Muộn”, là “Những ngọn lửa”, là “Những đôi giày cũ”, “Tình trong cõi người”…

“Những ngọn lửa” là tập truyện gồm hai phần: truyện ngắn và truyện cực ngắn. Truyện bé xíu như Bích Lan vậy nhưng lại mang đến cho người đọc nỗi ám ảnh về một kiếp người.

Mỗi câu chuyện trong quyển sách đưa bạn đọc đến những ngóc ngách sâu thẳm của một xã hội Việt Nam thời hiện đại. Đó là những góc nhìn, suy tư của tác giả về cuộc sống hiện đại, như nó vẫn đang diễn ra, ở nông thôn hoặc thành thị nhưng tất cả đều đem đến cho người đọc những khoảng lặng để suy nghĩ nhiều hơn, về con người và cuộc sống. 

Người thợ cày trên cánh đồng văn chương

Sau khi lắng nghe phần giới thiệu của Th.S Bùi Trân Thúy,  nhà văn dịch giả Bích Lan xuất hiện trên màn hình máy tính, từ tốn, khiêm nhường trả lời từng câu hỏi của những người yêu sách và yêu mến chị.

Bích Lan luôn cảm thấy xấu hổ, đau đáu bởi là một nhà văn nhưng chị chưa viết được gì “ra tấm ra món” để tác động đến đông đảo bạn đọc. Chị chỉ dám nhận mình là người thợ cày cần mẫn trên cánh đồng văn chương, là người thợ may cóp nhặt những mảnh vải vụn may thành tấm áo.      

“Tôi không so sánh mình với những người khác”

Yêu cuộc sống, bao dung với cuộc sống là chất liệu để chị có thể giữ được ngọn lửa đam mê của mình. Khi trong lòng có lửa, sẽ có khao khát sống và chia sẻ. “Tôi không so sánh mình với người khác, và tôi yêu những gì mình đang có: 10 ngón tay để gõ bàn phím chẳng hạn. Mỗi ngày tôi phải dịch sách, viết truyện. Tôi dành một tiếng mỗi ngày để đọc sách. À một ngày bốn lần tôi phải múa cho cháu ăn bột nữa, rồi còn lướt face…”, chị hài hước chia sẻ.

Với chị, những lúc ý tưởng có trong đầu nhưng không bung ra được, chị sẽ để đầu óc thư giãn. “Chỉ nên viết khi có cảm hứng dào dạt, lúc đó hãy viết liên tục, viết thậm chí chẳng cần biết bạn đọc có cần hay không. Khi bạn viết bằng cả trái tim, bạn sẽ được độc giả đón nhận”.

Ông Hope – Người đàn ông bí mật của Bích Lan

Việc tự học tiếng Anh với một người khỏe mạnh đã khó, với người đang hằng ngày chống chọi với bệnh tật để giành sự sống như chị lại càng khó khăn gấp bội. Và trong những ngày tháng khó khăn đó chị có sự đồng hành của người đàn ông Mr Hope.

“Hope có nghĩa là hi vọng. Để học tiếng Anh, mỗi ngày tôi đều tự mở đài ra nghe. Mr Hope là người đàn ông tôi tưởng tượng ra để giao tiếp, học cùng mình. Tôi tưởng tượng ông ấy ở quanh nhà, tôi chia sẻ với ông ấy về quả dưa chuột, về những hạt mầm mới lên, về tất tần tật cuộc sống…Những người hàng xóm qua lại thấy tôi lẩm bẩm một mình nghĩ: tôi không chỉ bị bệnh về thể chất mà còn bị bệnh tâm thần. Nhưng tôi mặc kệ. Những lúc nói chuyện với “ông ấy”, tôi thường ghi âm lại, xem mình nói như thế nào, rồi hôm sau sẽ “trao đổi lại” với “ông ấy”…
Buổi giao lưu kết thúc đọng lại nhiều dư âm trong lòng những người tham dự. Xin được mượn câu nói của Nhà báo Tạ Bích Loan để khép lại câu chuyện.

“Người ta vẫn nói giấc mơ chỉ là giấc mơ, chuyện cổ tích chỉ là chuyện cổ tích …nhưng trong câu chuyện của Bích Lan chuyện cổ tích đã trở thành hiện thực. Các bạn và chúng tôi học được một điều từ câu chuyện của Bích Lan. Đó là cho dù bạn gặp hoàn cảnh khó khăn đến mức nào, nhưng nếu bạn cố gắng và nhích từng bước một thì số phận sẽ mỉm cười với bạn…”

Theo Nguyễn Trà
(Nguồn: Pháp luật Tp.HCM, ngày 23/06/2016)

Facebook Youtube Tiktok Zalo