Mây phóng xạ bay gần mũi Cà Mau
Đám mây phóng xạ từ Nhật Bản di chuyển theo hướng đông, bay qua gần mũi Cà Mau nhưng không đi vào đất liền nước ta mà hướng đến Malaysia.
Báo cáo của Trung tâm dữ liệu quốc gia Việt Nam CTBTO cho thấy, tại vùng Đông Nam Á, đám mây xạ đang có xu hướng di chuyển xuống phía tây nam so với vị trí của nhà máy điện Fukushima I (Nhật Bản). Hôm qua và hôm nay, đám mây phóng xạ sẽ đi qua quần đảo Phillippines và hướng tới Indonesia và Malaysia trong các ngày tới.
Hình ảnh mô phỏng đám mây phóng xạ trong ngày 26/3, mây phóng xạ hướng tới Indonesia và Malaysia trong ngày tới. Ảnh: vaec.gov.
“Tại Việt Nam, trong ngày 25/3, đám mây di chuyển theo hướng đông, bay qua gần mũi Cà Mau nhưng không đi vào đất liền và đang hướng tới Malaysia”, theo CTBTO.
Những ngày sắp tới phóng xạ có lan rộng đến lãnh thổ Việt Nam hay không, các chuyên gia của CTBTO cho rằng, còn phụ thuộc vào điều kiện khí hậu của vùng Đông Nam Á. Nhưng nếu có cũng không ảnh hưởng nhiều đến nền phông phóng xạ hiện tại ở nước ta.
Mạng lưới Trạm quan trắc phóng xạ hạt nhân của CTBTO được xây dựng cho mục đích phát hiện các vụ thử nổ hạt nhân, do vậy nó rất nhạy và có thể phát hiện được các hạt nhân phóng xạ với nồng độ rất thấp trong bầu khí quyển và liều phóng xạ do các hạt nhân phóng xạ này gây ra rất thấp không ảnh hưởng sức khoẻ con người.
Giáo sư Cao Chi, chuyên gia về vật lý lý thuyết, cho biết mây phóng xạ được hình thành từ các vụ nổ hạt nhân, nổ nhà máy điện nguyên tử do lõi lò nguyên tử bị phá vỡ, các thanh nhiên liệu nóng chảy khi nổ. Bụi phóng xạ bay vào không trung tích tụ theo các đám mây, tạo thành vệt mây phóng xạ.
Nếu kích thước các hạt bụi phóng xạ lớn và nặng sẽ rơi nhanh gần khu vực vụ nổ, nếu kích thước bụi nhỏ thì rơi chậm hơn và đi xa hơn.
Thành phần bụi phóng xạ chủ yếu là Cs-137 (xê-ri) phát năng lượng gam-ma, có chu kỳ phá hủy tới 30 năm.
Theo báo cáo của Bộ khoa học và Công nghệ chiều qua, hiện các trạm tại Đông Nam Á đặt tại Malaysia và Phillippines vẫn chưa phát hiện thấy hạt nhân phóng xạ. “Ở Việt Nam kết quả đo đạc tại Hà Nội và Đà Lạt chưa thấy có mức tăng phông bức xạ bất thường”.
Phó giáo sư, tiến sĩ Vương Hữu Tấn, Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam giả thiết, trong trường hợp đám mây phóng xạ vào Việt Nam thì cũng không gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người, “các đám mây phóng xạ cũng sẽ bị phân rã theo thời gian và loãng đi theo không gian”, ông Tấn nói.
“Tuy vậy, các trạm quan trắc của Việt Nam cũng đã chuẩn bị sẵn sàng để có thể cảnh báo sớm mức độ phóng xạ trong các đám mây khi chúng tới Việt Nam”, ông Tấn nhấn mạnh.
Các trạm quan trắc của CTBTO quanh Nhà máy Điện hạt nhân Fukushima I tại Nhật Bản phát hiện phóng xạ ngày càng lan rộng. Trên vùng biển Đại Tây Dương đám mây lan rộng hơn và tại biển Thái Bình Dương, những đám mây phóng xạ đang ngày càng lan thêm xuống phía nam.
(Nguồn: VnExpress)