Đại học Hoa Sen – HSU

John Dewey: Nhà triết học khai sinh ra giáo dục thực nghiệm

Là người ủng hộ cải cách giáo dục suốt cuộc đời mình, quan điểm giáo dục của John Dewey bắt nguồn từ triết học thực nghiệm.

Nhà triết học, nhà cải cách giáo dục người Mỹ John Dewey sinh năm 1859 ở Burlington, Vermont.

 

Nhà cải cách giáo dục John Dewey

Từ năm 1884 đến năm 1930, ông giảng dạy ở các trường đại học.

Là một triết gia, người đề xướng cải cách giáo dục, năm 1894, ông mở một trường tiểu học thực nghiệm. Năm 1919, ông đồng sáng lập Trường Nghiên cứu xã hội mới. Dewey xuất bản khoảng hơn 1.000 bài viết trong suốt sự nghiệp của mình.

Cuộc đời và sự nghiệp

Dewey sinh ra trong một gia đình có 4 người con, có bố là thợ máy, sau đó tham gia quân đội. Bố ông được biết là người chia sẻ niềm đam mê văn học Anh với các con cháu mình. Sau chiến tranh, cha ông trở thành chủ của một cửa hàng thuốc lá có doanh thu tốt, đủ để giúp gia đình ông có một cuộc sống thoải mái và ổn định về mặt tài chính.

Thời niên thiếu, John Dewey theo học các trường công ở Burlington và là một học sinh xuất sắc. Mới 15 tuổi, ông đã đăng ký vào ĐH Vermont – nơi mà ông đặc biệt thích học ngành triết học dưới sự giám hộ của H.A.P. Torrey. Bốn năm sau, Dewey tốt nghiệp ĐH Vermont với vị trí thứ 2 trong lớp.

Mùa thu ngay sau khi tốt nghiệp, ông được anh họ mời giảng dạy ở một chủng viện thuộc Oil City, Pennsylvania. Hai năm sau, Dewey mất việc khi anh họ ông từ chức hiệu trưởng của chủng viện này.

Dewey trở lại Vermont và bắt đầu giảng dạy cho một trường tư thục ở đây. Những lúc rảnh rỗi, ông đọc các luận thuyết triết học và thảo luận về chúng với người thầy cũ là Torrey.

Khi niềm đam mê của ông với triết học tăng lên, ông quyết định nghỉ dạy để học triết học và tâm lý học ở ĐH Johns Hopkins. George Sylvester Morris và G. Stanley Hall là 2 trong số những giáo viên có ảnh hưởng đến Dewey nhiều nhất.

Sau khi nhận bằng tiến sĩ từ Johns Hoplins vào năm 1884, Dewey trở thành trợ lý giáo sư ở ĐH Michigan. Ở Michigan, ông gặp và kết hôn với Harriet Alice Chipman. Họ có 7 người con, trong đó có một người là con nuôi.

Năm 1888, ông và gia đình rời Michigan. Ông trở thành giáo sư triết học ở ĐH Minnesota. Tuy nhiên, một năm sau, ông lại quay trở về ĐH Michigan và dạy ở đó trong 5 năm tiếp theo.

Năm 1894, ông được bổ nhiệm làm trưởng khoa triết học, ĐH Chicago. Ông làm việc ở ĐH Chicago cho tới năm 1904, đồng thời làm giám đốc của Trường Giáo dục trong 2 năm.

Dewey rời Chicago vào năm 1904 để trở thành giáo sư triết học ở ĐH Columbia – nơi mà ông làm việc trong 26 năm sau đó rồi về hưu.

Triết lý giáo dục

Các luận thuyết triết học của Dewey ban đầu được lấy cảm hứng từ việc đọc các bài viết của triết gia, nhà tâm lý học William James.

Triết học của Dewey – còn được gọi là chủ nghĩa thực nghiệm – tập trung chủ yếu vào trải nghiệm của con người. Bác bỏ những ý tưởng cứng nhắc của chủ nghĩa siêu nghiệm, chủ nghĩa thực nghiệm của ông xem các ý tưởng là công cụ để thử nghiệm, với mục tiêu là nâng cao trải nghiệm của con người.

 

Dewey cho rằng giáo dục không phải là sự chuẩn bị cho cuộc sống, mà giáo dục chính là cuộc sống

Triết học của Dewey cũng khẳng định rằng khi con người cư xử khác với thói quen của mình thì sẽ dẫn đến những kết quả không như dự kiến. Khi con người cố gắng để hiểu được kết quả của sự thay đổi, họ sẽ buộc phải suy nghĩ một cách sáng tạo để giành lại sự kiểm soát môi trường đang chuyển đổi này.

Với Dewey, suy nghĩ là phương tiện mà thông qua đó, con người sẽ hiểu và kết nối với thế giới xung quanh mình. Một nền giáo dục phổ quát là chìa khóa để dạy cho mọi người cách để từ bỏ thói quan và suy nghĩ sáng tạo.

Dewey tin rằng học tập cần thiết thực và việc đến trường không cần thiết phải dài lâu và bị hạn chế. Ý tưởng của ông là trẻ con tới trường để thực hành và sống trong một cộng đồng mang lại cho chúng những trải nghiệm thực, được hướng dẫn, tập trung vào khả năng đóng góp cho xã hội. Ví dụ như, Dewey tin rằng học sinh nên được tham gia vào các thách thức và công việc của cuộc sống thực.

Cụ thể, môn Toán có thể được học bằng cách chia tỷ lệ thực phẩm khi nấu ăn. Môn Lịch sử có thể được học bằng cách trải nghiệm cách sống của mọi người. Môn Địa lý học từ thời tiết, quá trình lớn lên của cây cối, động vật…

Dewey đã đề xuất nhiều hoạt động giữ vai trò trung tâm của lớp học. Triết lý giáo dục của ông giúp thúc đẩy phong trào tân giáo dục và từ đó dẫn đến sự phát triển của các chương trình giáo dục thực nghiệm.

Cải cách giáo dục

John Dewey là người đề xướng mạnh mẽ phong trào cải cách giáo dục tiến bộ. Ông tin rằng giáo dục nên được dựa trên nguyên tắc học tập thông qua thực hành.

Năm 1894, Dewey và vợ ông đã thành lập một trường tiểu học thực nghiệm của riêng mình có tên University Elementary School, nằm trong ĐH Chicago. Mục tiêu của ông khi thành lập ngôi trường này là để kiểm tra lý thuyết giáo dục của mình, nhưng ông đã từ chức khi ĐH Chicago sa thải vợ ông Harriet.

 

Dewey tin rằng học tập cần phải thiết thực

Năm 1919, John Dewey cùng với các đồng nghiệp là Harles Beard, Thorstein Veblen, James Harvey Robinson và  Wesley Clair Mitchell thành lập Trường Nghiên cứu xã hội mới (The New School for Social Research). The New School là một ngôi trường thực nghiệm, tiến bộ, nhấn mạnh vào việc trao đổi tự do các ý tưởng trong khoa học xã hội và nghệ thuật.

Trong suốt những năm 1920, Dewey giảng dạy về cải cách giáo dục ở các trường học trên toàn thế giới. Ông đặc biệt ấn tượng với các thí nghiệm trong hệ thống giáo dục của Nga. Ông đã chia sẻ những gì mà ông học được với các đồng nghiệp khi trở về Mỹ, rằng giáo dục nên tập trung chủ yếu vào sự tương tác của học sinh với hiện tại. Tuy vậy, Dewey không bác bỏ giá trị của việc học về quá khứ.

Những năm 1930, sau khi nghỉ dạy, ông trở thành một thành viên tích cực của nhiều tổ chức giáo dục trong đó có Hiệp hội giáo viên New York và Liên đoàn tự do học thuật quốc tế.

Di sản

Dewey xuất bản 2 cuốn sách đầu tiên là Psychology (1887) và Leibniz’s New Essays Concerning the Human Understanding (1888) khi vẫn đang làm việc ở ĐH Michigan. Trong suốt sự nghiệp của mình, Dewey đã xuất bản hơn 1.000 tác phẩm, bao gồm bài luận, bài báo và sách.

Những bài viết của ông đề cập tới nhiều chủ đề: tâm lý học, triết học, lý thuyết giáo dục, văn hóa, tôn giáo và chính trị. Thông qua những bài báo trên tờ The New Republic, ông tự khẳng định mình như một trong những nhà phê bình xã hội được đánh giá cao nhất ở thời của mình. Dewey tiếp tục viết rất nhiều cho tới khi qua đời.

Năm 1946, lúc đó 87 tuổi, ông tái hôn với một góa phụ tên là Roberta Grant. Cuối đời, ông sống nhờ thừa kế của Roberta và tiền bản quyền sách. Tháng 1/1952, ông qua đời vì bệnh viêm phổi ở tuổi 92 trong căn hộ ở thành phố New York.

Nguồn: Nguyễn Thảo/Vietnamnet.vn (dịch)

Danh mục liên quan

Thông tin chuyên đề Tin Hoa Sen
Facebook Youtube Tiktok Zalo