Đại học Hoa Sen – HSU

Một cuộc bỏ phiếu văn chương của công chúng ngành giáo dục

Có thể xem công chúng văn chương ngành giáo dục gồm bốn tầng lớp: lãnh đạo, chỉ đạo, giảng dạy và tầng lớp trung tâm: học tập. Cuộc bỏ phiếu văn chương lần này ở khu vực phổ thông trung học thực ra hàng chục năm qua cũng đã diễn ra, có lúc âm thầm trong những giờ giảng dạy của giáo viên, học tập của học sinh; có lúc công khai tại các hội nghị, hội thảo khoa học về giảng dạy môn văn do các trường Đại học Sư phạm, Sở, Vụ, Viện và Bộ Giáo dục chủ trì; nhưng giờ đây cuộc Tổng tuyển cử văn chương phổ thông trung học mới chính thức được tổ chức; đó là: thay đổi nội dung chương trình giảng dạy (thuộc tiến trình cải cách giáo dục nói chung).

Cũng như trong những cuộc tuyển cử khác: người bầu cử có chấp thuận và có chối từ. Với quan điểm học thuật, nghệ thuật buổi “tân vận hội” này (nằm trong xu thế đổi mới tư duy của toàn xã hội), những cán bộ được giao trách nhiệm soạn thảo chương trình mới (có tính đại diện cho công chúng văn chương ngành giáo dục) đã tạo ra bước ngoặt quan trọng về cấu trúc nội dung, cũng như đã làm xuất nhập không ít tác giả tác phẩm, các vấn đề lý thuyết văn học… so với chương trình cũ. Chương trình môn văn phổ thông trung học trước đây có một số ưu điểm không thể phủ nhận, nhưng giới nghiên cứu văn học ngoài đời có bao nhiêu khuyết điểm nhược điểm (xã hội học dung tục, thô thiển…) thì nội dung và phương pháp dạy dỗ văn học trong nhà trường cũng in hằn lại đủ từng ấy khiếm khuyết – mà có phần nghiêm trọng hơn; nghiêm trọng đến mức cố Giáo sư Nguyễn Đức Nam cách đây gần 10 năm đã phải lên tiếng báo động: việc giảng dạy văn ở các trường phổ thông đã đến độ “thảm hại” (tất nhiên bên cạnh nguyên nhân Chương trình, người dạy văn phải gánh một phần trách nhiệm – ví như trường hợp giảng về một tác phẩm văn chương ưu tú mà giáo viên vẫn không thể tạo ra nổi phản xạ hào hứng học tập của học sinh, thì đó hẳn là do người dạy có nhiều hạn chế: một bộ não nghèo nàn thông tin, một trái tim cằn cỗi, đôi bàn tay nghề phi hoặc phản khoa học…).

Dẫu sao cũng nên công bằng mà nói ngay rằng: một số khiếm khuyết của nguyên bản được tái hiện trong phiên bản có tính tất nhiên lịch sử. Nó tất nhiên như trong lĩnh vực sáng tác văn chương mấy chục năm qua, bên cạnh các thành tựu, ưu điểm cũng không thể phủ nhận, là không ít những dòng chữ nghĩa nhợt nhạt. Thứ văn chương chỉ quan tâm đến vấn đề nói về cái gì (thường được gọi là “đề tài”) mà không chú ý đúng mức tới chuyện nói như thế nào; lối sáng tác kiểu “bốc thuốc đủ vị”; cách suy nghĩ về nghệ thuật của người sáng tác cổ lỗ siêu hình như một ông giáo già thuở xưa bình văn: forme (hình thức) kém nhưng được cái fond (nội dung) thì tốt…; tất nhiên là anh em đồng bào song sinh với phương pháp nghiên cứu xã hội học dung tục: không đánh giá cái mà nhà văn sáng tạo ra mà chỉ quan tâm tới ý định của người viết (thường được goi là “tư tưởng chủ đề”), không phân tích hình tượng nhân vật với ý nghĩa là “người này” (Hegel) mà chỉ nhăm nhăm khen chê cái giai cấp của nhân vật, cái nằm ngoài nhân vật… Môn văn trong nhà trường với nội dung chương trình có nhiều mặt không ổn thỏa và dựa vào phương pháp giảng dạy không ít hạn chế, thực tế đã rất khó tạo khoái cảm mỹ học hấp dẫn học sinh; rút cục môn học ấy gây ra hậu quả: học sinh vẫn yêu thích văn học (với ý nghĩa: văn chương) nhưng lại chán ghét học văn; góp phần dẫn đến tình trạng: tỷ lệ học sinh theo đòi văn nghiệp không quá vài phần trăm. Đó chính là một hành động bỏ phiếu của bộ phận trung tâm trong công chúng văn chương ngành giáo dục: chối từ nhiều tác phẩm được tuyển chọn giảng dạy, chối từ những lời tán khiên cưỡng vô căn cứ thiếu sức thuyết phục của thầy cô giáo đối với một số tác phẩm không tiêu biểu lại được đưa vào chương trình giảng dạy – và đồng thời cũng là bỏ phiếu không tín nhiệm phương pháp dạy văn kiểu xã hội học dung tục. Phép ứng xử “cao chạy xa bay” nghiệp văn bộc lộ thái độ phủ quyết tầm chiến lược của học sinh. Phản ứng ở mức chiến thuật và kỹ thuật của họ là: thờ ơ, phá phách trong giờ học văn (đọc truyện, học bài môn khác, nghịch ngợm, thậm chí “đệm” tếu một cách chua chát có khi đến tục tĩu đối với một số lời giảng…) khiến giáo viên phải bỏ ra khỏi lớp – nếu là một cô giáo trẻ non nớt tay nghề thì mi mắt cô thường ngấn lệ, cô rảo bước đến phòng hiệu trưởng mà rằng: “Em dạy không nổi, em xin trả lại lớp cho nhà trường!”… Rồi em nức nở lệ sầu tuôn… – Cảnh đời nhà giáo ngoài chuyện đói nghèo, còn phải kể đến những nông nỗi như vậy nữa. Nằm trong trình độ dân trí ngày càng được nâng cao có lúc với cấp số nhân (rất nhiều tin tức chính trị, xã hội, văn hóa, khoa học… xác thực trong và ngoài nước được truyền thông: rất nhiều tác phẩm văn chương đông tây kim cổ chứa đựng nội dung tư tưởng tình cảm đa dạng được phiên dịch…), vốn tri thức và tầm suy nghĩ của học sinh ngày hôm nay vượt khá xa quá khứ; trong khi đó một số trang giáo khoa thư văn học thì lại vẫn “ngây thơ” hơn họ. Lệ thường: mấy khi trẻ con đánh lừa nổi người lớn; bởi vậy, lá phiếu của họ căn bản chính xác: trong cái phương diện dường như “nghịch tử” của họ bao hàm ít nhiều yếu tố phủ nhận sự phủ nhận của phép phát triển biện chứng. – Chúng ta cũng yên tâm thôi: “Con hơn cha là nhà có phúc”.

Học trò bỏ phiếu như thế, là phiếu của người dạy dỗ họ thì sao? Trừ một số giáo viên “có nghề phụ là dạy học”, còn giờ đây những ai tâm huyết với nghề hẳn cũng khó bỏ phiếu thuận cho chương trình cũ. 15 năm qua các lá phiếu công khai và tích cực không chấp thuận liên tục xuất hiện trên báo chí trung ương, địa phương, và trong các hội nghị, hội thảo… ít nhiều cũng đã có tác dụng: một số “thơ” đại loại: “Vào tầng cũng lắm thằng Tây; Thằng kia mũ trắng thằng này mũ vàng” (lớp 10)…, một số văn xuôi – nói như Vanslov: “tựa hồ ổn thỏa cả, nhưng cứng nhắc, không có linh hồn” đã được di chuyển khỏi chương trình… Bên cạnh biện pháp bỏ phiếu công khai tích cực giáo viên văn còn có lối phủ quyết âm thầm tiêu cực: họ “dạy chui”; đó là dạy không theo chương trình, không đúng “pháp lệnh” giáo dục: bỏ không giảng những sáng tác mang danh “hiện đại” mà nội dung lại quá lạc lõng so với thời cuộc; hoặc chỉ “khoét giảng” vài ba câu, đoạn tạm được của mấy tác phẩm thiếu tính nghệ thuật (cách đây vài ba chục năm, khi còn dạy cấp phổ thông, thầy giáo Phạm Bá Rô là một trong những người tiên phong của trường phái “khoét giảng”)… Bởi vì không “tự cứu” như vậy thì giờ giảng dạy văn chương sẽ biến thành một cuộc thầy trò tra tấn lẫn nhau. Trong cái phương diện dường như “nghịch phụ” (theo quan niệm xưa: sư cũng là phụ) này lại cũng bao hàm đôi phần tính phủ nhận sự phủ nhận tích cực của phép phát triển biện chứng. Cho nên thật ngây thơ khi nhà văn nọ thấy một truyện ngắn (thuộc loại thường) của mình mấy năm qua có mặt trong chương trình văn nhà trường đã vội chủ quan: hàng nghìn giáo viên toàn quốc hàng năm vẫn phải “giải mã” chữ nghĩa của mình cho hàng vạn thanh thiếu niên học đường… Than ôi! văn chương có “mã” tầng này lớp nọ thì mới phải “giải”, chứ loại tác phẩm trơ gốc bật rễ cả ra rồi, đọc dăm dòng đầu đoán được ngay kết thúc, thì còn cái “mã” gì nữa mà cần “giải”. Bất quá lâm tình huống phải giảng giải loại văn vẻ như thế thì giáo viên thường chỉ nhăm nhăm “giải nguy” bằng cách làm sao cho giờ học trôi thật nhanh, dẫu có bị từ trần sớm theo thời gian vùn vụt như bóng câu qua cửa sổ thì cũng cam lòng – tương tự nhân vật huyền thoại kia có “cuộn chỉ thời gian”… Thiếu những phép bí tích giải nguy nhiệm màu, người giáo viên đành “tẩu mã” theo kiểu: chương trình quy định hai tiết, chỉ dạy một tiết; quy định một tiết, thì dạy nửa tiết; trong lúc dạy, chỉ trỏ học sinh đọc liên tục giết thì giờ (trong nghề gọi là “rèn luyện kỹ năng đọc”), cuối cùng cho học trò chép mấy dòng, nhưng lại đặc biệt lưu ý thư ký lớp phải cẩn thận ghi tên bài giảng vào sổ đầu bài, đề phòng mọi loại kiểm tra; đặng mà hoàn thành nhiệm vụ! Tương tự đối với loại học sinh dường như “nghịch tử”, ta không nên chê trách nặng lời các thầy cô dạy văn dường như “nghịch phụ” và “nghịch mẫu” đã buộc lòng phải tòng quyền “Có khi biến, có khi thường” như vậy: về căn bản, họ chỉ là nạn nhân chứ không phải tội nhân – thậm chí, họ còn là những người “dậy sớm” với lối sớm dạy như thế. Vì đến ngày hôm nay thì rõ ràng là: những tác phẩm không được thầy trò bỏ phiếu tán thưởng trước đây, hiện đã vắng bóng trong chương trình cải cách mới được soạn thảo. Tất nhiên một số tác phẩm vắng mặt không phải do nguyên nhân nghệ thuật kém, có khi ngược lại (ví dụ: truyện ngắn Tầm nhìn xa của Nguyễn Khải đã được thế chân bằng Mùa lạc của cùng tác giả), mà là do vấn đề các tiêu chí: khoa học, thời đại…

Chương trình cải cách môn văn phổ thông trung học hiện hành (một phần chương trình còn chờ duyệt, nhưng chắc không có thay đổi lớn) chứa đựng rất nhiều yếu tố cách tân. Tất nhiên như những cái mới chân chính khác: “vạn sự khởi đầu nan”, chương trình cải cách không tránh khỏi những điều cần thảo luận thêm về cấu trúc, thuật ngữ, tiêu chí tuyển chọn…; nhưng nói chung, hệ thống chương trình cách tân này có vẻ đẹp rất khác xưa: chỉ chọn giảng những văn bản thuộc phạm trù văn chương (belles – lettres); các tác phẩm văn chương mà thiếu chất văn cũng đã mất vị trí, thay vì là những sáng tạo nghệ thuật ít nhiều xứng đáng tiêu biểu cho văn chương dân tộc cổ kim và nhân loại đông tây… Chẳng hạn trong chương trình lớp 12 (đang thực hiện trong niên khóa 1989-1990), về giai đoạn 1930-1945, học sinh được tiếp xúc với dòng văn học lãng mạn tới 12 tiết (hai tiết khái quát; 10 tiết giảng văn và bình chú truyện của Thạch Lam, Nguyễn Tuân, Khái Hưng, thơ của Xuân Diệu, Huy Cận, Nguyễn Bính, Hàn Mặc Tử, Thế Lữ, Lưu Trọng Lư, Chế Lan Viên, Anh Thơ, Vũ Đình Liên) so với chương trình cũ chỉ còn hai tiết khái quát; Về văn học hiện thực phê phán: sau hơn 30 năm vắng mặt, Vũ Trọng Phụng tái ngộ học đường cùng tiểu thuyết cười dài Số đỏ (3 tiết); về giai đoạn 1945-1975: lần đầu tiên ra mắt nhiều diện mạo (Quang Dũng – Nhớ Tây tiến; Xuân Quỳnh – Sóng; Nguyễn Mỹ – Cuộc chia ly màu đỏ; Phan Thị Thanh Nhàn – Hương thầm…). Chương trình văn học toàn cấp phổ thông trung học còn là nơi đại đoàn viên của biết bao bảo vật văn học nhân loại: sử thi Ramayana (Ấn Độ), Thần khúc (Dante), Tam quốc chí (La Quán Trung), Liêu trai chí dị (Bồ Tùng Linh); thơ Essenin (Liên Xô); truyện của Marquez (Colombia) và Cavcaz (Tiệp Khắc)… Nhìn ngắm chương trình, người giáo viên văn có thể tức cảnh mà lẩy Kiều: “Tưởng bây giờ là bao giờ; Song song đôi mặt còn ngờ chiêm bao”! “Còn ngờ chiêm bao”, vì như trường hợp Hàn Mặc Tử chẳng hạn: nào đã xa xôi lắm đâu, sách Sơ thảo lịch sử văn học Việt Nam 1930-1945 do Viện Văn học soạn (Nxb Văn học, 1964) còn ghi: “… đại bộ phận là những bài thơ điên loạn làm cho người đọc phải rùng mình ghê sợ. Nhiều bài thơ khác là những bài thơ tôn giáo, với những tư tưởng tầm thường, chứng tỏ một tâm trạng đau khổ và bạc nhược” (tr.173), thế mà bây giờ Hàn Mặc Tử đã nghiêm túc hiện diện trong khoa học văn học nhà trường. Tình hình như vậy hàm chứa nghịch lý gì? – Không có nghịch lý nào cả; vẫn chỉ là biểu hiện của một dòng xoáy phát triển biện chứng – Xét nguyên nhân gần: những nghị quyết của Đại hội Đảng lần thứ VI về đổi mới đã có tác dụng phục hưng văn hóa…

Chương trình văn học “Mai cốt cách, tuyết tinh thần” này rồi đây sẽ gây ra không ít rắc rối khổ sở cho các thầy cô dạy văn trong những năm tiếp cận đầu tiên. Nguyên nhân thứ nhất là do trong chương trình xuất hiện nhiều tác giả, tác phẩm mới mẻ ít được nhắc đến, thậm chí hoàn toàn không được nhắc đến ở giáo trình đại học sư phạm, mà từ ngày đi dạy đến nay, những người giáo viên vất vả nghèo túng vẫn chưa có điều kiện tìm hiểu thấu đáo (rất có thể không ít giáo viên văn học cấp ba giờ phút này chưa rõ Cavcaz sinh ở đâu, sống thuở nào, viết những tác phẩm gì…); nguyên nhân thứ hai: đối với văn chương từ 1930 trở đi, giáo viên văn phổ thông đã quen phân tích đối tượng thường là những sáng tác có nội dung minh bạch, thậm chí “thực thà như đếm”, văn vẻ cứ “chẻ hoe” ra…; giờ đây phải khám phá phẩm chất mỹ học của hàng chục bài thơ lãng mạn (và cả thơ sau 1945) có tình tứ mơ màng, hình tượng thơ mờ ảo hư hư thực thực…; để nhìn nhận ra được “bản lai chân diện mục” những sáng tạo nghệ thuật đích thực này thật chẳng dễ dàng…

Chương trình văn học cải cách phổ thông trung học vừa được soạn thảo (một phần bước đầu đang thực hiện thực sự là một cuộc Tổng tuyển cử văn chương của công chúng ngành giáo dục). Cuộc tổng tuyển cử này là giao điểm của hai yếu tố đồng đại và lịch đại: đồng đại là xu thế đổi mới tư duy như một tất yếu lịch sử (tư duy có tính khoa học, nhân bản, và dân chủ hơn xưa); lịch đại là những cuộc bỏ phiếu ngấm ngầm hoặc công khai, tiêu cực hoặc tích cực của các giới lãnh đạo, chỉ đạo, giảng dạy và học tập môn văn trong ngành giáo dục hàng chục năm qua. Mấy niên khóa sắp tới, chương trình cải cách sẽ khiến nhiều thầy cô giáo vất vả lao đao; nhưng cùng với sách giáo khoa được biên soạn theo tinh thần này (hy vọng cái tác phẩm hoàn chỉnh ấy sẽ phát triển được hết vẻ đẹp của phác thảo), chương trình mới ắt bù đắp cho người giáo viên dạy văn nhiều niềm vui thanh khiết trong công tác hàng ngày, hóa giải được những giây phút khổ nhục trên bục giảng, đặc biệt giúp giáo viên văn học hoàn tất nghĩa vụ cao quý của người kỹ sư tâm hồn “thụ nhân” (trồng người).

Chương trình môn văn cải cách phổ thông trung học với những tác giả tác phẩm tiêu biểu của dân tộc và nhân loại, là hương sắc và mật ngọt diệu kỳ của “Người ta hoa đất”, qua sự dẫn dụ của các giáo viên tài tâm song toàn, tự nhiên sẽ quyến rũ được tuổi trẻ đến thưởng hương hút nhụy… – Hàng ngày, rất nhiều thanh thiếu niên vẫn lặng lẽ ghi chép những câu thơ ý vị xuất hiện trên sách báo, vẫn quên ăn quên ngủ vì những hình tượng nghệ thuật vĩ đại ngàn thu…, lẽ nào họ có thể thờ ơ với: Ramayana đẫm sắc hoang đường một thuở nhưng đầy “triết lý muôn đời”, Liêu trai thật kinh dị loạn lên những hồ quỷ ghê người mà có khi xiết bao nhân ái khiến nhiều người lại muốn được chuyện trò (trong đó có Tản Đà); Tam quốc chí với những nhân vật được khắc họa khỏe, trọng lượng như tượng đá; Cavcaz “linh báo” điều gì thật không rõ lắm mà sao rung rẩy tận đáy lòng; Số đỏ cười ngất sự đời với Tràng giang dịu buồn đất nước; Nhớ Tây tiến vời vợi tâm tư v.v… Khoái cảm mỹ học – “Cái đẹp tạo ra cho con người một cảm giác hoan hỷ trong sáng giống như cảm giác khi ta gặp mặt người yêu” (Chernyshevski) – không những sẽ khiến học sinh không “cao chạy xa bay” môn văn nữa, mà những hạt mầm thẩm mỹ giàu sinh lực được nhà trường gieo trồng hẳn sẽ góp phần tạo nên những vụ mùa hoa quả nghệ thuật bội thu tương lai…

Chương trình văn học cải cách cấp phổ thông trung học vừa được soạn thảo có lẽ mặc nhiên cũng đã đối thoại một đôi điều với giới sáng tác và nghiên cứu văn học: thời gian thật công minh tinh tế, thời gian đã sàng lọc vàng thau thật chuẩn xác: vàng trước sau còn sáng mãi, thau thì sớm muộn cũng gỉ mòn – Cuối cùng, từ “cuộc bỏ phiếu văn chương của công chúng ngành giáo dục”, tôi muốn thưa một câu: thưa các khối vàng chín và mười, lớn và nhỏ trên văn đàn Việt Nam hiện đại: hãy tin thời gian, “Thời gian ủng hộ chúng ta”, chẳng cần phải khuyên can ai: “Thật vàng chẳng phải thau đâu; xin đừng thử lửa cho đau lòng vàng”!
 

Theo Văn Tâm

Nguồn: Văn Nghệ, Hà Nội, số 10 (10-3-1990)
 

[1] Tham luận tại hội thảo Một số vấn đề cơ bản của việc cải cách chương trình, sách giáo khoa và việc dạy văn trường phổ thông trung học do Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Sở Giáo dục Hà Sơn Bình, và một số cơ quan thuộc Bộ Giáo dục tổ chức tại thị xã Hà Đông (ngày 23, 24, 25 tháng 11-1989).
 

Facebook Youtube Tiktok Zalo