Lao động – tạo tác – hành động và những suy tư về điều kiện làm người
Lao động – tạo tác – hành động và những suy tư về điều kiện làm người
Ghi nhận về buổi thuyết trình của Lisa Stenmark về triết học Hannah Arendt
Hoàng Phong Tuấn
Vấn đề của xã hội hiện đại là con người không hiểu và không thể kiểm soát những việc mình làm, mất đi khả năng hành động để sản sinh cái mới. Liệu chúng ta có thể nhận thức và khắc phục những giới hạn này?
Nhà nghiên cứu triết học Mỹ, Lisa Stenmark đã giới thiệu góc nhìn của triết gia Hannah Arendt về lao động – tạo tác – hành động, qua đó gợi nên những suy nghĩ về điều kiện làm người trong xã hội hiện đại.
Lao động – tạo tác – hành động như là các bộ phận của đời sống hoạt động
Lao động là sự sản xuất ra các đối tượng để tiêu thụ. Nó mang tính thiết yếu, tính cá thể và tính tuần hoàn. Con người sẽ bệnh tật và chết đói nếu không lau nhà và làm thức ăn đề sống, những hoạt động này gắn với môi trường sống gia đình quen thuộc và gần gũi với cá thể con người. Nhưng lao động nhìn từ góc độ này chỉ thỏa mãn các nhu cầu trực tiếp và nhất thời. Để có thể sống tốt, con người còn tạo tác.
Tạo tác là việc tạo ra các đối tượng tồn tại lâu dài, ổn định. Kết quả của các hoạt động tạo tác này là thế giới mà chúng ta sống: căn nhà nơi ta sống, cây cầu cong như vầng trăng non bắc qua dòng sông nhỏ, con đường với những hàng cây cao che bóng mát lối đi về. Thế giới của những vật tạo tác là không gian mà ta sống và nhớ về, tạo thành nơi chốn cho những hoạt động sống của con người. Vì thế nó còn là thế giới của văn hóa, lịch sử và nhân văn. Tuy nhiên logic của thế giới tạo tác này là tính mục đích, tính công cụ và đặc trưng của nó là sự vô danh, vô cá tính. Chúng ta không thể xác định cái cá biệt của con người trong thế giới vô vàn đồ vật tạo tác ấy. Nhưng con người còn cần nhiều hơn một thế giới vô danh tính, nên con người còn hành động để sinh ra và định vị cái cá nhân của mình.
Hành động là điều ta làm với và giữa người khác, qua đó định vị chính bản thân mình. Hành động có tính độc đáo, tính cá nhân và tự do. Tôi có thể hành động để tạo ra điều gì đó mới mẻ, khác biệt. Khi Achilles hỏi mẹ mình là con nên ra trận hay nên ở nhà, người mẹ đáp, nếu con ở nhà, con sẽ có gia đình, con cái, và khi con chết đi, người thân sẽ nhớ đến con, nhưng khi những người thân của con chết đi, không ai còn nhớ đến con cả. Nếu con ra trận, con cũng sẽ chết, nhưng tên con sẽ lưu truyền mãi mãi. Ra trận là hành động, làm điều gì đó mới mẻ để thay đổi thế giới này và tạo ra lịch sử, một lịch sử từ chính cái cá nhân. Nhưng logic của hành động là bất khả tiên liệu và không thể đảo ngược. Nó có thể đẩy con người vào một chuỗi bất tận những tác động và hậu quả. Vì thế, con người cần đến sự tha thứ và lời hứa. Đó là những gì mà Arendt gọi là chính trị học của lời hứa.
Chính trị học của lời hứa và sự không bạo lực trong hành động
Diễn giả Stenmark đã đưa ra một ví dụ dễ hiểu về chính trị học của lời hứa trong quan niệm của Arendt. Nhà cô có một khu vườn nhỏ, sát bên cạnh là nhà hàng xóm. Nhưng một hôm, khi cô đi về, bỗng thấy anh hàng xóm đã dựng một bức tường gỗ cao, cản gió và ánh nắng mặt trời chiếu vào khu vườn của cô. Đáng lí ra cô có thể có những lời lẽ phản ứng và gọi cảnh sát. Nhưng thay vào đó, cô cầm một li cocktail sang nhà anh và hỏi thăm về ý định của anh khi xây bức rào chắn để sau đó hiểu ra rằng vơ anh ta sắp sinh con và lo lắng đứa bé sẽ chạy sang nghịch ngợm ở khu vườn. Cuối cùng đã có giải pháp phù hợp với cả nguyện vọng của đôi bên: hàng rào sẽ được làm thấp lại để không chắn gió và che ánh mặt trời.
Diễn giả: TS. Lisa Stenmark, San Jose State University (Hình: TTHieu)
Diễn giả Senmark phân tích rằng trong cuộc trao đổi này cô đã thực hiện một hành động trên cơ sở lời hứa về sự không bạo lực của hành động. Cô đã không tạo nên một hành động đáp trả tương ứng, mà chọn một hành động khác, sản sinh ra một viễn tượng khác cho sự việc nhằm kiểm soát tính bấp bênh của hành động. Chính trị học của lời hứa không có bạo lực và sự cai trị. Nó khởi đầu bằng việc ta nhận thức rằng có nhiều khả năng khác nhau để khởi đầu một hành động trong viễn tượng mới, nó cũng tạo nên niềm tin về việc người khác cũng có thể làm điều gì đó tốt đẹp tương ứng với hành động mới này của ta. Và bằng sự cộng tác ấy, chúng ta tạo ra một thế giới sống tốt đẹp hơn, trong đó con người có khả năng lựa chọn những viễn tượng khác nhau để hành động mà không dùng bạo lực.
Những phản hồi và một cảm nghĩ cá nhân
Những trình bày của Stenmark đã gợi cho thính giả những suy tư về hành động của con người trong xã hội hiện đại và những vấn đề chuyên sâu của triết học Arendt. Một giảng viên đại học đặt câu hỏi về mục đích của hành động là được mọi người biết đến hay là vì bản thân hành động, qua ví dụ về sự chọn lựa của Achilles. Diễn giả đã trả lời rằng thực ra chúng ta không thể phân biệt và không cần phân biệt điều ấy, điển hình là những người chiến sĩ đấu tranh cho cuộc cách mạng giải phóng dân tộc ở Việt Nam, có phải họ hành động vì muốn được nổi danh? Stenmark kết luận: “Tôi không tin là họ hành động để được nổi danh”. Buổi thuyết trình đã kết thúc quá thời gian cho phép, nhưng nhiều thính giả vẫn nán lại để trao đổi thêm về những ý tưởng gợi nên từ buổi thuyết trình.
Trao đổi giữa diễn giả và người tham dự (Hình: TTHieu)
Bước ra ngoài căn phòng của buổi thuyết trình và bỗng nghe thấy tiếng chào từ một vài sinh viên, tôi chợt nhận ra niềm khát khao tri thức vẫn hiện diện trong những người trẻ của xã hội hiện đại. Đó có lẽ là nền tảng cho chúng ta có thể tạo nên điều gì mới mẻ với niềm tin vào khả năng và sự tự do trong hành động của con người.