ThS. Phan Văn Giang chia sẻ ‘bí kíp’ chọn ngành, chọn nghề cho học sinh
Thạc sĩ Phan Văn Giang – chuyên gia hướng nghiệp trường Đai học Hoa Sen (HSU) đã có những chia sẻ với học sinh và phụ huynh về cách chọn ngành, chọn nghề, chọn trường trong ngày hội Hướng nghiệp 2019 -2020 với chủ đề “Định hướng nghề nghiệp trong kỷ nguyên 4.0” do HSU tổ chức ngày 2/11/2019 tại Nhà thi đấu Nguyễn Du, TP.HCM.
ThS. Phan Văn Giang – chuyên gia hướng nghiệp HSU.
Tại ngày hội, trước câu hỏi về việc thứ tự chọn ngành – nghề – trường của ThS. Giang, đa số các em học sinh đều cho rằng chọn ngành trước rồi đến chọn nghề, sau đó mới đến chọn trường. Tuy nhiên, ThS. Giang đã giúp các học sinh nhận ra nghề là “con” của ngành và nên chọn nghề trước tiên. Theo ThS. Giang, học sinh và phụ huynh cần lưu ý chọn theo thứ tự: chọn nghề, chọn ngành rồi mới đến chọn trường. Các em học sinh cũng cần lưu ý biết rõ bản thân mình là ai, thích gì, muốn gì, năng lực thế nào. Nói về năng lực, nhiều học sinh vẫn còn mơ hồ và ThS. Giang chỉ ra rằng, năng lực chính là kiến thức thật, kỹ năng (nhất là kỹ năng giao tiếp) và thái độ của các em. Tiếp đến, các em học sinh cần lưu ý điều kiện gia đình (tài chính, mối quan hệ và nghề truyền thống) để hướng nghiệp cho tốt. Ngoài ra, học sinh và phụ huynh cần quan tâm đến nhu cầu xã hội trong tương lai 5 năm, 10 năm tới triển vọng và nhu cầu nhân lực như thế nào bởi chọn nghề hôm nay nhưng ra trường đi làm thì phải mất 4-5 năm nữa.
Để đưa ra lựa chọn tối ưu nhất, học sinh và phụ huynh cần chọn được điểm giao thoa giữa 3 điều kiện: năng lực bản thân (thích gì, muốn gì, sở trường…) điều kiện gia đình và nhu cầu xã hội. Tuy nhiên, trong trường hợp không tìm được điểm chung này thì các bạn học sinh có thể chọn nghề, chọn ngành theo sở thích và năng lực của bản thân rồi khắc phục những thứ còn lại.
ThS. Giang cũng mượn hình ảnh chiếc ba lô tri thức để chia sẻ với học sinh về điều kiện để thành công trong kỷ nguyên 4.0: thái độ chính là cái quai xách quan trọng nhất của ba lô, tiếp đến là công nghệ và ngoại ngữ quan trọng như 2 cái quai đeo ba lô, kiến thức là cái ruột của ba lô và kỹ năng là 2 chiếc túi tiện ích hai bên của chiếc ba lô.
Những chia sẻ hài hước và dễ hiểu của ThS. Phan Văn Giang đã đem đến không khí sôi động cho ngày hội hướng nghiệp. Hy vọng những chia sẻ này sẽ giúp các học sinh có định hướng hướng nghiệp rõ ràng hơn trước những lựa chọn để bước vào cánh cửa đại học sắp tới.