Lời khuyên cho sinh viên khóa sau
Kính gởi cộng đồng sinh viên Trường Đại học Hoa Sen,
Tôi đã là một sinh viên của Trường Đại học Hoa Sen, là một tân khoa vừa hoàn thành nghi thức lễ tốt nghiệp cuối năm 2012. Nói nôm na, tôi là một sản phẩm vừa “ra lò” sau 6 năm với tất cả những gì đã diễn ra tại môi trường giáo dục ở Trường Đại học Hoa Sen.
Tôi viết thư này để chia sẻ, nhưng xin hãy xem đây chỉ là những lời khuyên mang tính tham khảo và hoàn toàn dựa vào những trải nghiệm mà tôi cho là rất tuyệt vời, những trải nghiệm và kinh nghiệm đã đưa tôi đi xa hơn những gì tôi mong đợi ở bước chân đầu tiên cách đây 6 năm.
Cộng đồng sinh viên thuộc một cộng đồng lớn hơn, cộng đồng Trường Đại học Hoa Sen, vì theo tôi, tại trường Hoa Sen, tất cả đều là thành viên của một hệ thống giáo dục những vai trò bình đẳng và thiết yếu trong hệ thống đó. Bình đẳng!
Các bạn sinh viên và tân sinh viên tương lai của Trường Đại học Hoa Sen thân mến!
Với sự bình đẳng, một sinh viên không chỉ là một người “cắp sách” và “đi học” đơn thuần và chất lượng của quá trình “dạy-và-học” không nằm trên vai của thầy cô “hoàn toàn” nữa. Điều này có nghĩa là bạn không thể ỷ lại hay đổ lỗi cho ai khác ngoài bản thân. Hãy suy nghĩ quan điểm hiện đại từ một người thầy tôi biết tại trường: “một chữ là của Thầy, tám chữ là của học trò”!
Hãy học cách phát biểu và đứng lên về những điều mà bạn cho là “vô lý”!
Nhưng, “học ăn, học nói, học gói, học mở”, không phải bạn “có quyền” thì có thể sử dụng quyền bừa bãi.
Hãy khéo léo, chịu khó tìm hiểu để tường tận các quy trình và điều luật! Một người hiểu biết luật pháp là người đã bước được một chân sang tự do và an bình.
Đừng sợ ngoại ngữ nữa, hãy xem chúng là một người bạn để tìm hiểu, luôn ở bên và giữ ở cạnh mình trong mọi bước đi của cuộc sống, ngay cả khi đi ngủ, nếu có thể!
Một người thầy tôi yêu quý đã nói, khi đi ngủ mà bạn mơ thấy mình đang nói tiếng Anh thì đó là lúc bạn đã đến rất gần với khả năng “master” (kiểm soát/ sử dụng được) ngoại ngữ đó. Không phải tự nhiên và qua đêm mà bạn có ngay được giấc mơ ấy!
Hãy ăn uống và chơi thể thao, bạn có thể nói thể hình không quan trọng và sức khỏe bạn đã vừa đủ rồi, điều đó chỉ còn phù hợp khi bạn chỉ ngồi trong phòng, không gặp hay tiếp xúc với ai khác trong cuộc sống cả.
Một nhân viên tôi và nhiều sinh viên các khóa rất mực quý mến trong trường nói rằng: “Khi em khỏe, tất cả mọi người xung quanh em đều thấy khỏe”. Tôi vẫn đang cố gắng với “thân hình và thể chất rất khiêm tốn” của mình! Nếu bạn thành công, mong bạn kể cho tôi nghe bạn đã làm sao!
Nếu là nam, hãy nhớ bạn cần sẽ cần bảo bọc cho ít nhất một người phụ nữ trong đời bạn khi trưởng thành, đó là mẹ và vợ bạn. Hãy mạnh mẽ và chuẩn bị làm một người đàn ông tốt. Đừng ỷ lại vào vũ lực, sức mạnh, “vẻ ngoài nam tính” hay tiền bạc vật chất, dù ít hay nhiều, tất cả sẽ phai theo thời gian và những biến động trong cuộc sống, ngoại trừ khả năng và thái độ lắng nghe thật tích cực. Một ca sỹ tôi yêu mến đã có lời hát như sau: (có những con người) “nghèo tất cả, trừ tiền ra”.
Nếu bạn là nữ, cuộc sống này, khi người phụ nữ hạnh phúc và làm được điều mình muốn và yêu sống, đam mê sống, cả thế giới xung quanh bỗng trở nên tươi sáng, dù là trong chốc lát! Đừng ỷ lại hay mặc cảm với dáng hình! Không phải tất cả đàn ông đều xấu, nhưng cũng đừng cả tin!
Trên hết, dù nam hay nữ, tôn trọng người khác là tự tôn trọng chính mình.
Hãy biết “nhục” nhưng đừng tự ti! Hãy đối diện với nỗi sợ bằng cách đào sâu vào và làm quen với những gì chưa biết!
Hãy hỏi những gì mình thật sự không biết! Đừng “pha chế” sự thật bằng trí tưởng tượng và những mặc định “vọt ra” trong trí óc; một ngày nào đó, những gì bạn đã nói ra sẽ quay về với chính bạn. “Chém gió” thì coi chừng có lúc “gặt bão”, hãy cẩn thận và tỉnh táo với những “luồng gió” đi ra từ miệng chính mình.
Hãy trung thực! Đừng nói dối. Trong lúc an bình, sự trung thực mang đến sự tôn trọng và vinh dự; trong khó khăn, trung thực mang đến sự tin tưởng và điềm tĩnh. Tất cả những điều đó đều không mua được bằng tiền hay thủ đoạn, nhưng có thể cứu lấy và mang đến nhiều điều to lớn bất ngờ trong cuộc sống, và đôi khi miễn phí! Không trung thực, ngay cả cái vỗ vai cũng có thể làm bạn hãi hùng và bấn loạn.
Có nhóm học tập “ăn ý” là rất tuyệt vời, nhưng đừng mãi chôn chân trong một nhóm qua tất cả các lớp học. Khi ra đi làm, bạn sẽ không hoặc rất hiếm khi được phép lựa chọn “đồng nghiệp” hay “công việc”. Cũng đừng đợi đến khi có nhóm/ bạn đồng hành “ăn ý” mới bắt đầu “làm” những gì nghĩ là “điều hay”. Hãy làm đi đã, người chịu nhìn ắt sẽ thấy, dõi theo và/hoặc bước theo. Đó là người bạn đồng hành tự nhiên và bền vững. Đừng lôi kéo dù với bất kỳ thủ đoạn nào, sẽ có lúc bạn không thể đáp ứng tất cả “lợi ích của các bên” và sẽ khó mà đơn thuần dựa vào “lương tâm” hay “lòng trung thành” của người khác cho ý định của bản thân. Đứng trên vai người khác là một nghệ thuật cần trau dồi luyện tập với trái tim đầy sự quan tâm sâu sắc!
Có nhiều bạn và mối quan hệ là rất có lợi, nhưng đừng bè phái và ám hại người khác.
Đừng quên, dù sao đi nữa, bạn là một người Việt Nam! Việt Nam không tồn tại nữa nếu không có con người Việt Nam. Việt Nam không thể tiến lên nếu con người Việt Nam đi thục lùi. Thế giới chỉ nhìn thoáng qua những tòa nhà to lớn ở Việt Nam, nhưng họ nhìn sâu và sát vào cử chỉ, thái độ và lời ăn tiếng nói của chúng ta. Một bạn thân người nước ngoài của tôi luôn vặn hỏi tôi ngây ngô rằng: Tại sao (nhiều) người Việt Nam (mà ông nhìn thấy) luôn chen hàng, xả rác, bấm còi mọi lúc mọi nơi nhưng lại không cho người khác vượt qua mặt mình, hay đi trễ. Tôi không đưa ra lý do, mà chỉ nhìn thẳng vào mắt người bạn mình (vốn bằng tuổi cha mẹ tôi), trả lời nhẹ nhàng rằng không phải tất cả người Việt Nam đều như thế. Khi đó, tôi nói bằng niềm tin vào bản thân mình, và niềm tin rằng có nhiều người Việt Nam khác nữa. Tôi mong trong đó có các bạn.
Hãy làm tốt việc hiện tại, cơ hội nhỏ sẽ dẫn đến cơ hội lớn hơn. Một người Thầy Việt Nam, rất thành công tại Pháp và có sức ảnh hưởng quốc tế, có nói với tôi rằng: người ta gởi gắm cơ đồ cho những ai “nhiều sẹo” hơn là “mặt láng”, ý chỉ về những kinh nghiệm có được từ tất cả mọi công việc đã kinh qua, dù nhỏ hay không nhỏ. Đừng trở thành một vị giám đốc không biết cách, và có thể, tự đi photocopy cho chính mình, khi chỉ còn một mình với chiếc máy photocopy, bạn sẽ đau đầu lắm đấy, và hi vọng bạn có đủ thời gian và nhanh nhạy để “học” trong lúc khẩn cấp đó (vì nếu không khẩn cấp, chắc bạn không tự làm đâu).
Thời gian và tâm trí dành để trách cứ những thiếu sót của giảng viên nhân viên, sếp hay đồng nghiệp, hãy để dành mà viết feedback, viết email phản hồi khéo léo. Đừng gay gắt và xấc xược, cuộc sống rồi ai cũng sẽ phạm lỗi lầm. Đừng bỏ qua những thiếu xót mà không đóng góp phản hồi, dù đôi khi kết quả không phải là “thấy liền” hoặc “hoàn toàn thuyết phục”; hãy nghĩ đến sinh viên khóa sau, những người sau này ra sẽ là nhân viên, đồng nghiệp hoặc thậm chí là sếp của bạn, hay … là Thầy/ Cô của con cái bạn.
Và hơn nữa, cũng hãy dành thời gian và tâm trí đó đọc sách. Không phải tự nhiên con người sáng tạo ra sách. Hãy tìm gặp và tiếp xúc nhiều hơn với những giảng viên có tác động lớn đến bạn. Một ngày nào đó nhìn lại, bạn sẽ thấy cuộc đời mình thay đổi rất nhiều chỉ vì những “lời trò chuyện tâm sự” thân mật và giản dị ngày nào, vì những quyển sách “đọc trong lúc chán chường hiện tại”.
Đừng học chỉ để “có công ăn việc làm”, hãy làm những gì bạn nghĩ ra từ kiến thức và trải nghiệm học tập. Làm thợ, làm thầy hay làm cái gì nữa cũng không quan trọng bằng việc làm người “biết suy nghĩ” và “biết tự học”, được hai cái đó thì việc gì nghiên cứu rồi cũng ra, mày mò rồi cũng đến. Tuyệt nhiên đừng lấp liếm và thủ đoạn. Không có cây kim nào mãi mãi nằm yên trong bọc.
Hãy luôn biết ơn Thầy Cô, nhưng cách thể hiện tốt nhất lòng biết ơn đó là hãy trở thành một người tốt, dù trong thầm lặng.
Đừng khoe khoang, đó là cách làm của kẻ ngốc đang tạo ra rủi ro cho chính mình. Đừng tự ti rằng hành động của bạn là nhỏ lẻ, không có các viên gạch xếp lại, không có bức tường, nơi để gác mái, nên nhà.
Hãy sống mà không phải hối hận vì đã không trung thực, không quyết tâm và không suy nghĩ chắc chắn.
Ma túy và mại dâm là quả bom nguyên tử, đừng thử hay bán, trừ phi bạn muốn sống ở hành tinh khác.
Hãy chọn một nụ cười để nhớ đến trước khi đi ngủ, đặc biệt là những đêm trước khi thi hay thuyết trình. Nếu bạn biết mình cần nói những gì thì không việc gì phải căng thẳng cả! Hãy “hát lên”, đừng “đọc lên” những gì trong đầu bạn! Đó là sự khác biệt giữa người cầm giấy đọc và một người thuyết trình! Hãy luôn tôn trọng khán giả!
Đừng say xỉn mà nói lời không hay và chạy xe không lề lối.
Đừng đi trễ, dù chỉ là năm phút! Hãy đi sớm, cơ hội sẽ được nhân lên.
“Đắc nhân tâm” là một kỹ năng quan trọng, nhưng đừng lợi dụng nó cho điều xấu hay những sắp đặt không công bằng cho người khác.
Cuối cùng, hãy suy nghĩ hài hước và tìm kiếm nghệ thuật, dù là một chút thôi! Đừng tuyệt vọng dù bất kỳ hoàn cảnh nào, và hãy luôn là chất xúc tác cho niềm hy vọng ở mọi người. Mọi việc đều có lý do mà xảy ra trong cuộc sống. Nói cách khác, có quả báo và duyên số.
Chúc các bạn có những trải nghiệm thật thú vị trong cuộc đời sinh viên của mình.
Cựu sinh viên
Nguyễn Hoàn Vũ, TA062.