Nếu không muốn chảy máu chất xám thì phải khuyến khích sự lưu thông chất xám
Thu hút trí thức, đặc biệt là các nhà khoa học Việt kiều về cống hiến chất xám cho sự phát triển đất nước là một chính sách lớn của Việt Nam, nhưng phải làm cách nào để đạt được mục tiêu đó?
TS Bùi Trân Phượng, Hiệu trưởng trường Đại học Hoa Sen
Chúng tôi đã nêu vấn đề với tiến sĩ (TS) Bùi Trân Phượng – Hiệu trưởng Trường đại học (ĐH) Hoa Sen, nơi thu hút được không ít trí thức Việt kiều và cả người nước ngoài làm việc.
* Được biết, ĐH Hoa Sen hiện có rất nhiều giảng viên (GV) quốc tế, TS có thể cho biết quan điểm của trường về vấn đề thu hút nhân lực quốc tế ở trình
độ cao?
– TS Bùi Trân Phượng: Chúng tôi quan niệm, người có sự trải nghiệm quốc tế bao giờ cũng tốt hơn người chưa có; người có trải nghiệm ở một nước sẽ không bằng người đã có trải nghiệm ở nhiều nước nên trong tuyển dụng, chúng tôi không đặt nặng việc họ là Việt kiều, người Việt Nam hay người nước nào, mà quan trọng là họ học ở đâu, lĩnh vực nào và từng có trải nghiệm quốc tế thế nào.
Nếu chỉ học và làm việc ở một nước thì chưa phải là quốc tế. Nếu đã trải nghiệm ở nhiều nước, cả phương Đông và phương Tây thì càng tốt. Một số trường có thang lương riêng cho người ngoại quốc, Việt kiều và người trong nước, nhưng ĐH Hoa Sen không làm thế mà xây dựng một thang bảng lương chung theo nguyên tắc “đánh giá dựa trên sự xứng đáng”.
Những người đã sống ở nước ngoài lâu năm, lại làm việc trong môi trường ĐH thì dù là du học sinh cũng sẽ có những trải nghiệm, kinh nghiệm, phong cách quản lý và những năng lực khác… để được xếp vào bậc cao trong hệ thống thang bảng lương của trường. Tất nhiên, khi cần chúng tôi cũng sẽ có đặc cách cụ thể.
* Làm cách nào để đánh giá được “tầm vóc” của người mình muốn thu hút, thưa TS?
– TS Bùi Trân Phượng: Chúng tôi có năm, bảy tiêu chí để đánh giá chung GV, chứ không riêng GV đến từ các nước khác, trong đó có tiêu chí về trình độ chuyên môn học thuật.
Trình độ này thường thể hiện ở văn bằng, nhưng cũng có những ngành nghề còn thể hiện ở sự chuyên nghiệp trong quá trình làm việc, chẳng hạn như nghề đầu bếp hay nghề thiết kế thời trang… Đẳng cấp của những người làm các nghề này là tay nghề, uy tín và tên tuổi chứ không chỉ ở tấm bằng.
Điểm thứ nhì chúng tôi quan tâm là kinh nghiệm nghề nghiệp thực tế. Một người giảng dạy ở ngành kế toán mà xưa nay chỉ đi dạy thì không thể bằng một người đi dạy mà từng làm kế toán trong những công ty có tầm vóc.
Các tiêu chí khác là kinh nghiệm giảng dạy, trình độ nghiên cứu, trình độ ngoại ngữ (có khả năng sử dụng thông thạo hai-ba ngoại ngữ sẽ tốt hơn), trình độ sử dụng công nghệ trong đào tạo… GV dù xuất thân từ “thành phần” nào cũng sẽ được đánh giá dựa trên các tiêu chí đó.
Nếu người ở nước ngoài về có lương cao hơn người ở trong nước thì không phải vì xuất thân của người đó, mà là vì người đó được đánh giá cao hơn về trình độ chuyên môn, năng lực giảng dạy…
* TS đánh giá thế nào về thành quả mà những GV có trải nghiệm quốc tế mang lại cho trường?
– TS Bùi Trân Phượng: Thành quả là rất rõ ràng. Khi GS Julio Aramberri, một người Tây Ban Nha có nhiều năm giảng dạy tại một ĐH lớn của Mỹ, đến ĐH Hoa Sen làm Trưởng khoa Ngôn ngữ và văn hóa học thì khoa này còn rất non trẻ.
Nhờ những hiểu biết của ông về một môi trường học thuật đúng nghĩa của một trường ĐH lớn ở Mỹ, nên đã góp phần không nhỏ trong việc xây dựng nền tảng cho khoa, thu hút được GV và sự hợp tác quốc tế, đủ tầm để thực hiện những thỏa thuận quốc tế. Là người làm nghiên cứu nên trong thời gian dạy ở Hoa Sen ông còn xuất bản cả sách.
Hay như TS Đỗ Bá Khang – một người Việt có nhiều năm làm việc tại Viện Công nghệ châu Á (AIT), có kinh nghiệm xây dựng và quản lý chương trình master, có khả năng xây dựng và bồi dưỡng năng lực nghiên cứu cho các đồng nghiệp trẻ. Khi về trường, TS Khang cam kết xây dựng năng lực nghiên cứu cho GV và đã thành công bước đầu. Kinh nghiệm quản lý của anh đã tác động khiến nền quản trị chung của ĐH Hoa Sen có tính quốc tế rõ nét hơn.
Ở ngành thiết kế thời trang, các GV người Pháp đều còn rất trẻ, chưa nhiều trải nghiệm nghề nghiệp, nhưng nhờ được đào tạo bài bản về chuyên môn và từng sống ngay kinh đô thời trang Paris, có mối liên kết với giới chuyên nghiệp thế giới… nên đã mang lại sức sống cho việc đào tạo ngành này tại ĐH Hoa Sen, góp phần quan trọng giúp ngành thời trang non trẻ của trường nhanh chóng đạt được những thành quả khá ấn tượng.
* Từ thực tế những gì đã làm, theo bà, việc thu hút trí thức quốc tế về làm việc có khó không?
– TS Bùi Trân Phượng: Khó chứ! Khi họ đã đạt trình độ để có chỗ đứng bình đẳng trên sân chơi quốc tế, có thể tùy ý làm nghiên cứu hay giảng dạy ở một trường ĐH nào đó ở các nước phát triển, thì chuyện về Việt Nam làm việc là một chọn lựa khó khăn, dù họ là người Việt.
Tôi nói thẳng, trên phạm vi toàn cầu, Việt Nam chưa phải là một địa chỉ tuyển dụng ưa thích đối với giới trí thức ĐH. Việt Nam chỉ là chọn lựa của số ít và mình chỉ thu hút được những người trong số ít đó.
Trải nghiệm quốc tế là điều rất đáng giá trong lý lịch khoa học, nhưng nếu họ muốn đi tìm sự trải nghiệm khác với nơi họ từng học tập, làm việc – là những nước phát triển thì có vô vàn chọn lựa khác tốt hơn VN; thậm chí ngay bên cạnh VN như Singapore, Hàn Quốc, Thái Lan, Mã Lai…
Khó khăn nữa là vấn đề môi trường, mà trước hết là môi trường chuyên môn. Tôi không nói về lĩnh vực khoa học xã hội vì quá khó. Chỉ ở lĩnh vực khoa học tự nhiên thôi, thì chúng ta cũng không có những phòng thí nghiệm tốt, không có môi trường khoa học trình độ cao để họ phát huy. Cái mà chúng tôi cố gắng làm để không thua các nước khác là tạo ra môi trường dân chủ và tự do trong học thuật.
Khó khăn thứ ba là nếu mình không tạo điều kiện tốt thì họ sẽ bị cắt đứt khỏi mạng lưới quan hệ chuyên môn của họ. Ở nước ngoài, khi lấy được bằng TS họ phải tham gia nghiên cứu tại các phòng thí nghiệm và trong quá trình đó, họ có quan hệ với nhiều đồng nghiệp khác tại các trung tâm, viện nghiên cứu.
Về VN, nếu bị cắt đứt các quan hệ đó, họ sẽ rất ức chế. Cho nên, chúng tôi có một nguyên tắc: nếu không muốn chảy máu chất xám thì phải ủng hộ và khuyến khích sự lưu thông chất xám. Những người đang làm việc cho mình hoàn toàn có đủ trình độ để ứng tuyển vào các vị trí GS, PGS hay quản lý ở một trường khác trên khắp thế giới và chúng tôi không ngăn cản họ làm điều đó.
Chúng tôi tạo điều kiện và khuyến khích GV đi hội thảo, giảng dạy ngắn hạn ở nước ngoài… Khi đi, họ sẽ được trau dồi nghề nghiệp và duy trì được những quan hệ chuyên môn, đồng thời được nước khác trả lương trong thời gian đó. Kể cả những người có điều kiện đi làm việc chuyên môn ở nước khác dài hạn hơn, sáu tháng hoặc một-hai năm, chúng tôi vẫn khuyến khích.
Tóm lại, khó khăn trong việc thu hút trí thức quốc tế thì rất nhiều, nhưng cái lợi lớn hơn gấp nhiều lần so với những gì mình phải bỏ ra.
* Chuyện thu hút các nhà khoa học Việt kiều về giúp đất nước đã được chính quyền các cấp nhiều lần đề cập, nhưng thực tế vẫn còn nhiều khó khăn. Theo bà, đâu là rào cản?
– TS Bùi Trân Phượng: Tôi nghĩ đó là môi trường vĩ mô. Người ta có thể cảm thấy hài lòng ở ĐH Hoa Sen hay ở đâu đó, nhưng môi trường vĩ mô, từ tai nạn giao thông, kẹt xe, ô nhiễm môi trường, đến việc giáo dục cho con… đang làm cho họ bất an. Với người trí thức, còn quan trọng ở chỗ ý kiến của họ phải được tôn trọng, lắng nghe và thực hiện.
Khi TS Đỗ Bá Khang về trường, đã tư vấn cho trường thành lập Hội đồng khoa học (HĐKH) mà hiệu trưởng không được tham gia, nếu tham gia thì không có quyền biểu quyết. Chuyện này khiến anh em rất sốc, bởi ở Việt Nam thì hiệu trưởng luôn đồng thời làm Chủ tịch HĐKH. Nhưng, tôi thoải mái chấp nhận vì thấy hợp lý và không có hại gì cả.
Thực lòng, tôi thấy mô hình “hiệu trưởng làm Chủ tịch HĐKH” của ta là rất kỳ. HĐKH là nơi có tiếng nói độc lập để tham vấn cho hiệu trưởng mà hiệu trưởng lại là người đứng đầu thì làm sao được! Hiện đã là nhiệm kỳ thứ hai của HĐKH theo mô hình này, hoạt động rất tốt. Chính các trí thức đã giúp mình tạo ra những thiết chế hợp lý, những điều kiện làm việc cần thiết cho người trí thức, giúp họ cảm thấy không quá khác biệt so với môi trường mà họ từng
làm việc.
* Tiền lương thường được nhiều người xem là lý do không thu hút được người tài, quan điểm này có phiến diện? Theo bà, các nhà khoa học thực sự cần gì để yên tâm trở về và cống hiến?
– Tiền lương thể hiện sự đánh giá và trọng thị, nhưng không phải là yếu tố duy nhất, càng không phải là yếu tố quyết định. Tôi nghĩ, người trí thức cần được tôn trọng trong tự do học thuật. Phải tạo được cho họ sự hứng thú trong công việc. Điều đó cũng đơn giản thôi, nhưng mình phải chân thành mong muốn.
Một trong những bí quyết giữ nhân tài của chúng tôi là tạo điều kiện để họ làm cái họ giỏi nhất, hứng thú nhất, từ đó đem lại hiệu quả tốt nhất cho sinh viên và sự hài lòng cho bản thân họ.
* Trên bình diện chung, TS đánh giá thế nào về việc sử dụng và đãi ngộ giới trí thức khoa học, kể cả trong và ngoài nước?
– TS Bùi Trân Phượng: Theo tôi thì ta chưa tạo ra được một môi trường tốt, mà ngược lại còn có quá nhiều bất ổn, chưa phải là “đất lành” cho “chim đậu”.
* Tại buổi gặp gỡ với giới trí thức hôm 20/12 vừa qua, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong có hứa: “Sẽ quan tâm việc xây dựng cơ chế nhằm phát huy sự sáng tạo, đóng góp của đội ngũ này để khoa học công nghệ là động lực phát triển kinh tế”. Theo TS, một cơ chế hiệu quả để thu hút và phát huy sự sáng tạo của đội ngũ trí thức Việt kiều phải như thế nào?
– TS Bùi Trân Phượng: Đối xử với người ta chân thành, tôn trọng, làm cho người ta cảm thấy có một môi trường thoải mái để làm việc. Tôi tin, họ sẽ cảm thấy sung sướng khi có những đồng nghiệp và sinh viên có thể làm việc được với họ.
* Câu hỏi cuối, theo TS thì nhan sắc có lợi thế gì đối với nữ giới khi làm việc trong môi trường ĐH?
– TS Bùi Trân Phượng: Đối với tôi thì nó không có nghĩa gì cả, kể cả khi bạn là GV ngành thời trang (cười). Cái đẹp trong môi trường ĐH là ở trí tuệ và tâm huyết, ở năng lực cống hiến cho khoa học và cho giáo dục. Nói như thế không có nghĩa là phụ nữ trong môi trường ĐH không phải là nạn nhân của định kiến giới. “Nữ vô tài tiện thị đức” (người nữ bất tài mới là có đức, là tốt) là câu ngày nay tuy không còn nhiều người nhớ đến, nhưng định kiến đó thì vẫn hằn sâu, kể cả trong một số các chị có học thức cao.
* Xin cảm ơn bà.
Minh Nhật (thực hiện)
(Nguồn: Phụ nữ Tp.HCM, ngày 04/01/2017)