Đại học Hoa Sen – HSU

Lòng tốt của người tiêu dùng và quy luật kinh tế

Nhận định của các ủy viên thuộc Ủy ban về vai trò của chính quyền tại thời điểm hiện nay rất khẩn thiết vì đã có phần khá trễ so với diễn biến của thị trường. Nhưng còn vai trò của người tiêu dùng thì sao? Họ có nên tiếp tục tham gia phong trào này khi nó bắt đầu phát sinh một số vấn đề và hệ lụy khi có nghi ngờ một số người lợi dụng trục lợi sự giúp đỡ (như bài đăng trên Báo Người Lao Động ngày 18.4 và trên Tiền Phong ngày 12.5).

 

Giữa tháng 4, Tỉnh đoàn Quảng Ngãi huy động đoàn viên thanh niên về các xã Tịnh Hiệp, Tịnh Trà (huyện Sơn Tịnh) thu mua dưa hấu tại đồng ruộng, chia sẻ khó khăn cùng nông dân. Ảnh: Vnexpress

Thời gian gần đây dấy lên phong trào mua giúp nông dân những nông sản tồn kho, đổ bỏ. Hình ảnh những người nông dân bên đống nông sản ế được các phương tiện truyền thông đại chúng và mạng xã hội truyền đi với những lời bình thống thiết làm dấy lên lòng thương cảm trong cộng đồng và tạo thành một làn sóng ủng hộ, “giải cứu” mạnh mẽ. Và đã có nhiều chương trình giải cứu do các cá nhân tập họp lại, và các tổ chức giúp phân phối, mua nông sản ế của bà con nông dân với một lòng cảm thông, chia sẻ chân thành những khốn cùng của người nông dân. Xét ở khía cạnh xã hội, việc giúp đỡ bà con nông dân bán được khối nông sản đáng lẽ phải đổ bỏ với giá mềm và không kiếm lợi nhuận của một số cá nhân là hành động nhân ái, “lá lành đùm lá rách”. Hành vi đó có thể tạm thời làm dịu đi những đau thương hiện tại của người nông dân, giúp họ lấy lại chút vốn để tái sản xuất, giúp họ có lòng tin vào lòng tốt của con người, vào sự đùm bọc của cộng đồng. Xét ở khía cạnh truyền thông, những chiến dịch, hoạt động bán giùm nông sản cho người nông dân là nét đẹp thay cho những tin tức kiểu “cướp-giết-hiếp” hay “lộ hàng – mát mẻ” được giật tít khá phổ biến. Và ở góc độ này, cộng đồng có thêm minh chứng về lòng tốt trong xã hội để tin và giáo dục người trẻ.

Cũng cần lưu ý rằng không phải đến bây giờ nông dân Việt Nam mới lao đao vì nông sản trồng xong không bán được. Hiện trạng “nông dân ngồi khóc bên thành quả trồng được” đã diễn ra từ lâu với quy mô và thời điểm khác nhau tùy loại cây trồng. Tuy nhiên, dưới góc độ kinh tế, hình thức kinh doanh nông nghiệp bằng lòng tốt giúp nông dân bán được hàng không giải quyết được hiện trạng trên mà còn tiếp tay tạo ra nền kinh tế nông nghiệp què quặt, méo mó. Người nông dân trong tình trạng thiếu thông tin lại có niềm tin vào lòng tốt giúp tiêu thụ hàng khi gặp khó khăn sẽ bị ảo tưởng là khó khăn mang tính chất tạm thời và sẽ vượt qua được. Họ sẽ không có động lực cải thiện giống hoặc cải thiện phương pháp canh tác cho hiệu quả và phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng. Những cá nhân và nhóm từ thiện lao vào phân phối thu mua và buôn bán nhưng họ không phải là những người chuyên nghiệp, dẫn đến thực tế những gì họ làm gây ra những lãng phí, không hiệu quả, thậm chí tạo điều kiện để một số gian dối xuất hiện.

Người tiêu dùng và nhà hảo tâm không nên tham gia kinh doanh nông nghiệp bằng lòng tốt, vì phương thức kinh doanh này không giúp trả lời câu hỏi rằng sau khi vụ mùa này kết thúc, người nông dân sẽ trồng cây gì và số lượng bao nhiêu cho vụ mùa tới.

Ngoài ra, các cá nhân và nhóm từ thiện cạnh tranh với những người kinh doanh chuyên nghiệp trong chuỗi cung ứng nông sản và có tác động đến chuỗi cung ứng. Những thương lái và người bán nông sản với các bạn hàng quen thuộc của mình bỗng nhiên qua một đêm lại có đối thủ cạnh tranh hoặc mất mối làm ăn. Phản ứng dây chuyền tác động không nhỏ đến các tiểu thương, các hộ kinh doanh và các hoạt động kinh tế trong chuỗi cung ứng thông thường. Những tác động này hiện nay bị bỏ qua vì truyền thông và công chúng đã bị cuốn theo những khó khăn của người nông dân. Cũng có thể có quan điểm cho rằng tác động nói trên vào chuỗi cung ứng là có lợi vì thu mua cạnh tranh với thương lái sẽ đem lại giá tốt hơn cho nông dân. Tuy nhiên rõ ràng là chỉ khi nào các cá nhân tình nguyện tổ chức việc thu mua và phân phối chuyên nghiệp hơn dưới hình thức doanh nghiệp hay hợp tác xã thì mới tạo ra hiệu quả cần thiết.

Cuối cùng vẫn còn câu hỏi quan trọng khác bị bỏ ngỏ, đó là trong số nông sản được thu mua và bán trong phong trào giúp đỡ nói trên thì có bao nhiêu từ những nông dân nghèo với diện tích canh tác ít, và bao nhiêu từ những nông dân-triệu phú với diện tích canh tác lớn. Sự khác biệt có thể quan trọng đối với ý nghĩa của hành động thu mua nông sản với mục đích từ thiện, đồng thời cũng cho phép công chúng tìm ra những cách giúp đỡ khác phù hợp và hiệu quả hơn.

Tóm lại, người tiêu dùng và nhà hảo tâm không nên tham gia kinh doanh nông nghiệp bằng lòng tốt, vì phương thức kinh doanh này không giúp trả lời câu hỏi rằng sau khi vụ mùa này kết thúc, người nông dân sẽ trồng cây gì và số lượng bao nhiêu cho vụ mùa tới. Và phương thức kinh doanh nói trên sẽ có tác động tiêu cực tới một số đối tượng khác mà bản thân họ có thể cũng cần sự trợ giúp nhất định nhưng bị truyền thông và công chúng bỏ rơi.

………………….

>> Xem chi tiết bài viết

Bảo Đoan – Chiêu Anh (Đại học Hoa Sen, TP.HCM)
(Nguồn: Người đô thị, ngày 27/05/2015) 

Facebook Youtube Tiktok Zalo