Chính Sách Đối Ngoại ‘Nữ Quyền’ Sẽ Thay Đổi Thế Giới Như Thế Nào
Đồng tác giả Rollie Lal–Associate Professor of International Affairs, George Washington University
Đồng tác giả Shirley Graham– Director, Gender Equality Initiative in International Affairs and Associate Professor of Practice, Elliott School, George Washington University
Người dịch/Translator: Doãn Thi Ngọc-GV-Lecturer-Trường Đại Học Hoa Sen (HSU)
Chính quyền Biden có một nữ Phó Tổng Thống là Bà Kamala Harris, người giữ vị trí cao thứ hai trong Nhà Trắng, đồng thời, có 61% nữ giới cũng được bổ nhiệm vào Nhà Trắng.
Giờ đây, họ đã tuyên bố ý định “bảo vệ và trao quyền cho phụ nữ trên toàn thế giới”.
Công bằng giới và chương trình nghị sự về giới là hai thành phần của “chính sách đối ngoại nữ quyền” – một chương trình nghị sự quốc tế nhằm mục đích xóa bỏ các hệ thống ngoại giao, nhập cư, quốc phòng, thương mại, và viện trợ nước ngoài do nam giới thống trị, mà hệ thống này đã không chú trọng phụ nữ và các nhóm thiểu số trên toàn thế giới. Chính sách đối ngoại nữ quyền quy định lại lợi ích quốc gia của một đất nước, đưa họ thoát khỏi an ninh quân sự và sự thống trị toàn cầu chuyển sang việc coi bình đẳng là cơ sở của một thế giới hòa bình và lành mạnh.
Điều này phù hợp với tuyên bố đột phá năm 1995 của Hillary Clinton tại Liên Hợp Quốc, “Quyền phụ nữ là quyền con người.”
Thế giới có thể thay đổi theo một số cách tích cực nếu nhiều quốc gia, đặc biệt là một cường quốc như Hoa Kỳ, nỗ lực phối hợp để cải thiện quyền của phụ nữ ở nước ngoài, học bổng về giới và an ninh như đã được đề cập. Nghiên cứu cho thấy rằng các quốc gia đạt bình đẳng giới hơn thì ít có nguy cơ xảy ra nội chiến hơn các quốc gia khác. Bình đẳng giới cũng gắn liền với quản trị tốt: Các quốc gia bóc lột phụ nữ thường có nhiều bất ổn hơn.
Phụ nữ chưa phải là ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của bất kỳ quốc gia nào. Nhưng ít nhất ngày càng có nhiều quốc gia bắt đầu đưa chúng vào chương trình nghị sự.
PHỤ NỮ Ở DƯỚI CÙNG
Năm 2017, Canada đã đưa ra “chính sách hỗ trợ quốc tế về nữ quyền” nhằm hỗ trợ phụ nữ, trẻ em và sức khỏe vị thành niên trên toàn thế giới.
Để thực hiện lời hứa của mình bằng việc phân bổ tài chính cho tới năm 2023, Canada cam kết sẽ trợ cấp 1,4 tỷ đô la Canada cho các chính phủ và các tổ chức quốc tế hàng năm, để tăng cường khả năng tiếp cận về dinh dưỡng, dịch vụ y tế và giáo dục cho phụ nữ ở các nước đang phát triển. Khoảng 700 triệu đô la trong số tiền này sẽ dành cho việc thúc đẩy các quyền và sức khỏe tình dục và sinh sản cũng như xóa bỏ bạo lực trên cơ sở giới. Khoảng 10 triệu đô la trong vòng 4 năm sẽ được dành cho UNICEF để giảm thiểu tình trạng cắt bộ phận sinh dục nữ.
Vào tháng 1 năm 2020, Mexico trở thành quốc gia đầu tiên ở Mỹ Latinh áp dụng chính sách đối ngoại nữ quyền. Chiến lược này nhằm thúc đẩy bình đẳng giới trên phạm vi quốc tế; chống bạo lực giới trên toàn thế giới; và đối đầu với sự bất bình đẳng trong tất cả các lĩnh vực, chương trình công bằng xã hội và môi trường.
Mexico cũng phải tăng nhân viên trong Bộ Ngoại giao của mình lên ít nhất 50% là phụ nữ vào năm 2024 và đảm bảo đây là nơi làm việc không có bạo lực.
Cả Canada và Mexico đều không đạt được những mục tiêu mới cao cả của mình.
Những nhà phê bình cho rằng việc Canada thiếu tập trung vào nam giới và trẻ em trai khiến các truyền thống và phong tục ủng hộ bất bình đẳng giới không được giải quyết đầy đủ. Và ở Mexico, nơi có tỷ lệ bạo lực giới cao nhất thế giới – ở đó 11 phụ nữ bị giết mỗi ngày bởi nam giới- thật khó để thấy bằng cách nào mà một chính phủ không thể bảo vệ phụ nữ ở đất nước mình lại có thể thúc đẩy nữ quyền ở nước ngoài một cách đáng tin cậy.
Nhưng ít nhất cả hai quốc gia đều tính đến nhu cầu của phụ nữ một cách rõ ràng.
CHÍNH SÁCH ĐỐI NGOẠI NỮ QUYỀN
Hoa Kỳ cũng đã thực hiện các bước hướng tới một chính sách đối ngoại nữ quyền hơn.
Vào mùa hè năm 2020, dưới thời chính quyền Trump, các Bộ Quốc phòng, Nhà nước và An ninh Nội địa, cùng với Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ, từng công bố một kế hoạch đưa việc trao quyền cho phụ nữ vào trong chương trình nghị sự của họ.
Các tài liệu này – được thông qua theo nghị quyết năm 2000 của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc về phụ nữ, hòa bình và an ninh – thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ trong việc ra quyết định ở các khu vực xung đột, nâng cao quyền của phụ nữ và đảm bảo khả năng tiếp cận hỗ trợ nhân đạo của họ. Chúng cũng bao gồm các điều khoản khuyến khích các đối tác Mỹ ở nước ngoài tương tự khuyến khích phụ nữ tham gia vào các quá trình hòa bình và an ninh.
Đây là những thành phần của chính sách đối ngoại nữ quyền. Nhưng các kế hoạch vẫn đang hoạt động mà không có sự chia sẻ, liên kết và phối hợp nhất quán và liên tục với nhau. Một chính sách đối ngoại thực sự nữ quyền sẽ được thống nhất giữa viện trợ, thương mại, quốc phòng, ngoại giao và nhập cư – và luôn ưu tiên bình đẳng cho phụ nữ.
Một trong những động thái ban đầu của Biden khi nhậm chức vào tháng 1 là hủy bỏ “quy tắc global gag rule” -một chính sách của Đảng Cộng hòa cấm các nhà cung cấp dịch vụ y tế ở nước ngoài nhận bất kỳ viện trợ nào của Hoa Kỳ để cung cấp các dịch vụ liên quan đến phá thai – ngay cả khi họ sử dụng tiền của mình. Các nghiên cứu cho thấy hạn chế về kinh phí làm giảm khả năng tiếp cận của phụ nữ với tất cả các loại hình chăm sóc sức khỏe, khiến họ dễ mắc bệnh và buộc phụ nữ phải phá thai không an toàn.
Phân bổ lại các nguồn tài chính theo cách tạo sân chơi bình đẳng cho phụ nữ là một khía cạnh quan trọng khác của chính sách đối ngoại nữ quyền. Nhưng một lần nữa, nó cần phải là một chính sách nhất quán và xuyên suốt, không phải là một quyết định một lần.
NƯỚC AFGHANISTAN, PHỤ NỮ VÀ HÒA BÌNH
Hoa Kỳ, từ lâu là một cường quốc hàng đầu thế giới, khó có thể thay thế chiến lược an ninh quân sự quốc tế của mình bằng một chính sách đối ngoại thuần túy “nữ quyền”.
Nhưng nó không nhất thiết phải như vậy.
Khi bằng chứng ngày càng tăng cho thấy hạnh phúc của phụ nữ là trung tâm đối với hạnh phúc của mọi người, mối liên hệ giữa bình đẳng giới và an ninh toàn cầu có thể được kết hợp một cách tự nhiên vào các chiến lược toàn cầu cập nhật tập trung vào các mục tiêu truyền thống của Mỹ như an ninh quốc tế và nhân quyền.
Afghanistan cho thấy sự cần thiết của – và cơ hội cho – một chính sách đối ngoại nữ quyền của Hoa Kỳ.
Phụ nữ Afghanistan bị phân biệt đối xử tàn bạo dưới thời Taliban, với các cô gái bị cấm học và phụ nữ bị cấm đảm nhiệm vai trò lãnh đạo chính trị, an ninh và kinh doanh. Hiện nay, dưới thời chính phủ Afghanistan của Tổng thống Ashraf Ghani, 28% nghị sĩ Afghanistan là phụ nữ và 3,5 triệu trẻ em gái đang đi học. Phụ nữ lo lắng rằng quyền tự do của họ có thể bị xâm phạm trong bất kỳ thỏa thuận chia sẻ quyền lực nào với Taliban.
Tuy nhiên, các quan chức Mỹ rõ ràng, và gây tranh cãi, đã không đưa vấn đề giới vào các cuộc đàm phán với nhóm phiến quân Taliban để chấm dứt chiến tranh ở Afghanistan. Chỉ có một nhà đàm phán của Hoa Kỳ là phụ nữ – đại diện chưa đủ cho một quốc gia để nói rằng họ cam kết bảo vệ quyền của phụ nữ Afghanistan. Phái đoàn Taliban không có phụ nữ và chỉ có 4 phụ nữ ngồi trong phái đoàn gồm 21 thành viên của chính phủ Afghanistan.
Với sự giúp đỡ của Hoa Kỳ, một hiệp định Afghanistan có thể đảm bảo những lợi ích mà phụ nữ đã đạt được kể từ khi Hoa Kỳ lật đổ Taliban vào năm 2001 – hoặc hiệp định có thể hy sinh họ vì “hòa bình”.
Báo The Conversation và tác giả Rollie Lal và tác giả Shirley Graham cho phép Gendertalkviet dịch sang tiếng Việt và đăng toàn văn. Thay mặt cho, Ban Biên Tập Gender Talk, chúng tôi xin gửi lời cám ơn chân thành tới Tác giả và Báo The Conversation cho phép chúng tôi đăng lại bài toàn văn. Sự đóng góp của Quý Báo The Conversation và tác giả rất quý giá và ý nghĩa.
This article is republished from The Conversation under a Creative Commons license. Read the original article.
Gendertalk website: https://gendertalkviet.blogspot.com/2021/12/chinh-sach-oi-ngoai-nu-quyen-se-thay-oi.html