Tư vấn hướng nghiệp – Định hình tương lai
Nằm trong chuỗi các hoạt động tư vấn hướng nghiệp năm học 2020-2021, trong hai ngày 7/11 và 09/11, trường Đại học Hoa Sen đã tổ chức thành công buổi tư vấn hướng nghiệp cho học sinh THPT khối lớp 12 tại trường THPT Chuyên Huỳnh Mẫn Đạt (Kiên Giang) và trường Tiểu học, THCS, THPT Trương Vĩnh Ký (TP.HCM).
Với phần chia sẻ ý nghĩa đến từ ThS. Phan Văn Giang – Chuyên gia Hướng nghiệp, Phó Trưởng phòng Truyền thông và Tuyển sinh Trường Đại học Hoa Sen, các buổi tư vấn đã diễn ra thành công và thu hút sự tham gia của đông đảo các em học sinh sắp bước vào ngưỡng cửa Đại học.
ThS. Phan Văn Giang – Phó Trưởng phòng Truyền thông và Tuyển sinh, Trường Đại học Hoa Sen chia sẻ cách lựa chọn ngành nghề.
Tại buổi tư vấn, ThS. Giang đã nhấn mạnh rằng các em học sinh cần ưu tiên chọn nghề, chọn ngành trước tiên, sau đó mới đến chọn trường. Các em cũng cần lưu ý xác định rõ tố chất, sở thích, mong muốn và năng lực của bản thân mình. Nói về năng lực, ThS. Giang chỉ ra rằng, năng lực chính là tất cả kiến thức thu nhận được thông qua quá trình ngồi trên ghế nhà trường và giao tiếp ngoài xã hội, thêm vào đó là kỹ năng (nhất là kỹ năng giao tiếp, ứng xử) và thái độ đối nhân xử thế của các em.
Các bạn học sinh giao lưu đặt câu hỏi cho Ths. Phan Văn Giang.
Thêm vào đó, các em học sinh cần xem xét kỹ lưỡng điều kiện gia đình (tài chính, mối quan hệ và truyền thống nghề) để xác định tốt nhất định hướng nghề nghiệp tương lai. Ngoài ra, học sinh và phụ huynh cần quan tâm, tìm hiểu nhu cầu xã hội trong tương lai 5 năm, 10 năm tới; triển vọng và nhu cầu nhân lực của các ngành như thế nào. Bởi lẽ, lựa chọn nghề tưởng chừng khó khăn nhưng thực chất chỉ là bước khởi đầu, khi ra trường các em sẽ phải mất 4-5 năm nữa mới thật sự tìm được nơi mình thuộc về.
Các bạn học sinh trường THPT Chuyên Huỳnh Mẫn Đạt (Kiên Giang) tham gia sôi nổi buổi tư vấn hướng nghiệp.
Tiếp nối buổi tư vấn là phần chia sẻ, đặt câu hỏi đến từ chính các bạn học sinh về những vấn đề đang trăn trở. Tiêu biểu như câu hỏi về việc liệu bằng cấp hiện nay có còn quan trọng và liệu nó có ảnh hưởng gì đến quá trình xin việc hay không. Theo ThS. Phan Văn Giang, chuyện bằng cấp cao sẽ được xã hội xem trọng nhiều hơn đã là câu chuyện thuộc về thế hệ trước. Trong xu thế phát triển và hội nhập ngày nay, kiến thức, kỹ năng và thái độ mới là yếu tố quyết định cơ hội thành công, ghi điểm trong mắt các nhà tuyển dụng.
Ngoài ra, cũng có một số bạn bày tỏ sự mơ hồ của bản thân trước việc lựa chọn ngành nghề như thế nào cho đúng. ThS Giang đã đưa ra một số lời khuyên cho các bạn chẳng hạn như: Lắng nghe những chia sẻ, nhận xét về bản thân từ những người xung quanh ví dụ như bố mẹ, bạn bè, thầy cô,… sau đó ghi chú lại, suy ngẫm và sửa đổi để bản thân ngày một phát triển theo chiều hướng tích cực hơn…
Thông qua phần chia sẻ nhiệt tình của ThS. Phan Văn Giang, các em học sinh lớp 12 chắc hẳn đã tiếp thu được những kiến thức bổ ích liên quan đến nghề nghiệp và trang bị cho mình hành trang vững chắc trong bước đường tiến đến tương lai.