Đại học Hoa Sen – HSU

Nhà sáng lập kiêm Chủ tịch Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) nói gì với giới trẻ TPHCM?

GD&TĐ – Giáo sư Klaus Schwab khẳng định, trụ cột về nguồn lực con người là mục tiêu và là động lực chính để thúc đẩy phát triển nền kinh tế tri thức.

Sáng nay (6/10), UBND TPHCM phối hợp cùng Trường ĐH Hoa Sen tổ chức Chương trình Talkshow truyền cảm hứng với sự tham gia của Giáo sư Klaus Schwab – Nhà sáng lập kiêm Chủ tịch Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) với chủ đề “Kinh tế tri thức – Nền tảng cho tương lai thịnh vượng và hành động của giới trẻ”.

Theo Giáo sư Klaus Schwab, thế giới đang thay đổi nhanh chóng, quá trình toàn cầu hóa và cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 diễn ra ngày càng mạnh mẽ, đòi hỏi các quốc gia cũng như địa phương phải luôn không ngừng phát triển, hợp tác và tịnh tiến với xu thế toàn cầu. Trong đó có TPHCM – một thành phố năng động, đi đầu trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo, đã và đang tích cực chủ động chuyển đổi mô hình tăng trưởng sang nền kinh tế xanh, số và bền vững.

Giáo sư Klaus Schwab – Nhà sáng lập kiêm Chủ tịch Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) chia sẻ với giới trẻ TPHCM và lãnh đạo các doanh nghiệp trẻ TP.

Tuy nhiên, để thực hiện mục tiêu này, Giáo sư Klaus Schwab nhấn mạnh rằng, mỗi công dân trẻ của TPHCM phải trang bị những kiến thức, kỹ năng mới và phù hợp để sẵn sàng thích ứng với những thay đổi nhanh chóng của công nghệ – thông tin.

“Việc xây dựng và phát triển nền kinh tế tri thức không chỉ là một xu hướng mà còn là một yêu cầu cấp thiết, cần tiến hành song song, gắn liền với quá trình chuyển đổi công nghiệp, nhằm trang bị cho người lao động những kiến thức, kỹ năng cần thiết để nắm bắt cơ hội và đối mặt với thách thức của thời đại” – Giáo sư Klaus Schwab, khẳng định.

Đặc biệt, theo Giáo sư Klaus Schwab, việc dịch chuyển từ nền kinh tế truyền thống sang nền kinh tế tri thức đòi hỏi một quá trình tái cơ cấu toàn diện nền kinh tế được triển khai không chỉ đồng thời mà còn phải hài hòa, hợp lý. Trong đó, trụ cột về nguồn lực con người sẽ là mục tiêu và là động lực chính để thúc đẩy quá trình phát triển nền nền kinh tế tri thức.

“TPHCM có những lợi thế không nhỏ để phát triển nền kinh tế tri thức, như lực lượng lao động trẻ đông đảo, thích ứng nhanh với công nghệ và tư duy sáng tạo. Tuy nhiên, để biến tiềm năng thành hiện thực, chúng ta cần có những giải pháp đột phá trong giáo dục và đào tạo, gắn kết chặt chẽ với nhu cầu thực tiễn của nền kinh tế thành phố” – Giáo sư Klaus Schwab, khẳng định.

Toàn cảnh Talkshow truyền cảm hứng với sự tham gia của Giáo sư Klaus Schwab – Nhà sáng lập kiêm Chủ tịch Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) với giới trẻ TPHCM

Phát biểu tại buổi Talkshow, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi cho biết, thành phố đang trên đà thực hiện mục tiêu kép là chuyển đổi xanh, chuyển đổi số nhằm thúc đẩy đà tăng trưởng.

Theo ông Mãi, TPHCM là trung tâm hội tụ nhân tài cả nước, mảnh đất màu mỡ để nuôi dưỡng và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Hàng năm, các cuộc thi sáng tạo khoa học kỹ thuật được tổ chức thu hút hàng ngàn ý tưởng, dự án từ học sinh các cấp đến sinh viên, nhà khoa học trẻ, trong đó có nhiều sáng kiến liên quan đến công nghệ, vật liệu mới, kỹ thuật môi trường…

Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi.

“TPHCM đang cần một thế hệ trẻ không chỉ trang bị đầy đủ kiến thức chuyên môn mà còn được rèn luyện kỹ năng sáng tạo, tư duy phản biện và khả năng thích ứng nhanh chóng với công nghệ mới” – ông Mãi nói thêm và nhấn mạnh rằng với sự bùng nổ của phong trào sáng tạo khoa học kỹ thuật đã khẳng định giới trẻ TPHCM đủ năng lực, bản lĩnh, sức sáng tạo để xây dựng một nền kinh tế tri thức – một yếu tố then chốt trong sự phát triển bền vững và hội nhập quốc tế.

Giáo sư Klaus Schwab – Nhà sáng lập kiêm Chủ tịch Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) cùng các lãnh đạo UBND TPHCM, các ban ngành tham quan TPHCM.

PGS-TS Võ Thị Ngọc Thúy, Hiệu trưởng Trường ĐH Hoa Sen chia sẻ, để phát triển nền kinh tế tri thức đòi hỏi ở các bạn trẻ không chỉ tri thức chuyên môn mà còn phải có sự nhiệt huyết, tư duy đột phá và tinh thần dấn thân.

“Hơn ai hết, thế hệ trẻ là lực lượng nòng cốt, có vai trò quyết định trong việc hình thành và phát triển nền kinh tế tri thức tại Việt Nam. Mỗi bước đi của các bạn trẻ, mỗi ý tưởng khởi nghiệp, mỗi sáng kiến cải tiến đều góp phần vào sự thịnh vượng chung cho TPHCM nói riêng, cho Việt Nam nói chung” – Hiệu trưởng Trường ĐH Hoa Sen khẳng định.

“Những chia sẻ của Giáo sư Klaus sẽ giúp cho doanh nghiệp trẻ, doanh nghiệp khởi nghiệp, trí thức trẻ tiếp cận tầm nhìn của một chuyên gia kinh tế có tầm ảnh hưởng toàn cầu về kinh tế tri thức. Thế hệ trẻ TPHCM hiểu rõ hơn vai trò của nguồn nhân lực, của công nghệ trong sự phát triển kinh tế. Đồng thời là cơ hội để trí thức trẻ thành phố nắm bắt những cơ hội toàn cầu, kết nối với thế giới và ngược lại trong xu thế phát triển của nền kinh tế tri thức.
Với tầm nhìn của một trường Đại học đạt chuẩn quốc tế, nơi hội tụ, giao thoa tinh hoa giáo dục quốc tế, chúng tôi sẽ duy trì thường niên những sự kiện quốc tế ý nghĩa như thế này, để trí thức trẻ, doanh nghiệp trẻ thành phố được tiếp cận các nhà khoa học, chuyên gia giỏi toàn cầu, giúp tri thức Việt Nam dễ dàng hơn trong kết nối với tri thức toàn cầu”

– PGS.TS Võ Thị Ngọc Thúy – Hiệu trưởng Trường ĐH Hoa Sen, nói.
Theo Báo Giáo dục & Thời đại.
Facebook Youtube Tiktok Zalo