Đại học Hoa Sen – HSU

Lời thách đố với trường chuyên

Hồi học tại New York, tôi được giới thiệu tới một trường công phổ thông tên là KIPP. Hơn 95% học sinh học tại đây có nguồn gốc Mỹ Latin hoặc châu Phi; hơn 86% các em có gia đình nghèo tới mức đủ tiêu chuẩn xin tài trợ bữa ăn.

Tuy nhiên, nếu không nói đến nguồn gốc của các em thì tôi lại tưởng đây là một trường chuyên kiểu Việt Nam khi nhìn vào thống kê: 95% học sinh ở KIPP tốt nghiệp phổ thông trung học (PTTH), 90% vào đại học và 33% tốt nghiệp đại học. Hãy so sánh với trung bình ở Mỹ khi 83% em tốt nghiệp PTTH, 62% vào đại học và 31% tốt nghiệp đại học.

Công thức của những nhà sáng lập nên KIPP vô cùng đơn giản: không có đường tắt nào cho sự thành công ngoài việc phải có những nhà giáo dục xuất sắc; học sinh học chăm và kỷ luật; giáo trình thật tốt, cùng với việc xây dựng một văn hóa liên tục nâng đỡ và động viên các em thành công và sự cam kết hợp tác từ phía cha mẹ.

Năm 2011, tôi đến một ngôi trường ở Bangalore, Ấn Độ. Gọi là trường nhưng đó chỉ là một tòa nhà cũ được hiến tặng với hai trăm học sinh ở độ tuổi 6-15. Bố mẹ cùng quẫn đến nỗi chúng không thể đăng ký vào trường công. Cả gia đình ông chủ làm từ thiện đều tham gia quản lý và dạy học tại trường. Bà mẹ là hiệu trưởng. Con dâu và con gái ngoài giờ đi làm thì tranh thủ dạy cho các cháu.

Điều làm tôi kinh ngạc là các cháu được hưởng một nền giáo dục tuyệt vời. Chúng nói tiếng Anh hoàn hảo, học giáo trình CBSE nổi tiếng. Phần lớn các cháu đỗ vào những trường trung học và đại học lớn của Ấn Độ học ngành y, kỹ sư, luật sư. Học phí cho một học sinh chỉ có 7 đôla mỗi tháng là một điều không tưởng đối với tôi. Người chủ trường này đã rất sáng tạo khi loại toàn bộ những thứ không thiết yếu, chỉ giữ lại phần quan trọng nhất là nội dung chương trình và những người thầy. Lớp học không có bàn ghế hay điều hòa, không đèn điện. Cửa sổ mở rộng đón sáng, học sinh ngồi thảm, dùng quạt trần, không cần đồng phục và quá nhiều sách vở. Các cháu được học với những giáo viên và chuyên gia rất giỏi tình nguyện dạy trực tiếp hoặc qua bảng thông minh được kết nối Internet. Bài giảng được số hóa rất hay nhằm tăng sự hấp dẫn với trẻ. Qua đó, các cháu được học với chất lượng giáo dục tốt nhất có thể.

Tôi tỉnh ngộ ra rằng, xuất phát điểm ban đầu hay thông minh bẩm sinh chưa bao giờ là điều kiện tiên quyết làm nên sự thành công trong việc học hành của một đứa trẻ.

Mấy tháng nay, ở Việt Nam, các nhà giáo dục cứ loanh quanh với Bộ Giáo dục và Đào tạo là tại sao không cho chúng tôi được tổ chức tuyển đầu vào, làm thế thì sao mà trường nổi tiếng như của tôi tuyển nổi học sinh, tại sao lại không cho cạnh tranh? Có lẽ những trường trung học cơ sở (THCS) danh tiếng đó đang có một nỗi lo lớn mà không ai dám nói ra, đó là chất lượng và qua đó uy tín của trường sẽ đi xuống nếu không tuyển được học sinh giỏi. Vậy thì trường giỏi là do giáo viên giỏi hay là học sinh giỏi sẵn đây? Tại sao lại phải sợ dạy học sinh chưa giỏi? Các thầy cô giỏi có dám dạy học sinh “xuất phát điểm bình thường”  không hay cứ phải có học sinh giỏi thì cô thầy mới dạy hay? Thực tế tôi thấy, học sinh giỏi bản thân các em đã có năng lực khởi điểm và khả năng tự học cùng với thái độ học rất tốt rồi. Nhiều khi không cần các thầy cô giúp đỡ các em cũng học giỏi. Học sinh giỏi sẽ tạo nên danh tiếng và bảo đảm chất lượng cho nhà trường.

Chọn học sinh qua thi tuyển ở các trường công cấp THCS theo tôi hoàn toàn đi ngược lại với tôn chỉ về sự công bằng xã hội, đặc biệt là dưới chế độ xã hội chủ nghĩa. Người dân đóng thuế có quyền như nhau trong việc cho con họ được một cơ hội tiếp cận chương trình giáo dục công lập chất lượng cao, được những người giỏi nhất dạy dỗ. Con cái họ có thể không có xuất phát điểm tốt hơn các học sinh có lợi thế thông minh ban đầu hay được luyện thi trước, nhưng tôi dám chắc rằng, với thầy cô giỏi, các cháu “xuất phát điểm bình thường” có thể đi rất xa, không thua gì những bạn đã có “xuất phát điểm lợi thế hơn”.

………………….

>> Xem thêm chi tiết bài viết

 

Theo Nguyễn Quốc Toàn
(Nguồn: Vnexpress, ngày 14/04/2015)

Facebook Youtube Tiktok Zalo