Đại học Hoa Sen – HSU

Huyền thoại giáo dục Phần Lan

Giáo dục Phần Lan bắt đầu được dư luận quốc tế quan tâm từ sau khi Tổ chức Hợp tác Kinh tế và Phát triển OECD tổ chức các kỳ thi PISA (Chương trình đánh giá học sinh quốc tế (Programme for International Student Assessment). Thành công xuất sắc của học sinh Phần Lan trong các kỳ thi này đã làm cả thế giới ngạc nhiên.

PISA là bài kiểm tra kiến thức của các trẻ em 15 tuổi, thực hiện 3 năm một kỳ tại hơn 40 địa điểm cho gần nửa triệu HS trên toàn cầu. PISA mới tiến hành được 4 kỳ (2000-2003-2006-2009) thì Phần Lan giành được vị trí thứ nhất trong 3 kỳ đầu. Tại PISA 2009 họ đứng thứ hai về khoa học, thứ ba về đọc hiểu và thứ sáu về toán học.

Sau một thời gian say sưa tranh cãi về cuốn Chiến ca của Mẹ Hổ, cuối cùng phương pháp giáo dục của Phần Lan lại đang trở thành một chủ đề nóng ở Mỹ sau khi nước này chiếu bộ phim tài liệu Chờ đợi Siêu nhân1 , vạch ra các vấn đề tồn tại của giáo dục công lập Mỹ, có so sánh với Phần Lan. Báo The Economist của Anh Quốc còn kiến nghị các nhà lãnh đạo châu Âu tạm ngừng công việc để đến Phần Lan dự các giờ học cấp phổ thông, tìm hiểu xem vì sao học sinh nước này giỏi thế. Người Trung Quốc càng hết lời ca ngợi giáo dục Phần Lan. Một bà mẹ đem hai con sang Phần Lan sống mười mấy năm, tự mình trải nghiệm thực tế giáo dục từ vườn trẻ đến đại học của xứ này, sau đó nhận xét: So với Phần Lan thì giáo dục Trung Quốc chỉ là một bãi rác lớn.

Cần nhấn mạnh: người Phần Lan không hề coi trọng mọi kỳ sát hạch học sinh, kể cả PISA, họ không bao giờ mở các lớp chuyên để đào tạo “gà nòi” đi thi PISA như ở một số nước khác. GS Pasi Sahlberg, nhà giáo dục nổi tiếng, Tổng Giám đốc Trung tâm Luân chuyển và Hợp tác quốc tế Phần Lan (National Centre for International Mobility and Cooperation, CIMO) nói: “Chúng tôi chuẩn bị cho trẻ em học cách để học chứ không phải học cách để làm một bài kiểm tra. Chúng tôi không quan tâm nhiều tới PISA. Nó không phải là thứ chúng tôi nhắm tới”.

Chính người Phần Lan cũng không hiểu tại sao HS họ lại chiếm vị trí hàng đầu trong các kỳ kiểm tra PISA, bởi lẽ họ đâu có quan tâm gì tới việc xếp hạng. Nhưng khi các đoàn cán bộ giáo dục từ khắp thế giới kéo đến Phần Lan tìm hiểu kinh nghiệm dạy và học của xứ này thì họ mới để ý tới chuyện ấy. Ngành du lịch Phần Lan cũng khởi sắc nhờ thành tích của ngành giáo dục.

Triết lý giáo dục đúng đắn

Giáo dục Phần Lan vận hành theo một triết lý (tư tưởng) giáo dục độc đáo, thể hiện ở quan điểm đối với HS và giáo viên: hai chủ thể quan trọng nhất này của nhà trường phải được quan tâm và tôn trọng hết mức.

Sự ưu ái HS thể hiện ở chỗ ngành giáo dục phải làm cho nhà trường trở thành thiên đường của trẻ em! Muốn thế người Phần Lan đã hủy bỏ mọi chuyện khiến lũ trẻ đau đầu nhức óc như cạnh tranh (hoặc dưới mỹ từ “thi đua”), xếp hạng giỏi kém trong học tập và các kỳ sát hạch thi cử. Ở cấp tiểu học hoàn toàn không có kiểm tra kiến thức. Nhiệm vụ của giáo viên là làm cho HS hào hứng học tập, say mê hiểu biết, quan tâm tập thể và xã hội. Tóm lại, HS không phải chịu bất cứ một sức ép nào trong học tập.

GS Sahlberg nói: “Chúng tôi không tin vào thi cử, không tin rằng có một kỳ thi thống nhất là việc tốt. 12 năm học đầu tiên trong đời HS chỉ có một kỳ thi duy nhất vào lúc các em đã ở độ tuổi 18-19, đó là kỳ thi trước khi vào đại học. Nhờ thế thầy và trò có nhiều thời gian để dạy và học những gì họ ưa thích. Các thầy cô của chúng tôi tuyệt đối không giảng dạy vì thi cử, HS cũng tuyệt đối không học vì thi cử. Trường học của chúng tôi là nơi học tập vui thích 100%. Ưu điểm của chế độ học tập ở Phần Lan là ươm trồng tinh thần hợp tác chứ không phải là tinh thần cạnh tranh. Chúng tôi không lo HS sau này sẽ cảm thấy sợ hãi khi bước vào xã hội đầy cạnh tranh”.

GS Sahlberg nói: “Chúng tôi không tin vào thi cử, không tin rằng có một kỳ thi thống nhất là việc tốt. 12 năm học đầu tiên trong đời HS chỉ có một kỳ thi duy nhất vào lúc các em đã ở độ tuổi 18-19, đó là kỳ thi trước khi vào đại học. Nhờ thế thầy và trò có nhiều thời gian để dạy và học những gì họ ưa thích. Các thầy cô của chúng tôi tuyệt đối không giảng dạy vì thi cử, HS cũng tuyệt đối không học vì thi cử. Trường học của chúng tôi là nơi học tập vui thích 100%. Ưu điểm của chế độ học tập ở Phần Lan là ươm trồng tinh thần hợp tác chứ không phải là tinh thần cạnh tranh. Chúng tôi không lo HS sau này sẽ cảm thấy sợ hãi khi bước vào xã hội đầy cạnh tranh”..

Luật pháp Phần Lan quy định không được dùng cách xếp hạng hoặc cho điểm để đánh giá các HS trước lớp 6. Khi các thầy cô muốn bình xét năng lực và biểu hiện của HS nào đó thì họ phải dùng văn bản ghi lại sự đánh giá, có thuyết minh cặn kẽ, chứ không được đơn giản dùng điểm số hoặc thứ bậc xếp hạng để bình xét. Bởi lẽ mỗi HS đều có sở trường của riêng mình, giáo viên chỉ có thể thông qua nhiều hình thức hoạt động để tìm hiểu HS và khai thác phát huy tiềm năng của các em.

Có người cho rằng trong môi trường không có so sánh, không có cạnh tranh, không có sát hạch thi cử thì HS sẽ không có động lực để học tập. Thực ra HS Phần Lan vẫn có thi đại học, kỳ thi duy nhất sau 12 năm học, cạnh tranh cũng rất quyết liệt, nhưng khi ấy HS đã trưởng thành. Người ta cố gắng không để HS cạnh tranh với nhau quá sớm. Các nhà trường ở châu Á cạnh tranh với nhau rất gay gắt, đó là do giáo viên, phụ huynh, HS và mọi người luôn so bì lẫn nhau. Người Phần Lan không làm như vậy, họ trau dồi cho HS tinh thần Hợp tác quan trọng hơn cạnh tranh, nhấn mạnh ở cấp mẫu giáo và trung tiểu học lại càng cần tạo ra bầu không khí không có cạnh tranh. Đây là một ưu điểm của chế độ giáo dục Phần Lan.

Một nhà tâm lý học từng nói: “Hôm nay HS biết hợp tác với nhau thì ngày mai họ sẽ có năng lực cạnh tranh”. Muốn giỏi cạnh tranh thì trước hết phải biết mình, rồi tìm hiểu người khác. Biết mình để tự tin. Biết người, tức biết đối phương, là để hiểu được ưu điểm của họ; điều ấy thực hiện được trong quá trình hợp tác với họ, qua đó sẽ có được năng lực cạnh tranh. Trau dồi năng lực sáng tạo trong môi trường chan hòa tình người thì tốt hơn trong môi trường cạnh tranh khốc liệt, vì khi ấy người ta không muốn chia sẻ kinh nghiệm cho người khác, và cũng không muốn mạo hiểm, như vậy sao có thể có được sức sáng tạo. Vì thế người Phần Lan chủ trương HS học hỏi lẫn nhau, chia sẻ với nhau thành công của mình.

Người Phần Lan trau dồi cho HS tinh thần Hợp tác quan trọng hơn cạnh tranh, nhấn mạnh ở cấp mẫu giáo và trung tiểu học lại càng cần tạo ra bầu không khí không có cạnh tranh.

Chủ thể quan trọng thứ hai của giáo dục là giáo viên cũng phải được sống trong môi trường ít sức ép nhất. Thầy cô giáo phải được xã hội tôn trọng hết mức. Muốn vậy, cũng như với HS, đối với giáo viên, nhà trường áp dụng nguyên tắc không so sánh, không xếp thứ hạng hoặc cho điểm các giáo viên, không tổ chức thi tay nghề giảng dạy, cũng không làm bản nhận xét đánh giá giáo viên.

Ngành giáo dục không làm cái việc đánh giá, xếp hạng chất lượng các trường. Nhờ thế tất cả giáo viên đều rất tự tin, ai cũng tự hào về trường mình. Họ giải thích: Nếu thầy cô còn coi thường trường mình thì HS sao có thể tin vào nhà trường?

GS Sahlberg nói: “Rất nhiều quốc gia tiến hành cải cách giáo dục xuất phát từ mặt hành chính, thậm chí tham khảo giới kinh doanh, đưa phương thức vận hành công ty vào áp dụng trong trường học, lập chế độ thưởng phạt. Cách làm như thế là không đúng. Chúng ta đều biết, trừ khi nhà trường có giáo viên giỏi, trừ khi chúng ta luôn đào tạo chuyên môn cho giáo viên và giúp đỡ họ, trừ khi xã hội biết tôn trọng giáo viên, nếu không thì cải cách giáo dục sẽ không thể thành công”.

Điều đó xuất phát từ nhận thức: Nếu xã hội đã không tín nhiệm chính thầy cô giáo của mình thì còn nói gì tới việc HS tin yêu và nghe lời thầy cô? Một khi thực thi cơ chế đánh giá xếp hạng giáo viên thì tất nhiên giáo viên bị xếp hạng thấp sẽ còn đâu uy tín để dạy các em? Một nhà trường bị xếp hạng kém thì còn ai muốn cho con mình vào học? Như vậy giáo dục còn có ý nghĩa gì?

Nếu bạn hỏi bất cứ quan chức nào của Bộ Giáo dục Phần Lan về chất lượng giáo viên xứ này thì họ sẽ nói: “Tất cả thầy cô giáo của chúng tôi đều giỏi như nhau!”. Họ cũng nói: “Tất cả các trường của chúng tôi đều giỏi như nhau!” “Tất cả các HS của chúng tôi đều giỏi cả”. Câu trả lời ấy nói lên sự tự tin của một quốc gia đã thực sự đạt được sự bình đẳng trong giáo dục, vì vậy họ có quyền nói như thế. 2

Nhằm thực hiện được các nội dung triết lý kể trên, Bộ Giáo dục Phần Lan nêu yêu cầu cực cao đối với chất lượng giáo viên, chỉ tuyển những người có tinh thần hết lòng phụng sự nhân dân và đạo đức nghề nghiệp cao thượng, và hơn nữa còn tạo điều kiện tốt nhất tiếp tục đào tạo họ. Về trình độ chuyên môn, toàn bộ thầy cô giáo tiểu học và trung học đều phải có bằng thạc sĩ trở lên, và phải có chứng chỉ đạt yêu cầu sát hạch tư cách giáo viên. Người giỏi mới được làm giáo viên. Các trường sư phạm tuyển sinh rất khắt khe, tỷ lệ thi đỗ chỉ đạt 10%. GS Sahlberg cho biết: trong năm 2010 có khoảng 6.600 ứng viên tranh nhau 660 chỗ giảng dạy ở cấp tiểu học. Nghề giáo thực sự là nghề cao quý, được xã hội trọng vọng.

Ngành giáo dục thiết lập một hệ thống dựa trên tinh thần trách nhiệm, cho phép giáo viên được quyền tự do nhất định trong việc giảng dạy. HS cũng được quyền tự chọn phương thức học tập của mình. Giáo viên lên lớp bình quân 3 tiết mỗi ngày (so với 7 ở Mỹ), do đó có nhiều thời gian để sáng tạo bài giảng truyền được cảm hứng cho HS.

Một quốc gia không có cơ chế đánh giá hoặc xếp thứ hạng giáo viên và HS, không yêu cầu thầy trò tranh vị trí thứ nhất, thế mà lại được cộng đồng OECD xếp hạng có nền giáo dục phổ thông tốt nhất. Khi biết tin này, chính những người Phần Lan rất ngạc nhiên. 

Giấc mơ bình đẳng giáo dục       

Trước thập niên 70 thế kỷ XX, giáo dục Phần Lan chưa có gì đáng tự hào. Ngành giáo dục thực hiện chế độ quản lý tập trung, có rất nhiều quy chế ràng buộc công việc của giáo viên. Thời ấy HS đến 10 tuổi đều phải qua một kỳ thi, dựa theo kết quả thi để phân ban, một loại là lớp phổ thông, một loại là lớp học nghề; việc phân ban đó quyết định tương lai các em một cách võ đoán, tương lai cả cuộc đời phụ thuộc vào một kỳ thi. Kết quả thi được cho điểm từ 4 đến 10; điểm 10 là điểm số cao nhất; điểm 4 là trượt. Thời ấy các em HS tuổi còn nhỏ mà đã biết dùng đẳng cấp để so bì lẫn nhau, qua điểm số mà cho rằng mình kém hoặc hơn người khác. Trong mỗi lớp lại còn chia ra các nhóm HS tùy theo năng lực, các em luôn so kè lẫn nhau.

Về sau giới chức giáo dục Phần Lan nhận thấy cách làm như vậy là không tốt, bởi lẽ mỗi người đều có năng lực và cách biểu hiện khác nhau. Làm như vậy chẳng khác gì bắt voi, chim cánh cụt và khỉ thi tài leo cây; dùng tài leo cây làm tiêu chuẩn đánh giá năng lực của chúng là rất vô lý. Vì thế ngành giáo dục nước này đã quyết định hủy bỏ chế độ chia đẳng cấp, không dùng điểm số để phân chia thứ bậc nữa. Các giáo viên nhanh chóng nhận thấy cách làm này là tốt. Nhờ thế đã thay đổi không khí học tập trong trường, thầy trò hợp tác với nhau, đoàn kết nhất trí. Từ thập niên 80, mọi hình thức sát hạch và thi cử, kể cả chế độ thi thống nhất chung cho các trường đều bị hủy bỏ.

Một nội dung nữa của triết lý giáo dục Phần Lan là toàn thể HS phổ thông trong cả nước phải được hưởng nền giáo dục như nhau, không thể để con nhà giàu được học tốt hơn con nhà nghèo, con em người da trắng được học tốt hơn con em người da màu di cư từ châu Phi châu Á đến. Tư tưởng bình đẳng giáo dục ấy được Nhà nước Phần Lan nêu ra trong một đạo luật ban hành năm 1860. Từ năm 1915, giáo dục được thừa nhận là một quyền công dân.

Trong đợt cải cách giáo dục tiến hành vào những năm 70 thế kỷ XX, ngành giáo dục Phần Lan nêu ra ước mơ HS trong cả nước đều được học trong các trường công chất lượng tốt 3. Họ gọi ước mơ ấy là Giấc mơ Phần Lan (The Finnish dream). Sự nghiệp giáo dục của họ phát triển liên tục, bền vững suốt 40 năm nay chính là nhờ tất cả các nhiệm kỳ Chính phủ nước này đều nối tiếp nhau thực hiện bằng được giấc mơ bình đẳng giáo dục ấy, dù đảng phái nào lên cầm quyền cũng vậy.  

Ít thấy nước nào có được giấc mơ giáo dục đẹp như thế, nó kích động lòng người và gợi mở bao ý tưởng tuyệt vời, nó giúp thu hẹp tới mức tối thiểu sự khác biệt giữa các trường và khoảng cách giữa HS kém nhất với HS giỏi nhất, giảm đáng kể ảnh hưởng của địa vị kinh tế-xã hội của phụ huynh đối với HS. Các trường đều không có cơ chế đào thải HS khi các em chưa đủ 10 tuổi ; tất cả HS đều có cơ hội học tập bình đẳng. Điều đó xuất phát từ nhận thức: Tâm hồn trong trắng ngây thơ của trẻ em cần được sự dẫn dắt đúng đắn của người lớn trong môi trường trong sạch thuần khiết chứ không phải môi trường cạnh tranh tàn nhẫn của thế giới người lớn. 

Phải thay đổi tư duy nếu muốn học được gì từ giáo dục Phần Lan

Rõ ràng tư duy giáo dục của người Phần Lan rất độc đáo. Nguyên tắc giảm hết mức sức ép đối với HS, chủ trương thực hiện trường nào, thầy trò nào cũng giỏi như nhau của họ khác xa lối dạy và học nhồi nhét kiến thức cũng như chủ trương xây dựng các trường lớp “chuyên” thường thấy ở phương Đông. Phải chăng chừng nào chưa thay đổi tư duy thì khó có thể học được điều gì từ huyền thoại giáo dục Phần Lan?

Các phụ huynh Á Đông lo chuyện học tập của con với tư duy không để con thua kém ngay từ vạch xuất phát,  chỉ lo đưa con vào học trường nổi tiếng, bắt con học kiểu nhồi vịt khi chúng còn bé tẹo. Người ta quá say sưa với những cuộc thi kiến thức, buộc tâm hồn trong trắng thơ ngây của lũ trẻ phải nhồi nhét bao nhiêu kiến thức thế gian người lớn từ cổ Hy Lạp tới hậu hiện đại mà chẳng biết có trau dồi được chút đầu óc sáng tạo nào cho chúng hay không4. Cha mẹ đua nhau dạy con từ khi còn là bào thai, đưa con vào lớp năng khiếu từ tuổi mẫu giáo, thi HS giỏi, thi Olympic, học thêm, học hè. Tư duy ấy làm họ hao tổn công của, chỉ làm mồi cho bao kẻ cơ hội vớ bẫm bằng cách mở các trường lớp nhắm vào nhu cầu của họ. Cả xã hội lao vào thi cử, học để mà thi, cho nên học vẹt chứ không phải học để có năng lực sáng tạo. HS chấp nhận mọi kiến thức được dạy mà không dám nghi ngờ, phản biện. 

……………………………………………..

>> Xem thêm chi tiết bài viết

Theo Hồ Anh Hải
(Nguồn: Tia Sáng, ngày 05/04/2012)

Facebook Youtube Tiktok Zalo