TS. Trương Văn Phước: Ngành tài chính – Ngân hàng đầy triển vọng
Là diễn giả ngày hội Hướng nghiệp 2019 – 2020 với chủ đề “Định hướng nghề nghiệp trong kỷ nguyên 4.0” do trường Đại học Hoa Sen (HSU) tổ chức, Tiến sĩ Trương Văn Phước – Thành viên Tổ tư vấn kinh tế Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, cố vấn cho Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín (Vietbank) đã có bài thuyết trình rất thú vị.
Tiến sĩ Trương Văn Phước tại ngày hội Hướng nghiệp.
Mở đầu bài thuyết trình, TS. Trương Văn Phước giới thiệu với các học sinh, sinh viên quyển sách xuất bản cách nay hơn 40 năm: “Nói với tuổi hai mươi” của Thiền sư Thích Nhất Hạnh. TS. Phước cho biết: “Quyển sách là tự sự của người anh lớn tuổi chia sẻ lại những kiến thức, kinh nghiệm, đặc biệt là những lý tưởng của một con người sống trong một đất nước, một xã hội. Tôi nghĩ rằng đó là điều rất quan trọng đối với những bạn trẻ hôm nay, đặc biệt là chúng ta ở độ tuổi 20, được giáo dục, được những điều kiện tiếp cận với nền văn minh, chúng ta suy nghĩ điều gì?”.
“Không có bất kỳ sự lựa chọn nào là sai lầm”
Chia sẻ với các bạn học sinh phổ thông chuẩn bị bước vào đại học chủ đề hướng nghiệp để lựa chọn trường đại học để có thể đi tiếp con đường của mình, TS Phước cho biết: “ngắn – dài, thành công hay thất bại chưa ai nói trước được điều gì” nhưng điều mà những người lớn tuổi như ông chia sẻ với các bạn trẻ rằng “Không có bất kỳ sự lựa chọn nào là sai lầm”. Ông dùng câu chuyện của chính mình làm minh chứng cho quan điểm này: “Các bạn có biết tôi đã làm trong lĩnh vực tài chính ngân hàng gần 40 năm nhưng tôi không được đào tạo ngành tài chính ngân hàng, đó là một điều rất thực”. TS. Phước cũng cho biết, ông tốt nghiệp chuyên Toán của một trường đại học tổng hợp và ông chia sẻ với các bạn trẻ rằng “không sao cả, quan trọng là chúng ta có quyết tâm và ý chí”.
Theo ông, giáo dục của một con người không phải kết thúc ở bất cứ một cổng trường nào, ngay cả cổng trường đại học. “Điều quan trọng là chúng ta trang bị cho mình kiến thức gì? Kiến thức thì dễ, nhưng đặc biệt là chúng ta trang bị cho mình một tâm hồn sống với nhân dân mình, với đất nước mình đó mới là điều quan trọng”, TS. Phước nhấn mạnh. Ông mong muốn các bạn trẻ sẽ không bị ám ảnh hay đặt nặng một sự lựa chọn tối ưu trong giáo dục, hay hướng nghiệp hay trong lựa chọn một trường đại học nào.
Với hướng nghiệp, TS. Phước cho rằng các trường đại học của chúng ta ngày nay cần làm tốt hơn câu chuyện gắn kết với nhu cầu thực tế. Trước những thông tin về cách mạng 4.0, ông cho biết: “Chúng ta không nên chú trọng với cuộc công nghiệp 4.0, vì giáo dục là một khái niệm rộng lớn hơn rất nhiều và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 cũng chỉ là một giai đoạn trong sự tiến triển của lich sử con người, quan trọng là ý thức của chúng ta trong quá trình hướng nghiệp như thế nào”.
“Việt Nam là thị trường đầy triển vọng lớn”
Về sự phát triển và nhu cầu nhân lực của ngành Tài chính – Ngân hàng trong tương lai, TS. Trương Văn Phước cho biết đây là ngành đầy triển vọng. “Thị trường tài chính Việt Nam đang phát triển ở giai đoạn bậc thấp, thị trường tiền tệ cũng chưa phải là thị trường vốn, có gần 300.000 nhân viên trong lĩnh vực này và có gần 50 ngân hàng thương mai, quỹ đầu tư, các công ty chứng khoán,… Điều này có thể nói Việt Nam là thị trường đầy triển vọng lớn”, ông cho biết.
Theo nhiều nhận định trên mạng cho rằng, với sự phát triển như vũ bão của cuộc Cách mạng 4.0, người ta không còn cần những con người cụ thể trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, nhưng TS. Phước cho rằng đây là một nhận định thiếu chính xác, vì một thị trường tài chính phát triển sẽ hứa hẹn rất nhiều những con người có đầy đủ kiến thức không chỉ riêng trong lĩnh vực ngân hàng. Ông cho biết, thành phố Hồ Chí Minh đang có mong muốn trở thành một trong những trung tâm tài chính, tiền tệ của khu vực và thế giới trong 10-20 năm tới. Đây là một nhu cầu hết sức chính đáng và có cơ sở vì thành phố Hồ Chí Minh nói riêng cũng như Việt Nam nói chung có rất nhiều điều kiện để phát triển thị trường tài chính.
Kết lại bài thuyết trình, TS. Phước một lần nữa nhắn nhủ với các bạn trẻ: “Không có bất kỳ sự lựa chọn nào là sai lầm trong cuộc đời này, theo nghĩa là sự lựa chọn đó có thể phù hợp với chúng ta lúc này nhưng chưa phù hợp với chúng ta ở lúc khác; nhưng chúng ta phải có ý chí quyết tâm và đi đến tận cùng ngành nghề mà mình đã lựa chọn để tìm thấy đam mê để theo đuổi nó. Không có con người nào hoàn toàn hài lòng với công việc của mình bởi vì cuộc đời hết sức tương đối. Các bạn phải học thật giỏi và nếu chọn chưa phù hợp thì các bạn có thể lựa chọn lại và cuộc đời là một con đường dài”.
HSU đào tạo ngành Ngành Tài chính – Ngân hàng với các chuyên ngành: Tài chính doanh nghiệp, Kinh doanh ngân hàng, Tài chính quản trị toàn cầu. Chương trình học trang bị cho sinh viên các kiến thức và kỹ năng cơ bản: Công cụ phân tích định lượng; Nguyên lý quản trị và kinh tế học cơ bản; Nguyên lý quản trị tài chính, ngân hàng, bảo hiểm rủi ro và đầu tư; Phương pháp định giá doanh nghiệp, trái phiếu, cổ phiếu, quản lý và phân tích danh mục đầu tư; Phương pháp thẩm định dự án đầu tư, thẩm định hồ sơ vay vốn, đánh giá các rủi ro tín dụng, Quy trình tín dụng và quản lý tín dụng; Các nghiệp vụ ngân hàng khác như bảo lãnh, chiết khấu, bao thanh toán, cho thuê tài chính. Năm 2015, ngành Tài chính – Ngân hàng HSU là một trong 5 ngành đào tạo bậc đại học đầu tiên ở Việt Nam được Hội đồng Kiểm định các Trường và Chương trình Đào tạo về Kinh doanh (ACBSP) của Hoa Kỳ công nhận đạt chuẩn chất lượng giáo dục. |