Giới thiệu sách mới “CÔNG TÁC XÃ HỘI: QUAN ĐIỂM & LÝ THUYẾT”
GIỚI THIỆU SÁCH MỚI
CÔNG TÁC XÃ HỘI: QUAN ĐIỂM & LÝ THUYẾT
Chủ biên: Doãn Thị Ngọc
GV Khoa Khoa Học Xã Hội, Trường Đại Học Hoa Sen
Năm 2019 – Nhà Xuất bản: Hồng Đức
TÓM TẮT NỘI DUNG
Công Tác Xã Hội (CTXH) là một nghề giúp đỡ chuyên nghiệp (helping profession), một ngành khoa học ứng dụng (applied science) dựa vào quyền con người và nền tảng của giáo dục khai phóng. Ngành CTXH đã phát triển được hơn 100 năm trên thế giới và đang phát triển rất nhanh về các chương trình đào tạo ở Việt Nam. Trọng tâm kiến thức của ngành CTXH là khung khái niệm Con người trong môi trường (PIE=Person in Enviroment) hay hệ sinh thái, quan điểm Thế Mạnh, lý thuyết Hệ thống và nhấn mạnh các nguyên tắc nghề và tiêu chuẩn đạo đức hướng dẫn thực hành chuyên nghiệp hàng ngày. CTXH không chỉ dành cho sinh viên chuyên ngành CTXH, mà còn dành cho những sinh viên chuyên ngành khác vì người học sẽ có thêm một lăng kính lý thuyết PIE, hệ sinh thái, hệ thống và điểm mạnh để giải quyết các vần đề thách thức trong cuộc sống hàng ngày ở cấp độ địa phương và bối cảnh toàn cầu.
CẤU TRÚC HỌC LIỆU
Tài liệu được biên soạn thành 7 chương do tác giả Doãn Thị Ngọc đảm trách. Nội dung từng chương được tóm tắt như sau :
Chương 1: Vấn đề xã hội & Lịch sử phát triển ngành CTXH :Người học hiểu tổng quan về lịch sử hình thành và phát triển của ngành CTXH ở Anh, ở Mỹ và ở Việt Nam. Người học hiểu rõ nền tảng văn hóa, hoàn cảnh chiến tranh của Việt Nam, thực hành dựa vào bối cảnh của Việt Nam, và hòa nhập với bối cảnh quốc tế.
Chương 2: Nghề Công Tác Xã Hội là gì ? Người học hiểu những thông tin về trọng tâm CTXH là gì, sứ mạng, mục tiêu, nguyên tắc chung, chức năng, phương pháp khoa học của ngành CTXH. Người học hiểu, làm quen và bắt đầu thực hành tiến trình can thiệp gồm các bước :“tiếp nhận và cận – đánh giá – can thiệp – lượng giá” ở mức độ cơ bản hay mô hình giải quyết vấn đề theo tư duy hệ thống, PIE trong ngành CTXH. Tiến trình can thiệp trong ngành CTXH nhấn mạnh mối quan hệ đối tác giữa nhân viên xã hội (NVXH) và khách hàng hay thân chủ (TC). Khi giao tiếp với TC, NVXH cần thể hiện thái độ chuyên nghiệp, tin tưởng nhưng thân thiện, nồng nhiệt, chân thành, linh hoạt, thấu cảm, đạo đức và nhạy cảm.
Chương 3: Vai trò của NVXH. Người học hiểu cơ bản về phẩm chất đạo đức, trình độ và năng lực của NVXH, đặc biệt nhấn mạnh giá trị nghề cốt lõi của ngành CTXH. Kiến thức chương 3 cũng đề cập tới các vai trò của NVXH như : người xúc tác, người kết nối, điều hòa v.v. nhằm giúp thân chủ hiểu biết về nguồn lực có sẵn từ chính gia đình và cộng đồng để họ có động lực, có niềm tin tự quyết, tự chủ, tự giúp và hướng tới các cách giải quyết mới cho những vấn đề trong cuộc sống. NVXH cần làm sáng tỏ vai trò của mình cho TC và không tạo ảo tưởng là NVXH sẽ giúp giải quyết mọi vấn đề cho TC.
Chương 4: Qui tắc đạo đức nghề CTXH. Người học được cung cấp những kiến thức cơ bản về nguyên tắc đạo đức và tiêu chuẩn đạo đức của Việt Nam, của toàn cầu, của Châu Phi, của Mỹ và hai mô hình quyết định đạo đức trong thực hành. Khi thực hành, NVXH cần làm rõ với TC và các bên liên quan về trách nhiệm đạo đức với TC và với xã hội.
Chương 5: Quan điểm Thế Mạnh (Strengths perspective). Người học sẽ tập trung tìm hiểu khái niệm Quan điểm Thế Mạnh, bảy nguyên tắc của quan điểm thế mạnh, năm loại câu hỏi của quan điểm thế mạnh, và một vài mô hình phổ biến đang áp dụng của CTXH. Quan điểm Thế Mạnh là trọng tâm của ngành CTXH và quan điểm này được kết hợp với quan điểm Con người trong môi trường (PIE), quan điểm sinh thái và quan điểm hệ thống để đánh giá nhu cầu và đánh giá điểm mạnh như: uy tín, kiến thức, tài chình, các nguồn lực không của các hệ thống thân chủ. Từ kiến thức này, người học sẽ bắt đầu thực hành đánh giá điểm mạnh bằng việc dùng năm loại câu hỏi để khám phá và hiểu những cái có sẵn của cá nhân, gia đình, nhóm, tố chức, cộng đồng.
Chương 6: Lý thuyết Hệ thống. Người học sẽ cùng khám phá kiến thức cơ bản, gần gũi thông qua lăng kính lý thuyết hệ thống, công cụ đánh giá sơ đồ thế hệ và sơ đồ sinh thái để hiểu các mối quan hệ trong gia đình và các hệ thống xung quanh thân chủ. Lý thuyết hệ thống giúp NVXH hiểu được sự tương tác năng động, phức tạp, đan cài của các mối quan hệ giữa các cá nhân, gia đình, tổ chức và cộng đồng. Nói chung, lý thuyết hệ thống giúp NVXH tìm hiểu và nhận diện một hệ thống hoạt động như thế nào, những khía cạnh nào của hệ thống đó có ảnh hưởng tiêu cực tới TC và hiểu những yếu tố nào của hệ thống có thể tạo ra những thay đổi tích cực cho TC, định hướng và lên kế hoạch giúp đỡ với những tình huống phức tạp trong cuộc sống hàng ngày. Kiến thức hệ thống sẽ ứng dụng ở 3 cấp độ thực hành vi mô, trung mô & vĩ mô trong ngành CTXH.
Chương 7: Ba cấp độ thực hành trong CTXH. Người học sẽ được cung cấp những kiến thức về ba cấp độ thực hành CTXH và thực hành phân tích trường hợp điển cứu. Thực hành CTXH cấp độ vi mô là làm việc việc với cá nhân, gia đình và nhóm nhỏ nhằm giúp cá nhân thay đổi. Thực hành CTXH trung mô là làm việc làm việc với gia đình mở rộng, tổ chức nhằm thay đổi thể chế và văn hoá của tổ chức. Cấp độ thực hành CTXH vĩ mô làm việc với cộng đồng và xã hội nhằm thay đổi hệ thống lớn, giá trị, vận động và phân tích chính sách,…thúc đẩy sự tham gia của TC hay người dân vào giải quyết chính những vấn đề của cộng đồng mình.
Tóm lại, tài liệu này không chỉ gồm cấu trúc của bảy chương, mà con lồng ghép chặt chẽ giữa lý thuyết và thực hành kỹ năng, giá trị nghề, thái độ chuyên nghiệp và 10 trường hợp điển cứu (case). Mỗi chương đều có những bài tập rèn luyện ý thức, tự ý thức, thái độ, giá trị nghề, hành vi chuyên nghiệp với việc học và hành trên lớp hay trên Elearning. Mỗi bài tập sẽ giúp sinh viên tự học, tự khám phá phẩm chất, năng lực bản thân để trở thành NVXH chuyên nghiệp.
Ghi chú: Để đọc sách vui lòng đến thư viên Trường Đại học Hoa Sen hoặc nếu quan tâm mua sách, vui lòng liên hệ Nhà sách của Trường Đại học Hoa Sen trên đường sách Nguyễn Văn Bình, Quận 1, TPHCM. Xin chân thành cảm ơn Quý Vị!
Bài viết & hình ảnh: Doãn Thị Ngọc