Khơi dậy tiềm năng du lịch đồng bằng sông Cửu Long
Ngày 30.8, tại 25 Ngô Thời Nhiệm, quận 3, hơn 40 đại biểu đến từ các công ty du lịch, lữ hành, chuyên gia và các sinh viên du lịch năm cuối của các trường đại học sẽ tham dự toạ đàm mang chủ đề Du lịch đồng bằng sông Cửu Long: Khơi dậy tiềm năng. Ngoài các báo cáo chuyên đề của chuyên gia, toạ đàm tập trung thảo luận về tiềm năng du lịch đồng bằng, các ý kiến gợi mở cho các nhà kinh doanh, hoạch định chính sách xây dựng kế hoạch phát triển du lịch đồng bằng.
Trong hơn mười ngày qua, ban tổ chức nhận được rất nhiều ý kiến và đã chuyển cho các chuyên gia, các nhà kinh doanh tham khảo để phần thảo luận có chất lượng, có ý nghĩa thiết thực. Chúng tôi trích đăng một số ý kiến.
Lê Thị Kim Hương: Phải làm tốt chuyên môn, rồi mới quảng bá
Cần phải đánh giá đúng hiệu quả của việc tổ chức lễ hội hoành tráng, quảng bá rộng lớn trong nhiều năm qua đã diễn ra trên khắp mọi miền đất nước. Cụ thể ở thành phố Cần Thơ, qua lễ hội rồi mọi việc đâu vào đấy, chẳng thêm được gì, ngày nghỉ, gia đình muốn tổ chức đi chơi cũng không có chỗ gì hay, đẹp, mới. Du lịch còn là bộ mặt của đất nước, nếu không làm tốt chuyên môn thì cho dù quảng bá với loại hình nào, có mời các nhà khoa học thiết kế mô hình quảng bá cho Việt Nam tuyệt tác đến cỡ nào chăng nữa, cũng chưa thu hút rộng rãi du khách.
Huỳnh Chí Đông Hải (An Giang): Điểm nhấn từ nghề truyền thống
Sản phẩm truyền thống địa phương là món quà không thể thiếu cho du khách và là nguồn lợi kinh tế căn bản cho dân bản địa. Phát triển nghề truyền thống gắn với hoạt động du lịch là định hướng phát triển toàn diện. Trong lúc du lịch đồng bằng sông Cửu Long còn thiếu những điểm nhấn, thiếu một phong cách riêng và thiếu sự đầu tư đồng bộ thì việc phát triền làng nghề truyền thống gắn với hoạt động du lịch sẽ tạo nên sản phẩm du lịch thu hút hơn.
(Nguồn: SGTT)