Người dựng mẫu thời trang của Hermes và các nhà mốt cao cấp đến HSU
Ngày 26/05 vừa qua, sinh viên ngành Thiết kế Thời trang Đại học Hoa Sen (HSU) cùng các bạn trẻ đam mê thời trang đã có buổi giao lưu thú vị cùng nhà dựng mẫu Thời trang tài hoa Ngô Kim Khôi. Buổi Talkshow chia sẻ về hành trình sự nghiệp 30 năm của ông tại Kinh đô Thời trang Paris.
Đối với những người làm việc trong Ngành Thời trang tại Việt Nam, thật đáng ngạc nhiên khi biết rằng tại Kinh đô Thời trang Paris, có một người Việt Nam đã từng dựng mẫu chiếc váy cưới của Nicole Kidman, làm trang phục cho danh ca Madonna, hay là một trong những người được Hermes tuyển dụng làm chuyên viên dựng mẫu giữa rất nhiều người ứng tuyển. Đó chính là Nhà dựng mẫu Ngô Kim Khôi. Ông cũng là người đã từng làm việc với Dior dưới thời giám đốc sáng tạo tài hoa John Galliano. Không ít bạn trẻ đã đến gặp ông xin lời khuyên về con đường nghề nghiệp, định hướng mỹ thuật, thiết kế.
Khi đứng trước các thế hệ trẻ là tương lai của Thời trang Việt Nam, trong phong thái ăn mặc đỉnh đạc rất riêng, Nhà dựng mẫu Ngô Kim Khôi vẫn tạo được sự gần gũi và kết nối với các sinh viên bởi cách kể chuyện giản dị, đầy chân tình và gần gũi. Buổi talkshow đã để lại cho các bạn sinh viên nhiều bài học đáng nhớ.
- Thời trang cao cấp đến từ sự tinh tế, tối giản nhất
Ông chia sẻ, thời trang cao cấp khó ở chỗ là chúng ta phải sáng tạo để đạt đến sự tối giản, tinh tế nhất. “Có đôi khi các bạn trẻ miệt mài chạy theo sự sáng tạo của mình mà quên mất là trang phục cần phải có sự tiết chế vừa phải. Sáng tạo trong sự đơn giản mới là đỉnh cao, điều đó đến từ chính tư duy của người làm nghề”.
2. Sự bay bổng của nghệ thuật trong mỗi tác phẩm Thời trang sẽ tạo ra dấu ấn riêng cho nhà thiết kế
Ông Khôi chia sẻ, bản thân ông là người nghiên cứu rất nhiều về nghệ thuật, âm nhạc, văn hoá… và đó là những gì một nhà thiết kế nên theo đuổi. Những điều đó tạo nên chất liệu cho nhà thiết kế. Ông không là một người theo học bài bản về Thời trang nhưng những gì ông làm có thể đã được kết tinh từ chất liệu cuộc sống của ông, khiến cho những gì ông làm có hồn hơn, và khiến Hermes chọn lựa ông giữa những ứng viên được đào tạo bài bản về Thời trang. Những điều đó chỉ có cảm nhận. Một nhà dựng mẫu tuy là người làm việc trên yếu tố kỹ thuật, nhưng vẫn có thể thổi hồn sáng tạo với tác phẩm mình làm ra, và những “nhà mốt” cao cấp họ sẽ đi tìm những nhân tố đặc biệt đó.
3. Đối với Thời trang cao cấp, không có gì là không thể làm được, nhưng đều cần có sự tỉ mỉ.
Dưới góc nhìn của một người dựng mẫu với bề dày kinh nghiệm lâu năm, ông cho rằng tất cả mọi thứ đều có thể làm được, không có gì là không thể. Nhưng sự tỉ mỉ chính là yếu tố quyết định. Theo ông những nhà dựng mẫu được ví von như những chú ong chăm chỉ, miệt mài làm việc để góp phần đem lại thành công cho những nhà thiết kế, nhưng họ lại là người âm thầm đứng đằng sau ánh hào quang đó. Sự tỉ mỉ và kiên trì với nghề khiến cho ông giữ vững đam mê, tìm tòi ra được những cách làm mới, và khiến cho ông phải luôn đặt mình trong tâm thế “Tất cả đều có thể làm được”.
Đặc biệt, tại sự kiện, Nhà dựng mẫu Ngô Kim Khôi đã mang những tác phẩm của mình trình diễn Thời trang và cho sinh viên trải nghiệm: Những chiếc áo gilet từ Hermes; những chiếc chăn, chiếc khăn may từ những mảnh vải khác nhau với sự sắp đặt màu sắc, hoạ tiết rất hài hoà, tinh tế. Các bạn sinh viên đã thích thú chạm vào từng đường may, phân tích từng hoạ tiết và lắng nghe diễn giả nói về điều khác biệt và thú vị trên từng sản phẩm.
Không chỉ là sự kiện giúp các sinh viên tìm hiểu thêm kiến thức thời trang, tích góp những triết lý làm nghề để đời từ thế hệ đi trước, những Talk show về thời trang còn là sân chơi để cho các bạn sinh viên thực hành kỹ năng tổ chức sự kiện về thời trang, từ khâu chuẩn bị, chuẩn bị phục trang, người mẫu, make up, sản xuất chương trình, MC, logistics…
Với định hướng Thời trang ứng dụng, Ngành Thiết kế Thời trang, Đại học Hoa Sen luôn mong muốn trở thành chiếc cầu nối đưa sinh viên đến gần với thị trường, với Ngành công nghiệp Thời trang từ những bước đầu tiên của các em ở môi trường Đại học, thông qua tiếp xúc và trải nghiệm với doanh nghiệp, học hỏi câu chuyện của những người đi trước. Câu chuyện làm nghề của những nhà sáng tạo theo đuổi giá trị cốt lõi của Thời trang- Nghệ thuật sẽ là giá trị mà các thầy cô mong muốn kết nối cho sinh viên. Đó sẽ là hành trang cho sinh viên trở thành những người thực học, thực làm, nắm giữ tương lai của Ngành công nghiệp Thời trang Việt Nam.