Nâng tầm chiến lược – đòi hỏi của đất nước
Công cuộc phát triển của nước đang đứng trước bước ngoặt lớn, đặc trưng bởi sự đan kết giữa những cơ hội to lớn và thách thức khắc nghiệt. Vì vậy, những nỗ lực đẩy nhanh nhịp độ phát triển tới đây có thể mang lại những thành quả chưa từng có nhờ thời cơ lớn mang lại, nhưng cũng có thể chịu những tổn thất không nhỏ nếu không lường hết những thách thức sẽ phải vượt qua.
Việc hoạch định chiến lược có thể trở nên kém sáng suốt và hiệu quả khi bị che mờ bởi một số điều kiện thuận lợi về tài nguyên, nguồn lực. Dự án nhà máy lọc dầu Dung Quất là một ví dụ. Ảnh TL
Trên hành trình dài phía trước, mỗi nỗ lực đẩy nhanh công cuộc phát triển, dù là cải thiện môi trường kinh doanh hay đầu tư phát triển một dự án cơ sở hạ tầng lớn, đều đòi hỏi không chỉ việc xác định kỹ càng mục tiêu và phương cách thực hiện mà cả sự lường tính sâu xa về hệ quả và sự tương tác hệ thống của mọi quyết định. Làm tốt việc này sẽ giúp công cuộc phát triển bước vào giai đoạn cất cánh: gian khó tạo rèn sức mạnh, thách thức gợi mở thời cơ, thành công khơi tiếp thành công.
Để mở ra quá trình này, nâng tầm chiến lược cần là bước đi mở đầu, đồng thời là trọng tâm xuyên suốt trong mọi nỗ lực phát triển. Nâng tầm chiến lược không chỉ giúp các nỗ lực này khả thi và mang lại hiệu quả lớn hơn mà còn có thể mở ra cục diện mới, với những thời cơ và yếu tố thuận lợi chưa từng có.
Nâng tầm chiến lược
Tầm chiến lược của một nỗ lực phát triển, dù đó là quyết sách cải cách hay dự án đầu tư, được quyết định bởi ba bộ phận cấu thành: nền tảng chiến lược; thiết kế chiến lược; và năng lực phối thuộc chiến lược. Nâng tầm chiến lược là các cố gắng có hệ thống nhằm liên tục đổi mới – hoàn thiện ba bộ phận cấu thành này và gia cường sự gắn kết giữa chúng.
Nền tảng chiến lược
Nền tảng chiến lược của một nỗ lực phát triển dựa trên tầm nhìn chiến lược, sự tuân thủ các qui luật khách quan, và mức độ hòa hợp với xu thế phát triển của thời đại và chuẩn mực văn minh nhân loại. Tầm nhìn chiến lược không chỉ là khát vọng thôi thúc mà còn là chiếc la bàn chỉ rõ hướng đi. Tuân thủ các qui luật khách quan đòi hỏi tôn trọng qui luật kinh tế thị trường, lắng nghe lòng dân, ý thức lấy dân làm sức mạnh cội nguồn. Hòa hợp với xu thế phát triển của thời đại và chuẩn mực văn minh nhân loại được đánh giá thông qua tính nhân văn, cơ chế dân chủ, và đóng góp vào xu thế hòa bình-hợp tác.
Nâng cấp nền tảng chiến lược có tác động tiềm tàng đến cục diện phát triển. Kinh nghiệm đổi mới của Việt Nam khởi đầu vào năm 1986 là một minh chứng đặc sắc. Quá trình đổi mới gắn liền với nỗ lực nâng tầm chiến lược. Thông qua tôn trọng qui luật kinh tế thị trường, cơ chế quản lý quan liêu bao cấp bị xóa bỏ. Nhờ lắng nghe lòng dân và ý thức dựa vào dân, khoán sản phẩm ra đời, kinh tế tư nhân được hợp pháp hóa và khuyến khích phát triển.
Với mong muốn hòa hợp vào xu thế phát triển của thời đại, Việt Nam đã nhanh chóng hội nhập và chuyển từ một nền kinh tế cô lập thành một trong những quốc gia gắn kết sâu nhất vào nền kinh tế thế giới. Những ai đã từng sống dưới thời trước đổi mới có lẽ đều thấm thía tác động đột phá của những nỗ lực nâng tầm chiến lược này. Trong giai đoạn này, các nỗ lực đầu tư phát triển, dù rất tâm huyết và quyết liệt, thường kết cục với những kết quả thất vọng. Tình thế bi đát: dân đói, nước nghèo, lòng tin suy giảm.
Lịch sử của ông cha ta cũng cho thấy nâng tầm chiến lược có vai trò quyết định. Từ truyền thuyết Thánh Gióng thời Hùng Vương đến quyết sách ở Hội nghị Diên Hồng đều cho thấy biết dựa vào sức mạnh của dân, lắng nghe lòng dân là phương cách hiệu lực nhất để vượt qua những thách thức hiểm nghèo. Trong tương phản, triều đại Hồ Quí Ly, do xem nhẹ nỗ lực nâng tầm chiến lược này, đã để đất nước lọt vào vòng đô hộ của quân xâm lược nhà Minh, cho dù đã dốc sức lo sắm sửa vũ khí chuẩn bị phòng thủ.
Nền tảng chiến lược có tầm quan trọng không chỉ ở tác động tích cực khi nó được nâng lên mà cả ở sức tàn phá khi nó bị sụt giảm. Xu thế suy giảm tăng trưởng và bất ổn nội bộ của Trung Quốc có thể là một ví dụ đáng lưu tâm. Mặc dù có được những lợi thế khổng lồ nhờ thành quả từ cải cách mạnh mẽ trong mấy thập kỷ vừa qua, công cuộc phát triển của Trung Quốc đang vấp phải những khó khăn ngày càng lớn do đang tự làm suy yếu nền tảng chiến lược của mình. Càng gây hấn ở Biển Đông và gây bất ổn trong khu vực, nền tảng này của Trung Quốc sẽ ngày càng suy yếu.
Thiết kế chiến lược
Khi đã có một nền tảng chiến lược vững chắc, thiết kế chiến lược đóng một vai trò đặc biệt quan trọng. Thiết kế chiến lược bao gồm khả năng định vị quốc gia trong cục diện khu vực và toàn cầu nhằm khai thác tối đa lợi thế và sức mạnh nội tại để triệt để khai thác thời cơ và xu thế quốc tế, đồng thời hóa giải các thách thức biến thành động lực tiềm tàng cho phát triển. Thiếu một thiết kế chiến lược đúng đắn không chỉ gây tổn thất cho một dự án đầu tư hay một chương trình cải cách mà nó có thể làm mất đi cơ hội phát triển của cả một địa phương hay ngành công nghiệp.
Điều đặc biệt đáng lưu ý là việc hoạch định chiến lược có thể trở nên kém sáng suốt và hiệu quả khi bị che mờ bởi một số điều kiện thuận lợi về tài nguyên, nguồn lực. Dự án nhà máy lọc dầu Dung Quất là một ví dụ. Vì chúng ta tìm được mỏ dầu thô lớn và muốn Quảng Ngãi thoát nghèo nhanh nên tìm mọi cách đầu tư nhà máy lọc dầu lớn ở đây, bỏ qua những phân tích cần thiết về lợi thế chiến lược và khả năng cạnh tranh toàn cầu.
Kết quả là, mặc dù đã đi vào hoạt động nhiều năm, sau thời kỳ đầu tư kéo dài với mức đội giá rất lớn, nhà máy hiện nay vẫn cần bao cấp để tồn tại. Hơn nữa, có lẽ vì dự án này mà ngành công nghiệp hóa dầu của nước ta cho đến nay vẫn còn rất nhỏ bé. Trong tương phản, Singapore không có một giọt dầu thô nhưng nhờ vào tầm nhìn toàn cầu và nỗ lực khai thác lợi thế vị trí chiến lược nên đã trở thành một trong những tổ hợp hóa dầu lớn nhất thế giới, xuất khẩu gần 100 tỷ đô la sản phẩm mỗi năm.
Năng lực phối thuộc chiến lược
Yếu tố này được quyết định bởi quyền hạn, chất lượng, và cơ cấu tổ chức của bộ phận chịu trách nhiệm hoạch định và phối thuộc các nỗ lực thực thi chiến lược. Nâng cấp năng lực phối thuộc chiến lược đòi hỏi trao cho bộ phận chịu trách nhiệm này quyền hạn đặc biệt, giúp cơ quan có thể thu hút cán bộ ưu tú và xây dựng cơ chế đánh giá-khuyến khích thực sự có hiệu quả. Nâng cấp năng lực phối thuộc cũng đòi hỏi những cải cách về thể chế để các bộ, ngành, cơ quan không còn biệt lập mà trở thành một thực thể thống nhất có tính gắn kết tương tác và khả năng tổng lực cao. Hiệu lực phối thuộc chiến lược của mỗi nỗ lực phát triển được sát chặt chẽ và đánh giá sâu sắc theo định kỳ thông qua các chỉ số kết quả được thiết kế khoa học.
Thành công của Singapore trong công cuộc phát triển thường được gắn liền với uy tín và năng lực phối thuộc của Cục Phát triển kinh tế (Economic Development Board). Cơ quan này chịu trách nhiệm triển khai và phối thuộc các nỗ lực thực thi chiến lược phát triển kinh tế. Cán bộ thuộc cơ quan này không chỉ xuất sắc về tầm nhìn và năng lực mà cả về phẩm chất và tâm huyết đóng góp cho công cuộc phát triển.
Trung Quốc cũng có kinh nghiệm tốt trong nâng cao năng lực phối thuộc thông qua việc thiết lập Ủy ban Cải cách và Phát triển (UBCCPT) trên cơ sở Ủy ban Kế hoạch Nhà nước. Trong các nhiệm vụ chủ yếu của UBCCPT, hoạch định và phối thuộc chiến lược phát triển và cải tổ kinh tế đóng vai trò quan trọng.
Từ nguyên lý đến hành động
Các nguyên lý trình bày ở trên về nâng cao tầm chiến lược có thể áp dụng triển khai thành hành động trong những nỗ lực cải cách cụ thể. Dưới đây là một ví dụ liên quan đến nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh.
Nghị quyết 19 của Chính phủ, ban hành ngày 12/3/2015, đưa ra những chỉ đạo quyết liệt nhằm nâng cấp vượt bậc môi trường kinh doanh ở Việt Nam. Đây là một quyết định quan trọng, rất đúng lúc và có mức độ quyết tâm rất cao.
Tuy nhiên, kết quả thực hiện quyết định ở các ngành và địa phương vẫn còn rất thấp so với yêu cầu. Để vượt qua trở ngại này, việc ưu tiên có lẽ không phải là kỷ luật hay đôn đốc quyết liệt hơn các bộ ngành và địa phương thực hiện chậm mà là cùng bàn tính để tìm phương cách nâng cao tầm chiến lược của nỗ lực đặc biệt quan trọng này.
Trong ba bộ phận cấu thành của tầm chiến lược, yếu tố nền tảng chiến lược của nỗ lực này về cơ bản là vững chắc. Qui luật thị trường được coi trọng; mong muốn của doanh nghiệp được ủng hộ; hội nhập theo chuẩn mực quốc tế được thôi thúc. Thế nhưng, hai yếu cấu thành sau – thiết kế chiến lược và năng lực phối thuộc – còn nhiều hạn chế.
Về thiết kế chiến lược, việc đơn thuần lấy tiêu chí xếp hạng của Ngân hàng Thế giới làm kim chỉ nam cho nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh có lẽ không phải là một cách tiếp cận tốt. Dồn sức tìm vật bị mất chỉ ở chỗ có đèn sáng có thể không đem đến kết quả mong đợi. Một thiết kế chiến lược tốt cho nỗ lực này cần khởi đầu bằng việc xây dựng lòng tin giữa doanh nghiệp và cơ quan quản lý và hiểu biết thấu đáo hơn khó khăn và trở ngại mà hai bên đang gặp phải trong nỗ lực nâng cao chất lượng hoạt động của mình. Từ đó, các thảo luận và khảo sát sâu sắc với doanh nghiệp và các cơ quan quản lý sẽ giúp tìm ra các bước đi cải cách đặc sắc và hữu hiệu, không chỉ cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh mà còn tạo nền tảng cho hợp tác sống động giữa chính phủ và khối doanh nghiệp.
Về phối thuộc chiến lược, sự thiếu vắng của một cơ quan có đủ quyền hạn, nguồn lực, và trách nhiệm trong nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh là một trở ngại cần vượt qua. Có lẽ, việc lập ra một nhóm công tác đặc biệt chịu trách nhiệm giúp chính phủ phối thuộc các nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh trong một thời hạn nhất định là một bước đi cần thiết.
Sẽ còn rất nhiều ví dụ khác cho thấy ý nghĩa và tầm quan trọng của nỗ lực nâng cao tầm chiến lược. Chẳng hạn, nâng tầm chiến lược cho dự án xây dựng đặc khu kinh tế Phú Quốc sẽ biến nơi đây thành ngọn hải đăng cho công cuộc phát triển. Nó không chỉ trở thành một hòn đảo thông minh mà còn là nơi cho phép mạnh dạn thử nghiệm những chính sách cải cách táo bạo và là nguồn cổ vũ cho khí phách và phẩm chất hào kiệt của dân tộc Việt Nam.
Một ví dụ khác, nâng tầm chiến lược cho một chương trình cải cách kinh tế không chỉ giúp Việt Nam phát triển mạnh mẽ hơn mà còn biến Việt Nam thành một tâm điểm cho nhiều quốc gia tới học hỏi về kinh nghiệm cải cách và phát triển. Điều này càng có ý nghĩa quan trọng cho Việt Nam vì sức mạnh của một quốc gia không chỉ phụ thuộc vào thực lực kinh tế mà cả vào lòng mến mộ và mong muốn học hỏi của cộng đồng quốc tế. Cũng như vậy, nâng tầm chiến lược trong quan hệ với Hoa Kỳ sẽ không chỉ giúp Việt Nam có một đối tác tốt về thương mại và quốc phòng mà còn đem lại cho nước ta một người đồng minh vô giá không thể thiếu được trên con đường đi đến phồn vinh.
Điều cần chú ý nữa là, đòi hỏi nâng tầm chiến lược không chỉ là trọng yếu cho những nỗ lực của quốc gia mà cũng cấp thiết cho các dự án và sáng kiến của doanh nghiệp hay địa phương, dù đó là xuất khẩu vải quả sang Mỹ hay qui hoạch đầu tư lớn vào cây mắc ca, từ đầu tư mở rộng nhà máy lọc dầu Dung Quất đến sản xuất điện thoại thông minh BKAV.
…………………….
PGS TS Vũ Minh Khương, ĐHQG Singapore
(Nguồn: Thesaigomtimes, ngày 09/07/2015)