Đại học Hoa Sen

Chương trình đào tạo – Ngành Luật Kinh tế

Khái quát về chương trình đào tạo

Ngành Luật Kinh tế là một trong những ngành học mới và đầy tiềm năng tại Trường Đại học Hoa Sen. Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, sự phát triển của công nghệ và xu hướng toàn cầu hóa, vai trò của Ngành Luật Kinh tế ngày càng trở nên quan trọng.

Chương trình cử nhân Luật Kinh tế trang bị cho sinh viên các kiến thức nền tảng của khoa học pháp lý chuyên ngành về Luật Doanh nghiệp, Luật Thương mại, Luật Ngân hàng,… trong việc nhận biết và giải quyết các vấn đề chuyên môn trong thực tiễn công việc.

Sự cần thiết về ứng dụng Luật trong thời đại công nghiệp số 4.0 (Nguồn: Internet)

1. Nội dung chương trình đào tạo

Chương trình đào tạo ngành luật Kinh tế được trường thiết kế phù hợp nhất với những yêu cầu về nhân lực trong thời kỳ hội nhập quốc tế trong thời đại công nghệ 4.0. Trường đã xây dựng chương trình học cung cấp kiến thức nền tảng về khoa học pháp lý nói chung, pháp luật kinh tế nói riêng và các kiến thức bổ trợ để sinh viên trở thành nguồn nhân lực chất lượng cao sau khi tốt nghiệp. Khoa KHXH – Luật cũng tổ chức nhiều chương trình thực tế, hội thảo, seminar và hợp tác với các doanh nghiệp để sinh viên nhận thức từ sớm về công việc, sẵn sàng đáp ứng vị trí ở nhiều ngành, lĩnh vực khác nhau.

Đồng thời, chương trình đào tạo được xây dựng dựa trên khảo sát nhu cầu thực tế từ đối tượng đào tạo, cơ sở sử dụng lao động và được tư vấn, xây dựng và phát triển bởi đội ngũ Giảng viên giàu kinh nghiệm, các GS, PGS, TS đầu ngành.

Dự án Phòng thực hành diễn án được khánh thành và đưa vào sử dụng từ tháng 01/2025

2. Ưu điểm của chương trình đào tạo

  • Hội nhập quốc tế: Chương trình được biên soạn cập nhật với chương trình đào tạo của các trường Đại học lớn trên thế giới với 06 môn học chuyên ngành được giảng dạy bằng tiếng Anh.
  • Nhấn mạnh thực hành: Hai kỳ thực tập với gần 600 giờ thực hành tại các cơ quan Nhà nước, văn phòng Luật sư, doanh nghiệp uy tín. Chương trình “Thực tập nhận thức” liên kết với các Doanh nghiệp đối tác trong và ngoài nước dành cho sinh viên năm Hai nhằm giúp sinh viên định hướng và phát triển nghề nghiệp. Ngoài ra, sinh viên sẽ có trải nghiệm sống động tại “Phòng thực hành diễn án” – dự án dành riêng cho sinh viên Ngành Luật/Luật Kinh tế tại Trường Đại học Hoa Sen.
  • Phát triển năng lực ngoại ngữ – tin học: Sinh viên có khả năng đọc hiểu, tra cứu các văn bản pháp luật bằng tiếng nước ngoài, có kỹ năng hiểu và sử dụng công nghệ trong các giao dịch thương mại điện tử. Sinh viên có khả năng sử dụng thành thạo tin học văn phòng, hiểu và nắm bắt được phần mềm, ứng dụng,các cập nhật mới nhất về công nghệ thông tin liên quan tới lĩnh vực kinh doanh số.
  • Phát triển toàn diện – tư duy toàn cầu: Kỹ năng tư duy phản biện, Kỹ năng nghiên cứu, Kỹ năng giao tiếp liên văn hóa, Tinh thần cộng đồng,…
  • Cơ hội làm việc đa dạng và rộng mở với cam kết 95% sinh viên có việc làm ngay sau khi ra trường và cơ hội nhận học bổng học tập tại nước ngoài từ các đơn vị đối tác chiến lược.

Lễ ký kết thỏa thuận hợp tác giữa Khoa Luật – Tâm lý và các doanh nghiệp, công ty Luật trên địa bàn TP.HCM

3. Lộ trình học

Năm 1: Kiến thức cơ sở

Sinh viên được trang bị kiến thức cơ sở về chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, pháp luật, kinh tế và ngoại ngữ. Giai đoạn này giúp sinh viên xây dựng nền tảng vững chắc về tư duy pháp lý, kinh tế và kỹ năng cần thiết cho việc học tập chuyên ngành.

Năm 2: Kiến thức chuyên ngành

Chương trình tập trung vào các chuyên ngành luật kinh tế cốt lõi như Luật Thương mại, Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Cạnh tranh, Luật Ngân hàng, Luật Chứng khoán. Bên cạnh đó, sinh viên được lựa chọn các môn học chuyên ngành tự chọn để phù hợp với định hướng nghề nghiệp của bản thân. Sinh viên cũng được tham gia thực tập nhận thức tại các công ty luật, văn phòng luật sư, doanh nghiệp, cơ quan nhà nước để trải nghiệm thực tế.

Năm 3: Thực tập và Khóa luận tốt nghiệp

Sinh viên được trang bị kiến thức chuyên sâu về các lĩnh vực như pháp luật về thương mại điện tử, đầu tư nước ngoài, quản lý cạnh tranh, giải quyết tranh chấp, phá sản doanh nghiệp.  Sinh viên sẽ được rèn luyện kỹ năng nghiên cứu, phân tích pháp luật, kỹ năng tranh tụng  và kỹ năng soạn thảo văn bản.

Hoạt động Phiên tòa giả định dành cho sinh viên

4. Cơ hội nghề nghiệp

Sau khi tốt nghiệp chương trình đào tạo cử nhân Luật Kinh tế, sinh viên có thể sử dụng các kiến thức và kỹ năng được đào tạo để tham gia và đảm nhiệm ở các cương vị công tác dưới đây:

  • Chuyên viên pháp chế trong các doanh nghiệp trong và ngoài nước, tổ chức kinh tế, phòng pháp chế, nhân sự, Ban thư ký lãnh đạo doanh nghiệp.
  • Chuyên viên pháp lý, thư ký nghiệp vụ, trợ lý cho luật sư tại các Công ty Luật, Văn phòng Luật sư, Văn phòng Công chứng, Văn phòng Thừa phát lại, Trung tâm bán đấu giá tài sản, Trung tâm hòa giải, Trọng tài thương mại, Trợ giúp pháp lý, Chuyên viên tư vấn ở các Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước.
  • Thư ký Tòa án, Chuyên viên Cơ quan Thi hành án dân sự; Chuyên viên trong Viện kiểm sát nhân dân, công tác pháp luật trong cơ quan Công an nhân dân.
  • Chuyên viên pháp chế tại các bộ phận: nhân sự, hành chính, tổng hợp, chính sách, tuyên truyền pháp luật, thư ký lãnh đạo ở các cơ quan: Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Sở, phòng, ban các cấp.
  • Chuyên viên pháp lý trong các tổ chức chính trị – xã hội – nghề nghiệp, các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ (NGOs).
  • Công tác nghiên cứu, báo cáo viên pháp luật trong các cơ sở đào tạo, đơn vị sự nghiệp về lĩnh vực pháp luật, tư vấn hoạch định chính sách công trong lĩnh vực thương mại điện tử và kinh doanh số.
  • Nhà khởi nghiệp trong lĩnh vực thương mại điện tử, công nghệ số am hiểu các quy định pháp luật và có kĩ năng áp dụng pháp luật trong lĩnh vực thương mại điện tử, công nghệ số.

Chuyên viên pháp chế là những chọn lựa nghề nghiệp trong tương lai (Nguồn: Internet)

Cơ hội nâng cao nghề nghiệp sau khi đáp ứng một số quy trình của Nhà nước về tiêu chuẩn, điều kiện để được cấp chứng chỉ hành nghề hay bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp:

  • Luật sư: tham gia khóa đào tạo nghề luật sư, trải qua thời gian tập sự hành nghề luật sư, đạt yêu cầu kiểm tra kết quả tập sự để cấp chứng chỉ hành nghề Luật sư.
  • Thẩm phán: có thời gian công tác thực tiễn theo quy định, tham gia khóa đào tạo nghiệp vụ xét xử, trải qua kỳ thi tuyển chọn để bổ nhiệm Thẩm phán.
  • Kiểm sát viên: có thời gian công tác thực tiễn theo quy định, tham gia khóa đào tạo nghiệp vụ kiểm sát, có năng lực thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp, trải qua kỳ thi tuyển chọn để bổ nhiệm làm Kiểm sát viên.
  • Chấp hành viên: có thời gian công tác thực tiễn, tham gia khóa đào tạo nghiệp vụ thi hành án dân sự, đạt kết quả kỳ thi tuyển chọn để bổ nhiệm Chấp hành viên.
  • Công chứng viên, Thừa phát lại, Đấu giá viên: tham gia khóa đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn, có thời gian công tác thực tiễn, đạt kết quả tập sự hành nghề để cấp chứng chỉ hành nghề theo quy định.
  • Công tác giảng dạy pháp luật: sau khi tham gia khóa đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn, có thời gian công tác thực tiễn theo quy định.
Facebook Youtube Tiktok Zalo