Kinh tế vi mô dành cho tất cả mọi người
Trong suốt nữa thế kỉ qua, các trường đại học hàng đầu thế giới đã giảng dạy kinh tế vi mô thông qua lăng kính của mô hình cân bằng cạnh tranh tổng quát (general competitive equilibrium) của Arrow-Debreu. Nó mô hình hóa một ý tưởng trung tâm của Adam Smith trong The Wealth of Nations, và là hiện thân của sự mỹ miều, sự đơn giản và tính thiếu thực tế của hai định lý cơ bản về sự cân bằng cạnh tranh. Mô hình này tương phản với tính phức tạp và hỗn độn của những thay đổi mà các nhà kinh tế học đã đưa thêm vào trong một nỗ lực nhằm nắm bắt tốt hơn cách vận hành thật sự của thế giới. Nói một cách khác, trong khi các nhà nghiên cứu cố gắng tìm hiểu những trạng thái phức tạp của thế giới hiện thực, thì các sinh viên buộc phải vật lộn với các giả định phi thực tế.
Cách tiếp cận giáo dục này một phần lớn bắt nguồn từ ý tưởng hợp lí cho rằng một khung khổ để suy nghĩ về các vấn đề kinh tế sẽ hữu ích cho các sinh viên hơn là một mớ hổ lốn những mô hình khác nhau. Nhưng một ý niệm tai hại hơn dần dần len lỏi làm biến dạng ý tưởng ban đầu: do những biến thể khác nhau của mô hình Arrow-Debreu ngày càng thực tế hơn, và do đó trở thành phức tạp hơn, nên chúng không còn phù hợp với các lớp học nữa. Nói một cách khác, phải dành riêng tư duy “thực thụ” kinh tế vi mô cho các chuyên gia nghiên cứu.
Tất nhiên là những mô hình cơ bản như: những lý thuyết về độc quyền hoàn toàn và độc quyền nhóm, lý thuyết về hàng hóa công cộng, lý thuyết về thông tin bất cân xứng có một giá trị sư phạm nhất định. Tuy nhiên, có rất ít nhà nghiên cứu thực sự làm việc với chúng. Những lý thuyết thật sự cơ bản trong nghiên cứu kinh tế vi mô như: hợp đồng không đầy đủ (incomplete contracts), những thị trường hai mặt (two-sided markets), phân tích rủi ro (risk analysis), sự lựa chọn liên thời gian (inter-temporal choice), tín hiệu thị trường (market signaling), cấu trúc vi mô của thị trường tài chính (financial-market microstructure), thuế tối ưu (optimal taxation), và thiết kế cơ chế (mechanism design), thì quá phức tạp và đòi hỏi một sự tinh tế đặc biệt để tránh trở thành thô thiển. Viện lí do đó, những lý thuyết này đã không được đưa vào các giáo trình kinh tế vi mô để sinh viên nghiên cứu.
Thực tế là các giáo trình kinh tế vi mô gần như không có gì thay đổi trong ít nhất là hai thập kỷ qua. Điều này làm cho các sinh viên đại học đại cương gặp rất nhiều khó khăn để có thể hiểu được ngay cả phần tóm tắt của các bài báo đề cập đến những biểu trưng phức tạp về hiện thực kinh tế vi mô được đăng đầy trên các tạp chí nghiên cứu. Và trong nhiều lĩnh vực – như: các phân tích chống độc quyền (antitrust analysis), thiết kế đấu giá (auction design), thuế (taxation), chính sách môi trường (environmental policy), và việc quy định hóa trong các ngành công nghiệp và tài chính (industrial and financial regulation) – những ứng dụng về mặt chính sách hầu như được xem là chỉ dành cho các chuyên gia nghiên cứu.
Tuy nhiên, mọi việc không tất yếu phải diễn ra như thế. Mặc dù đúng là các mô hình kinh tế vi mô thực tế phức tạp hơn nhiều so với những gì được trình bày trong các giáo trình, nhưng không nhất thiết phải mất nhiều năm nghiên cứu để có thể hiểu được chúng.
Một ví dụ cho điều này là những thị trường hai mặt (two-sided markets). Trong thị trường hai mặt, luôn tồn tại sự cạnh tranh giữa các giao diện (platforms). Sản phẩm chính của giao diện là dịch vụ kết nối hai nhóm người sử dụng, và sau đó mỗi nhóm sẽ mang lại những lợi ích nào đó cho nhóm còn lại. Trong những thị trường hai mặt, rất nhiều giả thiết của phân tích chuẩn về chống độc quyền không còn đứng vững nữa: gia nhập thị trường có thể tác động xấu đến người tiêu dùng, các hợp đồng độc quyền có thể làm tăng số lượng các doanh nghiệp trong một thị trường, định giá thấp hơn chi phí có thể không có tác dụng của một chiến lược thôn tính.
Một cuộc khảo sát của David Evans và Richard Schmalensee mô tả nhiều tình huống trong đó việc áp dụng những giả thiết cũ có thể khiến, ví dụ, một nhà điều tiết các quy định chống độc quyền mà chỉ có trình độ đại học đại cương phạm phải sai lầm. Như vậy, đây là Một thông điệp không gì rõ ràng hơn: “đừng cố gắng làm lấy ở nhà” (“Don’t try this at home”).
Tuy nhiên, chúng ta có thể hiểu được sự khác nhau về hành vi trên thị trường hai mặt và trên thị trường truyền thống bằng cách sử dụng những công cụ đơn giản của kinh tế học vi mô sơ đẳng, chẳng hạn như sự khác nhau giữa hàng hóa thay thế và hàng hóa bổ sung. Khi những nhà sản xuất hàng hóa thay thế câu kết với nhau, họ thường nâng giá hàng hóa. Ngược lại, những nhà sản xuất hàng hóa bổ sung sẽ hợp tác với nhau để hạ giá hàng hóa.
Bởi vậy, nếu hai giao diện cung cấp những dịch vụ tương tự có vẻ là bổ sung cho nhau – chẳng hạn, vì một giao diện nối kết người tiêu dùng với một tập những người sử dụng giúp làm tăng giá trị của một tập những người sử dụng khác – thì việc gia nhập thị trường có thể tác động xấu đến người tiêu dùng. Trên thực tế, có nhiều trường hợp đối với nhóm người sử dụng này thì hai giao diện là bổ sung cho nhau, nhưng đối với nhóm người sử dụng khác thì hai giao diện này lại là thay thế cho nhau. Ví dụ, các lần phát sóng khác nhau của một giải bóng đá trên tivi được xem là hàng hóa bổ sung cho khán giả nhưng lại được xem như là hàng hóa thay thế đối với các công ty quảng cáo.
Thêm vào đó, hợp đồng độc quyền có thể giúp tăng cạnh tranh bằng cách cho phép hai giao diện chiếm lĩnh những phân khúc thị trường khác nhau. Nói tóm lại, khi chúng ta nắm vững sự khác nhau giữa hàng hóa thay thế và hàng hóa bổ sung, chúng ta có thể tiếp cận được hầu hết những mô hình phức tạp mà không cần phải tốn kém cầu viện đến một chuyên gia.
Kinh tế học ở bậc đại cương phải củng cố những kĩ năng cho sinh viên, chứ không phải để tha hóa họ. Không phủ nhận giá trị của mô hình Arrow-Debreu, một mô hình giải thích được vì sao một nền kinh tế phi kế hoạch hóa có thể dẫn đến một kết quả có trật tự nhưng sẽ làm nản lòng đối với sinh viên khi nhận ra là dựa trên những gì họ được đánh giá về mặt nhận thức ít khả năng cung cấp được những khóa giúp họ giải mã những tình huống thực tế.
Cải cách chương trình giảng dạy kinh tế học vi mô sẽ giúp truyền đạt một thông điệp chính xác hơn và tạo nhiều cảm hứng hơn: ngay cả những ý tưởng phức tạp do những chuyên gia phát triển cũng có thể được những người ngoại đạo được giáo dục đúng cách hiểu và ứng dụng.
Paul Seabright[*]
Nguyễn Minh Cao Hoàng dịch.
(Nguồn: http://www.phantichkinhte123.com/; )
[*] Paul Seabright là một giáo sư kinh tế học của Trường kinh tế học Toulouse tại Pháp. Ông là tác giả cuốn sách Công ty của những người lạ (The Company of Strangers): một lịch sử tự nhiên của đời sống kinh tế.