Một bước ngoặt trong Chuyện Đại học Hoa Sen
Ngày 31.1.2015 sẽ được ghi nhớ như một ngày đặc biệt của Đại học Hoa Sen (tên tắt quốc tế: HSU) và có thể của cả hệ thống đại học tư thục Việt Nam. Tại sao lại “có thể”? Xin được trả lời câu hỏi này ở cuối bài, trước mắt xin trở lại những diễn biến liên quan đến riêng đại học Hoa Sen trong ngày này.
Sáng hôm ấy, một “đại hội toàn trường” của ĐH được tổ chức tại khách sạn Equatorial, TP HCM. Tham dự đại hội gồm thành viên góp vốn, thành viên Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát và cán bộ quản lý, giảng viên và nghiên cứu viên của nhà trường, tất cả là 353 đại biểu, chiếm 81,9% (vượt qua số tối thiểu theo qui định trong điều lệ là 75%) của 431 đại biểu có đủ tư cách tham dự. Trong số 353 đại biểu có mặt, 269 người là nghiên cứu viên, giảng viên, cán bộ quản lý của trường (trên tổng số 270 người).
Đại hội đã tiến hành thảo luận và góp ý dự thảo quy chế tổ chức hoạt động và quy chế tài chính nội bộ nhằm chuẩn bị hồ sơ trình các cơ quan chức năng thẩm định và công nhận là trường ĐH tư thục hoạt động không vì lợi nhuận, theo Điều lệ trường ĐH mới được Chính phủ ban hành ngày 10.12.2014 ( Quyết định số 70/2014/QĐ-TTg), có hiệu lực kể từ ngày 30.1.2015, nghĩa là ngày hôm trước của đại hội.
Hẳn nhiên, việc chuẩn bị hồ sơ để được công nhận quy chế “không vì lợi nhuận” (KVLN) là một việc quan trọng, nhưng đó là một công việc có tính kỹ thuật pháp lý, là một nhiệm vụ của bộ phận quản lý bình thường rất ít khi thu hút sự quan tâm của cán bộ giảng dạy và nghiên cứu. Vậy điều gì đã thúc đẩy hầu hết những người này tới tham dự đại hội? Câu trả lời được một số báo chí gián tiếp nêu ra trong bài tường thuật đại hội : một sự hỗn loạn kéo dài khoảng 15 phút do hai cổ đông gây ra (vì cho rằng đại hội tổ chức không hợp lệ, trái với ý kiến đồng loạt của những đại biểu khác), trước khi một trong hai người bị bảo vệ đưa ra khỏi hội trường.
Nhưng tại sao có chuyện đó? Phải ngược thời gian lên xa hơn. Ngày 2.8.2014, một sự kiện được báo chí rầm rộ đưa tin: một “đại hội cổ đông bất thường” đã “miễn nhiệm” (truất phế) 5 trên 7 thành viên Hội đồng quản trị (HĐQT) cũng như toàn Ban kiểm soát của trường, vốn là những người đã dày công xây dựng để tạo nên thương hiệu Hoa Sen có uy tín cả trong và ngoài nước từ ngày thành lập đến nay (xin nhắc lại, trường được thành lập năm 1991, với tên Trường Nghiệp vụ Tin học và Quản lý Hoa Sen, và sau mấy lần đổi quy chế, nâng cấp, chính thức trở thành “Đại học Hoa Sen” từ đầu năm 2007) . Người triệu tập “đại hội cổ đông bất thường” là ông Nguyễn Trung Đức, cũng là một trong hai thành viên HĐQT không bị miễn nhiệm (!), và là người tới gây hỗn loạn (nhưng chỉ được 15 phút) đại hội toàn trường ngày 31.1. Trong tháng 8.2014, sau “đại hội cổ đông bất thường” này, và sau phản ứng công khai của HĐQT đương nhiệm, hai ngày sau, tố cáo tính chất bất hợp pháp của nó, báo chí đã viết nhiều về việc lùm xùm tại Hoa Sen do nó gây ra, có thể tóm lại trong nhận định này của nhà báo Lam Phương (báo Pháp luật TPHCM ngày 11.9.2014):
Có thể thấy, trước ngày 1-1-2013 cổ đông HSU đã chia hầu hết chênh lệch thu chi trong quá trình hoạt động, vì vậy mọi chuyện đều “xuôi chèo mát mái”. Tình hình cổ đông đã “quen” với mức sinh lợi trung bình 35% hằng năm, nay theo quy định của Nghị định 141/2013/NĐ-CP – với ĐH phi lợi nhuận, chỉ còn cổ tức không quá lãi suất của trái phiếu chính phủ, tức là vài %/năm – có thể lý giải tại sao có nhiều chuyện “lùm xùm” ở HSU từ sau thời điểm Nghị định 141 có hiệu lực thi hành vào ngày 10-12-2013.
Bài báo cũng cung cấp nhiều thông tin cụ thể về Quy chế hoạt động của Hoa Sen và một số văn bản pháp lý liên quan đến đại học tư thục ở VN.
Nhưng ông Nguyễn Trung Đức và những người theo ông – chủ yếu là muốn điều hành Hoa Sen trong hướng vì lợi nhuận – đã không thành công. Theo Luật đại học VN, HSU hoạt động trên địa bàn thành phố HCM, HĐQT phải được Uỷ ban Nhân dân (UBND) thành phố công nhận. Nhưng, ngày 29.1.2015 Sở GD&ĐT TP.HCM làm việc với HĐQT cùng các cổ đông Trường ĐH Hoa Sen đã chính thức cho biết là “do HĐQT và các cổ đông chưa thống nhất được tỉ lệ góp vốn của cổ đông nên chưa đủ cơ sở pháp lý đề xuất UBND TP công nhận HĐQT bầu ra tại đại hội đồng cổ đông bất thường ngày 2-8-2014” (tin các báo), và do đó HĐQT đương nhiệm, nhiệm kỳ 2012-2017, vẫn được công nhận là hợp pháp.
Như vậy, đại hội toàn trường nhằm chuẩn bị hồ sơ trình các cơ quan chức năng thẩm định và công nhận là trường ĐH tư thục hoạt động không vì lợi nhuận, như đã nói, được một HĐQT hoàn toàn hợp pháp triệu tập, với sự tham dự của gần 82% số đại biểu có quyền tham dự, mặc dù đã phải vượt qua nhiều toan tính phá đám (theo nguồn tin của chúng tôi, HĐQT Hoa Sen đã phải hai lần thay đổi địa điểm dự trù tổ chức đại hội này, và ngay trong ngày 31.1, đã có sẵn một địa điểm dự phòng cho “phương án B” nếu bị phá), rõ ràng là một thành công lớn của tập thể giáo chức và cán bộ quản lý Hoa Sen, khẳng định một cách minh bạch và mạnh mẽ nhất mô hình giáo dục đại học tư thục không vì lợi nhuận, “giá trị cốt lõi” mà mình theo đuổi từ hơn 20 năm qua (chữ của Tiến sĩ Trần Hà Nam, người sáng lập Trường Nghiệp vụ Tin học và Quản lý Hoa Sen, tiền thân của HSU, trên báo Người Lao động ngày 9.8.2014).
Thành công này, trong tình hình chính trị đầy bất trắc do những cuộc đấu đá không minh bạch của các nhóm lợi ích ở Việt Nam hiện nay, chưa thể nói là hoàn toàn vững chắc. Những cuộc ném đá giấu tay, những đòn bẩn sẽ còn được tung ra. Mặc những tuyên bố đầu tư cho giáo dục không vì lợi nhuận của nhiều cổ đông, mặc sự đoàn kết nhất trí cao hiếm thấy của tập thể giáo chức và cán bộ quản lý Hoa Sen, quy chế đại học tư thục không vì lợi nhuận vẫn còn phải chờ được công nhận chính thức, với nhiều cửa ải phải vượt qua. Đó là lý do khiến người viết đã phải dùng từ “có thể” khi nói rằng ngày 31.1.2015 sẽ được ghi nhớ như một ngày đặc biệt “có thể của cả hệ thống đại học tư thục Việt Nam”. Vì Hoa Sen chính là trường đại học đầu tiên đã kiên trì theo đuổi ý tưởng hoạt động không vì lợi nhuận mà nay được thừa nhận trên các văn bản chính thức của Nhà nước. Thừa nhận trên giấy, cho tới khi một ví dụ được chưng ra – và tất nhiên với những điều chính pháp lý cần thiết mà thực tiễn áp dụng mô hình “không vì lợi nhuận” đó sẽ chỉ ra. Hoa Sen xứng đáng là ví dụ đầu tiên ấy, như lời tiến sĩ Nguyễn Thiện Tống phát biểu tại đại hội.
Sự chọn lựa, nói theo ngôn ngữ thể thao, ở trong phần sân của các cấp có thẩm quyền.
Vài tấm ảnh Đại hội toàn trường Hoa Sen ngày 31.1.2015:
Đại biểu Trương Quốc Tụy, một nhà giáo góp mặt từ thời mới dựng xây trường
Đại biểu Nguyễn Thiện Tống, một cổ đông chiến lược, cũng là thành viên ban sáng lập trường ngay từ đầu:
“Nếu như có một trường đại học tư thục phi lợi nhuận đầu tiên của Việt Nam thì tôi nghĩ đại học Hoa Sen xứng đáng là trường đó”.
Các đại biểu biểu quyết về góp ý cho 2 dự thảo quy chế tổ chức hoạt động và tài chính nội bộ
(phiếu vàng: người góp vốn; phiếu xanh: giáo chức và cán bộ quản lý Hoa Sen)
Theo Hà Dương Tường – Diễn Đàn