Đại học Hoa Sen – HSU

Một chút tản mạn – ngày 20/11

Những ngày của tháng Mười một, bao giờ cũng nghĩ về nghề giáo, về thầy cô, về học trò thật nhiều.

Nhận được một số tin nhắn, điện thoại, email chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam. Ấy thế mà dù đã hơn 5 năm gắn bó với bục giảng, cứ lần nào nhận được lời chúc mừng tôi vẫn thấy có một chút bồi hồi, lạ lẫm khó tả. Nghề không chọn tôi, là tôi chọn nghề. Nhưng không phải không có lúc tôi nghĩ đến chuyện chuyển nghề. Nhiều trăn trở, bức xúc. Vậy cái gì giữ chân tôi với việc làm thầy hơn 5 năm qua ?

Một người thầy ở đại học mà tôi rất quý đã từng bảo, nghề đi dạy, có một chút gì đó gần với nghề diễn viên. Nó có một ma lực. Không phải là ánh đèn sân khấu, không phải là quần áo, hóa trang, không phải là vinh quang phù phiếm. Nghề giáo không có những cái đó. Cái giống nhau, đó là sự hóa thân.

Người thầy vừa không phải là mình khi truyền đạt kiến thức. Người thầy đang thay mặt khoa học, thay mặt chân lý, thay mặt lịch sử. Cho dù những kiến thức đó, mình yêu hay ghét, thì mình vẫn phải nói đúng sự thật giá trị của nó. Nhưng người thầy cũng lại vừa là mình khi truyền đạt kiến thức. Vì người thầy cũng phát ngôn cho quan điểm của chính mình. Mỗi lần đi dạy là một bài giảng, dù cũng chính nó nhưng mỗi năm phải dạy khác, đối tượng nghe mình nói khác, và mình cũng là một “tôi” khác. Vì hôm đó, tôi có tâm trạng khác, thể chất khác, tâm lý khác, độ trưởng thành khác, kinh nghiệm khác…

Đi dạy còn là nhu cầu chia sẻ. Người diễn viên chia sẻ với khán giả về cảm xúc, cái nhìn của họ về vai diễn. Người thầy chia sẻ với người học về kiến thức, về khoa học, về cuộc sống, về lý tưởng, về nhân sinh, về quan niệm cá nhân, từ đó khơi gợi nguồn cảm hứng của người học về kiến thức được truyền tải.

Quả thực, năm đầu tiên đi dạy, thực lòng tôi chỉ nghĩ đến chuyện: hôm nay mình dạy tròn vai không, có hấp dẫn không, có thu hút học sinh/sinh viên không,…nhưng đến bây giờ, tôi lại trăn trở những điều xa xôi hơn, đó là thông qua bài dạy, thông qua cách dạy của mình, tôi phải truyền đạt cho học sinh/sinh viên của mình một thái độ, một cảm hứng, một lý tưởng, đem lại sự hứng khởi và đam mê tìm tòi ở các em, chứ không phải vì điểm số, vì giải thưởng, vì là môn học phải thi tốt nghiệp  Giống như William Arthur Ward đã từng nói: “The mediocre teacher tells. The good teacher explains. The superior teacher demonstrates. The great teacher inspires”

Với tôi, đi dạy không chỉ là dạy. Tôi còn được học. Tôi học từ học trò mình rất nhiều. Chững chạc, thâm trầm, điềm đạm, chín chắn, sôi nổi, vô tư, bất chấp, khiêu khích… chẳng phải đúc kết từ học trò, những năm tháng đi dạy? Chưa kể, khả năng ứng dụng công nghệ của học trò hơn hẳn mình, ý tưởng của họ, có khi còn sáng tạo và mới mẻ hơn tôi rất nhiều. Cảm giác học được một điều gì mới mẻ từ phía học trò luôn đem lại một sự thỏa mãn và thích thú khó tả.

Mỗi buổi dạy đôi khi không đơn thuần chỉ là thuyết giảng, mà còn là buổi đối thoại giữa thầy và người học, giữa người học với nhau, rất lý thú và sôi nổi. Người thầy, được người học đối thoại, tranh luận, thể hiện lòng yêu mến hay ghét bỏ đối tượng cả hai đang tìm hiểu, và về cả bản thân người thầy. Người học còn được biểu lộ ý tưởng của mình qua sự đồng sáng tạo. Những giờ dạy trở nên thú vị và ấm áp hơn bao giờ hết.

Nhất là trong lúc này, những bất an về cuộc sống, về lý tưởng, về xã hội nhiễu nhương ngoài kia… đã được những giờ lên lớp xóa sạch. Như đường phố đầy rác sau cơn mưa, thì trở nên tinh khôi, mát mẻ.

Hôm qua đi café với cô bạn thân cũng là đồng nghiệp, bạn nói với tôi, đã nộp đơn nghỉ việc, ra ngoài làm. Bạn bảo vì “nợ cơm áo không đùa với khách thơ”.Tôi thông cảm với cô ấy. Tôi không bao giờ trách những người từ bỏ nghiệp làm thầy để ra đi. Hơn nữa, ở vị trí nào, miễn là mình yêu thích, thì cảm giác cống hiến của mình cho xã hội sẽ đủ đầy hơn.

Còn với tôi, cảm giác hài lòng nhất là vừa kết thúc một buổi lên lớp.
Giống như diễn viên. Đứng trước lớp là quên hết những ưu tư, muộn phiền./.
 

Thảo Nguyên

Danh mục liên quan

Thông tin chuyên đề Tin Hoa Sen
Facebook Youtube Tiktok Zalo