Đại học Hoa Sen

Toạ đàm “Tiếng Việt của chúng ta” : Nỗi trăn trở với việc dùng tiếng Việt

Sáng ngày 19 tháng 11 năm 2020, khoa Khoa học Xã hội đã tổ chức buổi toạ đàm mang tên Tiếng Việt của chúng ta do nhà báo-nhà văn Dương Thành Truyền, Chủ tịch Hội đồng quản trị Nhà xuất bản Trẻ trình bày tại trường Đại học Hoa Sen (cơ sở Nguyễn Văn Tráng). Tham dự buổi toạ đàm này có các giảng viên, nhà nghiên cứu và sinh viên trong và ngoài Trường. Đặc biệt, buổi toạ đàm còn vinh dự đón tiếp sự hiện diện của PGS. TS Lưu Tiến Hiệp, nguyên hiệu trưởng Nhà trường.

Toàn cảnh buổi tọa đàm và diễn giả Dương Thành Truyền.

Với chuyên môn và kinh nghiệm 5 năm làm giáo viên dạy văn ở trường phổ thông, 12 năm làm báo, gần 10 năm làm trong lĩnh vực xuất bản và 25 năm làm diễn giả cho các khoá kỹ năng – huấn luyện cá nhân – nghề nghiệp cho người trẻ, ông Truyền hun đúc một tình yêu tiếng Việt sâu đậm, một kho tàng tiếng Việt đặc sắc qua thời gian, và một niềm trăn trở to lớn cho việc dùng tiếng Việt đúng và hay trong cả lĩnh vực học thuật lẫn trong giới bình dân. Với phong cách truyền đạt linh hoạt và nhiều ví dụ minh hoạ đa dạng, trong phần mở đầu mang tên Tôi yêu tiếng nước tôi của buổi toạ đàm, ông Truyền đã “đãi” người tham dự một “bữa tiệc” ngôn từ minh chứng cho ý tứ sinh động và sức sống dồi dào của tiếng Việt. Những ví dụ của ông cho thấy rằng, xét về ngữ âm, tiếng Việt có thể được dùng có nhịp điệu, điệp ngữ và có vần như thơ – như nhạc; tạo nên sự thuận tai nhờ luật bằng trắc, biến thanh hay đổi vị trí từ trong câu. Chẳng hạn như :

“Ấy, trong khi quan lớn ù ván bài to như thế, thì khắp mọi nơi miền đó, nước tràn lênh láng, xoáy thành vực sâu, nhà cửa trôi băng, lúa má ngập hết: kẻ sống không chỗ ở, kẻ chết không nơi chôn, lênh đênh mặt nước, chiếc bóng bơ vơ, tình cảnh thảm sầu, kể sao cho xiết!”

(Sống chết mặc bay, Phạm Duy Tốn)

Tiền nhiều để làm gì?

Làm gì để nhiều tiền?

Tiền làm để gì nhiều!

Còn xét theo góc độ từ vựng, ông cũng dẫn ra nhiều cách biến hoá tiếng Việt rất thú vị, như là sử dụng từ láy hoặc tách chữ, đồng âm, kết hợp song ngữ,… Một số ví dụ có thể kể ra:

Sếp và leader: Tưởng không khác mà khác không tưởng (Zing)

Tự teen sải bước vào đời (Tựa đề một cuốn sách)

Phần nội dung thứ hai được ông Truyền trình bày cũng không kém phần thời sự và quan trọng nhằm đưa ra nhận thức đúng đắn về từ Hán Việt, mang tên: Từ Hán Việt là tiếng Việt. Ông chỉ ra những nhóm từ Hán Việt vốn tồn tại và được sử dụng thường xuyên đến nỗi chúng ta quên đi gốc Hán tự của chúng, ví dụ như từ “đầu” (từ thuần Việt là “tróc”), “phòng” (từ thuần Việt là “buồng”),… Bên cạnh đó, cũng có một nhóm các từ Hán Việt được hình thành do tiếng Việt không có những từ đó, chẳng hạn như “há cảo”, “lạp xưởng”,… vốn là các từ vựng chỉ món ăn riêng có của người Hoa. Còn một bộ phận từ Hán Việt khác thì được chuyển hoá theo trật tự và cách phát âm của tiếng Việt.

PGS. TS Lưu Tiến Hiệp (giữa khung hình) đang chỉ ra một số lỗi dùng tiếng Việt trên báo Tuổi Trẻ.

Người tham dự trao đổi sôi nổi nhất khi ông Truyền chỉ ra nhiều lỗi sai trong việc sử dụng tiếng Việt trên báo khi nói đến phần Thực tế tiếng Việt hiện nay. Trong phần này, PGS. TS Lưu Tiến Hiệp đã mang đến buổi toạ đàm tờ báo Tuổi Trẻ với những lỗi sai khá căn bản và chia sẻ trăn trở cũng như bức xúc về sự cẩu thả nơi một tờ báo lớn. Một số sinh viên cũng bày tỏ sự lo ngại về chất lượng ngôn ngữ trên báo chí và mong muốn tìm kiếm các kênh, công cụ và phương pháp để dùng tiếng Việt tốt hơn. Bản thân ông Truyền cũng đưa ra các khuyến nghị đối với giảng viên, sinh viên trong môi trường giáo dục : Gieo trồng tình yêu tiếng Việt trong sinh viên, giảng viên nêu gương dùng tiếng Việt trong sáng đồng thời nâng cao ý thức và năng lực sử dụng tiếng Việt, thành lập Hội đồng thuật ngữ cấp trường như một diễn đàn phản biện và thống nhất cách dùng thuật ngữ trong lĩnh vực học thuật.

Diễn giả và người tham dự chụp ảnh lưu niệm.

Khép lại buổi tọa đàm này, Khoa Khoa học Xã hội hứa hẹn sẽ mở ra một buổi nói chuyện với chủ đề tương tự cho sinh viên toàn trường Hoa Sen trong tương lai gần.

Kiều Trinh và Trà Mi ghi.

Nguồn ảnh : Phòng Truyền thông và Tuyển sinh, và Khoa Khoa học xã hội, Đại học Hoa Sen.

 

Facebook Youtube Tiktok Zalo