Lý do bài báo khoa học bị từ chối và hệ quả (Kỳ 2): Cơ hội từ thất bại
19/09/2017
Biết được lý do bài báo bị từ chối cũng là một cách học. Sau đây là vài bài học có thể rút ra:
Thứ nhất là khi có ý tưởng làm nghiên cứu, cần phải chú trọng đến cái mới. Cái mới ở đây không chỉ về ý tưởng, mà có thể là mới về phương pháp nghiên cứu, mới về kết quả và cách trình bày, cách lý giải kết quả nghiên cứu. Rất nhiều nghiên cứu y khoa từ Việt Nam thiếu cái mới, vì chỉ lặp lại những gì người khác đã làm. Một số người chỉ muốn theo đuổi những đề tài dễ, vì hoặc là thiếu kinh phí, hoặc không dám mạo hiểm theo đuổi những đề tài gai góc. Lại có những người chỉ làm theo lối mòn, vì họ sợ làm cái gì mới sẽ bị thầy cô bác bỏ. Trong nhiều trường hợp, chính thầy cô cũng chỉ làm theo lối mòn, vì sợ hội đồng duyệt tài bác bỏ. Bản thân các thành viên trong hội đồng duyệt đề tài cũng quen với những ý tưởng nhỏ, chắp vá, hay thậm chí chưa có kinh nghiệm làm nghiên cứu khoa học, nên họ phải… bảo thủ. Trong cái vòng tròn luẩn quẩn như thế, rất khó để các nhà khoa học Việt Nam có công trình công bố trên các tập san quốc tế.
Thứ hai là cần chú trọng đến phương pháp nghiên cứu. Trong nghiên cứu thực nghiệm, thiết kế và phương pháp đóng vai trò cực kỳ quan trọng. Thiết kế nghiên cứu không thích hợp, thì dữ liệu có thể không có giá trị khoa học cao, và không có cơ may công bố trên các tập san có uy tín. Chẳng hạn như một công trình nghiên cứu y khoa thiết kế theo mô hình có yếu tố thời gian và có nhóm chứng lúc nào cũng có giá trị khoa học hơn là một công trình không có nhóm chứng. Trong nghiên cứu y học, phương pháp sai thì kết quả cũng sai hay không có giá trị cao.
Thứ ba là cách trình bày. Bài báo khoa học là một văn bản khó hiểu, bởi văn phong thường được viết rất ngắn và cô đọng. Nhưng nếu tác giả chọn cách viết dài dòng như viết tiểu thuyết thì đó là một cách chuốc lấy thất bại. Điều này có ý nghĩa với chúng ta, vì người Việt hay chịu ảnh hưởng của thơ văn trong cách viết bài báo khoa học. Nhiều tập san khoa học trong nước có cách trình bày… chẳng giống ai, chẳng theo một thông lệ khoa học nào. Điều này làm cho người đọc cảm thấy những bài báo nghiên cứu trong nước rất hời hợt và thiếu tính khoa học. Còn các tập san khoa học quốc tế có quy định rất chặt chẽ về cách trình bày dữ liệu, cách viết, thậm chí cách trình bày tài liệu tham khảo. Nếu bài báo không tuân thủ theo các quy định của tập san thì chắc chắn sẽ bị từ chối.
Xem tiếp tại đây
Theo Nguyễn Văn Tuấn
(Nguồn: Sài Gòn Tiếp Thị, 25/1/2013)