Đại học Hoa Sen – HSU

Nghĩa học trò

Nghề giáo là nghề cao quý nhất, mọi người thường kể về những câu chuyện về tâm hồn cao cả của người làm nghề giáo, còn tôi, tôi lại kể câu chuyện về nghĩa học trò, có câu thầy nào trò nấy, học trò như vậy có thể đoán được nhân cách người thầy.

 

Chuyện 1:

Nhà anh ở quận 10, anh gặp ông trên đường đi làm qua Bình Thạnh, lúc ông vừa xuống bến xe miền đông và lang thang trên đường phố Sài Gòn lạ lẫm. Lúc dừng đèn đỏ, anh thấy cái dáng người cúi cúi, cái quần khaki màu đất, áo sơ mi dài tay bên trong và chiếc áo len cổ tim bên ngoài và đặc biệt là chiếc nón cóc bằng nỉ đen quen thuộc. Anh chỉ ngờ ngợ mất một giây, rồi anh gần như chắc chắc, ở Sài Gòn mùa hè không ai mặc áo len và đội nón cóc cả, chắc chắn là thầy anh rồi. Anh trờ xe tới kêu đại: thầy, thầy nhớ con không không, thầy đi đâu đây. Người đàn ông chừng ngoài sáu mươi, gầy guộc và khắc khổ nhìn anh, luống cuống vẻ ngạc nhiên và bối rối, nhưng gần như một phản xạ, ông gọi anh là trò, dù ông không nhớ anh, cám ơn trò, tôi đi Sài Gòn có việc. Anh nhất định mời thầy vào một quán café gần đó hỏi thăm.

Thầy anh nghỉ hưu đã năm năm, cũng chỉ là một ông thầy giáo già tỉnh lẻ, xứ cao nguyên hoa Dã Quì vàng. Đúng ra thầy đã vui tuổi già bên khu vườn nhỏ với mấy đứa cháu nội, nhưng con trai thầy không biết làm ăn thế nào mà thua lỗ, mượn nợ khắp nơi, thế chấp luôn cả cái nhà cùng với mảnh vườn của thầy. Hồi đầu năm anh con trai thầy bị nợ đòi quá nên nửa đêm bỏ trốn, đem theo vợ và hai đứa cháu nội cưng của thầy. Anh con trai trốn đi không lời từ giã, không liên lạc được bằng điện thoại, thầy nhớ con, nhớ cháu cũng không biết làm sao. Có người đi Sài Gòn về kể thấy vợ chồng nó bán xôi gần bến xe miền đông, thầy đi xe đò xuống đây kiếm nó, nếu nó không về thì thầy ở lại, giữ con cho tụi nó cũng được.

Anh kêu trời suốt theo câu chuyện kể của thầy, anh nói: Sài Gòn là bể người, tìm một người theo kiểu đi đường mà kiếm thì biết chừng nào mới tìm ra. Anh đưa thầy về nhà, suốt một tuần liền anh xin nghỉ làm, chở thầy đi hết mấy con đường quanh bến xe miền đông, ghé lại từng quán phở để kiếm tìm, hỏi thăm… nhưng vô vọng.

Bữa cuối tôi gặp cả hai thầy trò ngồi ăn phở, anh thuê một chiếc xe chở thầy về quê. Anh luôn miệng bảo thầy ăn nhiều hơn, anh dặn giờ đi thì cũng tầm 1~2 giờ trưa là tới, thầy cứ yên tâm hén, tiền xe con trả hết rồi, tiền xài con cũng đưa thầy rồi, anh tài xế này quen,  biết đường về chỗ thầy, thầy cứ về rồi ở đây con đi kiếm tiếp, mấy cái thùng trong xe là đồ ăn, sữa, đồ dùng con mua sẵn cho thầy dùng.

Ông giáo già cứ liên tục cảm ơn trò, cảm ơn trò.

Phụ bản:

Tôi ngồi ăn phở ở bàn bên cạnh và chứng kiến câu chuyện cuộc chia ly của hai thầy trò anh. Trong lúc tôi tính tiền thì có một ông già bán vé số bị tật ở chân, chống nạng đi vào và mời anh mua vé số, anh nói: “dạ, con không mua, nhưng mà bác ăn sáng chưa con mời bác ăn phở”, chưa hết ngạc nhiên thì tôi còn sửng sốt hơn với câu trả lời của ông già bán vé số: “thôi, cảm ơn chú, tui ăn sáng rồi, hồi sáng có cô kia đãi cơm tấm…”, thấy tôi có vẻ hơi ngạc nhiên, ông già nói: “nào giờ chưa phải bỏ đồng nào ăn sáng, toàn bá tánh bao ăn”

Chuyện 2:

Ở quán café rất vằng, chỉ có hai người đàn ông trạc ngoài bốn mươi, đương nói chuyện, thực ra chỉ một người nói, còn người kia chỉ gật gật đầu ra chiều đồng ý. Đó là hai người bạn học, một có vẻ thành đạt hơn còn người kia có vẻ phong trần hơn.

“Mầy nhớ lối vô nhà cô chưa, nếu không thì từ nhà tao mầy chạy xuống hướng bến đò, chỗ ngã tư ủy ban thì mầy hỏi nhà bà giáo Cam là người ta chỉ cho. Cô bây giờ sống một mình nên chắc bả buồn lắm, mầy về kỳ này chắc ở với bả được lâu, bữa trước tao về trưa nào cũng phải qua nhà cô ăn cơm bả mới chịu. Nhiệm vụ của mầy là sửa cái nhà đó cho cô, tao cũng không biết là cần sửa cái gì, đó là chuyên môn của mầy, mầy coi thấy cái gì sửa thì sửa, cũng không cần kiên cố quá, chắc cô cũng ở với mình giỏi lắm năm bảy năm nữa.

Ờ, cô một mình đó nào giờ mà, đâu có chồng con gì đâu, cả đời chỉ biết học trò thôi. Nhớ, có mấy chuyện bắt buộc làm là sửa cái toa lét, dựng lại cái hàng rào, mướn người dọn cái vườn, lợp lại cái mái chính, nếu làm biếng dỡ ra thì mầy mua tôn về lợp đè lên mái cũ, vừa mát vửa khỏi dột, rồi mầy sửa mấy cái cửa sổ nữa. Quên, chuyện này quan trọng nè, mầy đi lại bóng đèn khắp nhà cho tao, nhà gì đâu tối thui, ngoài sân sau cũng làm một hai bóng nữa.

Bây giờ cô lẫn rồi, mầy mà nói chuyện một hồi là bả lộn thằng này với thằng kia, bữa tao về mỗi ngày bả kêu tao một tên, có bữa còn hỏi tao: sao cô nghe nói con hy sinh bên miên rồi? Tao dạ dạ, nói chắc cô nhớ thằng khác, chớ hồi bảy chín tám mươi con còn ngồi trong lớp cô mà. Ờ, mầy nghĩ coi, mấy chục năm chỉ dạy có một lớp, chỉ có mình nhớ cô chớ cô làm sao nhớ hết học trò. Bữa trước tao mua cho cô cái tivi nhưng mà sóng yếu lắm, mầy về dựng được cái cây ăng ten lại thì may ra coi mới rõ ràng.

Mầy nhớ hết chưa, nói chung mầy thấy cái gì làm được thì làm, tại mầy lên đây rồi mầy không biết chớ cô cũng nghèo lắm, lương hưu giáo viên đâu có nhiêu. Vậy đi, mình học trò mà để cô giáo vậy coi sao được, cái lối từ nhà sau xuống bến sông mầy mua mấy tấm đan bê tông trải hết đi, rồi mầy đóng một hàng cừ làm lan can để cô vịn cho khỏi té. Nhớ là mấy cái công tắc đèn mầy làm thấp thiệt thấp nghe, cô bây giờ lưng còng lắm…”

Sưu tầm từ blog Đàm Hà Phú

Facebook Youtube Tiktok Zalo