MOOCs giữa ngã ba đường
Khái niệm MOOCs (Massive Open Online Courses – Các khóa học đại trà mở trực tuyến) xuất hiện lần đầu năm 2008, và lên đến đỉnh điểm thu hút sự quan tâm của công luận bốn năm sau đó, đến mức tạp chí New York Times gọi năm 2012 là “năm của MOOCs”. Cũng trong năm đó, nhiều người thậm chí so sánh MOOCs với những phát minh lớn của loài người trước kia như việc tìm ra lửa hay sự ra đời của Internet. Hai năm sau “đỉnh cao”, MOOCs vẫn phát triển nhưng không bùng nổ đúng như kỳ vọng trước đó. Tại sao vậy?
Khát vọng xây dựng nên một nền giáo dục là công cụ xóa bỏ giàu nghèo, đẳng cấp, giai cấp; nền giáo dục cho mọi người, từ nghèo nhất đến giàu nhất, từ không có địa vị xã hội đến có địa vị xã hội, từ phi tôn giáo đến tôn giáo là ước mong cháy bỏng của loài người hàng trăm năm nay.
Anh Quốc là quốc gia đầu tiên nghĩ đến và thực hiện được điều này. Năm 1858, trường Đại học London (một trường không thuộc hệ thống các trường tôn giáo vốn thịnh hành thời bấy giờ) được Nữ hoàng Victoria phê chuẩn quyền được tổ chức kiểm tra đánh giá và cấp bằng cho sinh viên. Sự kiện này mở ra cơ hội có bằng đại học cho hàng nghìn người dân lao động nghèo thời bấy giờ. Đến cuối thế kỷ XIX, người Mỹ, được chắp cánh bởi đạo luật Morrill về cấp đất cho các trường, tiếp tục phát huy tinh thần “giáo dục đại chúng” của người Anh với việc lần lượt Đại học Chicago và Đại học Columbia mở rộng phạm vi hoạt động theo các chương trình đào tạo từ xa cho hàng trăm nghìn công nhân nhập cư trong ngành than mỏ để trở thành những giám sát viên và kỹ sư bậc cao.
Thập kỷ 1950, thập kỷ đầu tiên sau khi Thế chiến thứ II kết thúc là bước khởi đầu cho công cuộc “đại chúng hóa giáo dục đại học” lần thứ hai trên thế giới. Tại Mỹ, đạo luật GI Bill ra đời, hỗ trợ tài chính cho cựu quân nhân quay lại ghế giảng đường giúp nước này có thêm gần năm triệu người có bằng đại học. Tại châu Âu, chính sách ưu tiên đầu tư của Nhà nước cũng giúp giáo dục đại học mở rộng nhanh chóng. Tại châu Á, những trường đại học hiện đại nối tiếp nhau được thành lập. Giáo dục đại học thực sự chuyển mình từ “tinh hoa” sang “đại chúng”.
Cho đến thập kỷ thứ hai của thế kỷ XXI, toàn thế giới đã có tới hơn 150 triệu sinh viên. Ngay cả tại những nước đang phát triển như Việt Nam, tỷ lệ thanh niên là sinh viên đại học đã vượt ngưỡng hơn 20%. Tại những nước đã phát triển, giáo dục đại học thậm chí nhảy sang nấc thang mới: “phổ cập giáo dục đại học” (universe higher education). Tỷ lệ thanh niên là sinh viên ở những nước như Hàn Quốc, Đài Loan hay Mỹ lên tới hơn 80%.
(Ảnh: www. wikimedia.org)
Dân số bùng nổ, giáo dục đại học mở rộng quá nhanh, nhu cầu đi học từ người dân quá lớn. Hệ thống các trường đại học và cao đẳng, cả công và tư, khắp nơi trên thế giới “bung ra” chưa có tiền lệ. Nhà nước không đủ nguồn lực để bao cấp cho giáo dục đại học: đầu tiên là cắt giảm hỗ trợ sinh hoạt phí; rồi học phí tăng dần theo từng năm. Để hỗ trợ người dân, các chương trình tín dụng ra đời nhằm giảm bớt gánh nặng, nhưng rốt cục, kinh tế khó khăn, tỷ lệ thất nghiệp cao, vay vốn cho việc học đại học lại trở thành gánh nặng đối với nhiều người. Tại Mỹ, báo cáo hồi đầu năm của Cục Trách nhiệm giải trình cho biết từ 2005 đến 2013, tổng số nợ tín dụng sinh viên trong cả nước đã tăng từ 400 lên tới hơn 1.000 tỷ USD. Có những người vay tiền đi học bốn năm để rồi cả đời vẫn chưa hết trả nợ.
Với các nước đang phát triển, khi giáo dục đại học mới phổ cập ở mức 20-30% thanh niên, vấn đề cân bằng “chất lượng – số lượng” còn nghiêm trọng hơn. Để đảm bảo chất lượng, đầu tư cho sinh viên phải tăng, nhưng nhà nước lại cạn nguồn lực; học phí vì vậy phải tăng; nhưng học phí tăng tức là con nhà nghèo khó có khả năng chi trả; trong khi tín dụng sinh viên không phải lúc nào cũng hiệu quả.
Giữa lúc “tiến thoái lưỡng nan” trong cân bằng “chất lượng – số lượng”, MOOCs xuất hiện như một cứu tinh. Trước MOOCs đã có e-learning. Nhưng khác e-learning, MOOCs có sự hỗ trợ của mạng xã hội, giúp tăng cường tương tác thầy- trò, điểm yếu nhất của e-learning…
Theo Phạm Hiệp
(Nguồn: Học thế nào, 2/12/2014)