Đại học Hoa Sen – HSU

Khái Hưng

Khái Hưng tên thật là Trần Dư, hoặc Trần Giư, Trần Khánh Dư.Từ các âm chính của tên Khánh Dư ông dùng một phép “nói lái vui” thành Khái Hưng. Ông còn có bút hiệu khác là Nhị Linh, KH, Nhát Dao Cạo, Hàn Đãi Đậu, Bán Than.

Xuân Diệu, Thế Lữ, Khái Hưng 1938                                                                      Ảnh Khái Hưng

Khái Hưng sinh năm 1896, trong một gia đình quan lại tại Cổ Am, Vĩnh Bảo, Hải Dương, nay thuộc Hải Phòng, bố ông có năm bà vợ nên nhiều dòng con cháu. Thuở nhỏ ông bị bà dì ghẻ ác nghiệt hành hạ tàn nhẫn. Ông được đi học chữ nho với thày đồ. Lớn lên, học chữ Pháp tại trường trung học tây Albert Saraut, Hà Nội. Sau khi đỗ tú tài I, ông không đi học tiếp, về mở đại lý bán dầu hỏa ở Ninh Giang. Được ít lâu, Khái Hưng lên Hà Nội đi dạy cho trường tư thục Thăng Long của ông Phạm Hữu Ninh. Khái Hưng gập Nhất Linh tại đây. Hai người cùng lý tưởng văn học và xã hội đã trở thành một đôi bạn tri kỷ, dù rằng Nhất Linh kém Khái Hưng 10 tuổi.

Năm 1932 Nhất Linh mua lại tờ Phong Hóa, thành lập ban biên tập mới, có Khái Hưng, Tứ Ly và Tú Mỡ tham gia. Tờ báo Phong Hóa số 14, là số báo đầu tiên của nhóm, ra ngày 22-9-1932. Khi Nhất Linh chính thức thành lập Tự Lực Văn Đoàn (Phong Hóa số 87, 1934). Khái Hưng và Nhất Linh  trở thành hai cột trụ của báo. Các tác phẩm của ông từ1932 tới 1940 thường đăng trên Phong Hóa và Ngày Nay, sau đó một phần được nhà xuất bản Đời Nay của Văn Đoàn in thành sách. Những sách truyên của ông rất được công chúng hâm mộ.

Tiểu thuyết đầu tay của Khái Hưng là Hồn bướm mơ tiên (1933), cũng là tiểu thuyết đầu tiên của Tự Lực Văn Đoàn đăng trên báo Phong Hóa, đã gây tiếng vang lớn.  Sau đó Khái Hưng viết đều tay, nhanh, dễ dàng, văn phong giản dị nhưng thanh thoát của một tâm hồn thi sĩ. Ông viết nhiều thể loại: truyện ngắn, truyện dài, kịch, văn vui, phê bình văn học, phê bình kich…Với một bề dầy tác phẩm ít ai bì kịp, nhà văn Khái Hưng được biết đến như một tiểu thuyết gia được tuổi trẻ yêu mến nhất thời đó. Ông cũng viết chung với Nhất Linh hai tiểu thuyết Gánh hàng hoa,và  Đời mưa gió cùng tập truyện ngắn họp chung Anh phải sống.Tiểu thuyết cuối cùng của ông là  Băn Khoăn (Thanh Đức) (1943) và cũng là tiểu thuyết cuối cùng của văn đoàn Tự Lực trước khi tự tan rã.

Khái Hưng là người giầu tình cảm, hay đùa vui, rất khăng khít và yêu mến các bạn đồng nghiệp. Ông đối xử hòa nhã, thân kính với mọi người, nên được nhiều người yêu quý, kính trọng. Trong tác phẩm, ông thường đề cao tình yêu trong sáng, tự do, mang tính cách lý tưởng, ít nhiều chống lại các hủ tục trong xã hội. Những tiểu thuyết phong tục của ông rất đặc sắc, về sau ông thiên về tiểu thuyết tâm lý. Khái Hưng cũng viết một số vở kịch ngắn, thường chỉ một hồi, để đăng báo hơn là để công diễn. Tuy nhiên vài vở kịch dài của ông đã nổi tiếng một thời như Tục Tụy, Đồng Bệnh… Ngoài ra Khái Hưng còn có một số tranh vẽ, thường để minh họa tiểu thuyêt của ông trên báo, ông có một vài bức tranh rất đẹp.

Sau khi báo Ngày Nay bị thực dân Pháp đóng cửa 1940, Khái Hưng và Thạch Lam ra tờ Chủ Nhật, nhưng bị rút giấy phép sớm. Sách Xuân Đời Nay cũng chỉ ra được một số. Năm 1941, Khái Hưng, Hoàng Đạo, Nguyễn Gia Trí và một số bạn đồng chí bị chính quyền thực dân Pháp bắt giam tại Hà Nội, sau bị đưa đi an trí ở Vụ Bản, Hòa Bình, tới năm 1943 mới được tha. Trong khi đó Thạch Lam bị bệnh lao qua đời 1942. Nhà xuất bản Đời Nay còn in khá nhiều sách, và dòng sách Hồng nhi đồng, rồi nghỉ. Năm 1945, Khái Hưng cùng Hoàng Đạo, và Nguyễn Tường Bách cho ra tờ Ngày Nay Kỷ Nguyên Mới, được 16 số thì đình bản. Khái Hưng còn viết một số truyện ngắn, kịch ngắn trên các báo thời đó.

Về gia đình – Bà Khái Hưng tên là Lê thị Hòa, hiệu là Nhã Khanh, hiểu biết chữ nho sâu rộng, người làng Dịch Diệp, Trực Ninh, Nam Định. Bố là một vị Thượng Thư triều Nguyễn, gia đình rất khá giả, nên bà có ruộng nương kế tự, lại khéo léo thu vén nên đã giúp nhiều cho kinh tế gia đình. Ông bà sống rất thuận hòa, không bao giờ ông làm bà phật ý, tuy hai người hiếm muộn, không con. Nhất Linh đã cho bạn một đứa con trai của mình: Nguyễn Tường Triệu thành Trần Khánh Triệu.

Khái Hưng mất tích sau Tết Ðinh Hợi 1947. Khi biết ông đã qua đời, bà Khái Hưng trở bệnh tim nặng, và từ trần năm 1954.

Khái Hưng tin tưởng nơi đạo Phật, thuở nhỏ mỗi khi bị uất ức chuyện gia đình, thường vào chùa niệm Phật, tụng kinh cứu khổ. Khi mẹ ông mất năm 1944, ông thức khuya tụng kinh Địa Tạng và A di đà cầu siêu cho mẹ. Trong các tác phẩm của ông thường có điều gì phảng phát những ý tưởng siêu thoát của đạo Phật (Theo Ba Tôi, N T Triệu). Cách hành sử hòa ái, cung cách tương kính trong gia đình, trong xã hội, cũng như lòng tin người, không hận thù của ông phải chăng là lý tưởng sống nhẹ nhàng thanh thoát của một Phật tử? Các tác phẩm của Khái Hưng thường được xuất bản nhiều lần, do nhu cầu người đọc, có khi lên tới 10.000 cuốn.

Những sách đã được Nhà xuất bản Đời Nay in là: Hồn bướm mơ Tiên, Gánh hàng hoa, Nửa chừng xuân, Đời mưa gió, Trống mái, Dọc đường gió bụi, Anh phải sống, Tục lụy, Tiếng suối reo, Gia đình, Thoát Ly, Đọi chờ, Thừa tự, Tiêu sơn tráng sĩ, Hạnh, Đẹp, Đội mũ lệch, Những ngày vui, Đồng bệnh, Băn khoăn ( Thanh đức), Số đào hoa, (Cái Ve, Đồng xu :chưa thấy in).
Những truyên nhi đồng trong loại Sách Hồng, gồm có: Ông đồ bể, Cái ấm đất, Thày đội nhất, Quyển sách ước, Cắm trại, Cây tre trăm đốt, Thế giới tí hon, Cóc tía, Bông cúc huyền, Lưu bình-Dương lễ…

            
                            

 

Facebook Youtube Tiktok Zalo