Tài chính định lượng: Nghề mới giàu lợi thế cạnh tranh
Nếu mong muốn tạo dựng sự nghiệp trong ngành Tài chính, Đầu tư, Thống kê kinh doanh, Tài chính định lượng là một lựa chọn hấp dẫn cho bạn! Để hiểu rõ hơn về nghề này, chúng tôi có cuộc trao đổi với Th.S Nguyễn Bá Hùng – Giảng viên bộ môn Toán ứng dụng, Trường ĐH Hoa Sen.
Th.S Nguyễn Bá Hùng (bên phải) – giảng viên bộ môn Toán ứng dụng, Đại học Hoa Sen.
Nhiều học sinh hiện nay vẫn còn khá bỡ ngỡ khi nghe tới Tài chính định lượng, xin ông giới thiệu đôi nét về ngành này?
Tài chính định lượng là sử dụng công cụ Toán học nhằm mô hình hóa các sản phẩm, giao dịch trong thị trường tài chính, đồng thời phân tích, triển khai và vận hành các mô hình này sao cho hoạt động đầu tư đạt lợi nhuận như mong muốn với rủi ro có thể kiểm soát được.
Chữ “Định lượng” ở đây phân biệt ngành này với các ngành khác trong Kinh tế, Tài chính, khác hẳn cách tiếp cận vấn đề và kết quả đầu ra.
Có thể nói Tài chính định lượng là cầu nối đặc biệt quan trọng không chỉ giữa hai khối kiến thức tài chính và tính toán lập trình mà còn giữa đào tạo và nhu cầu nhân sự, giúp sinh viên có được chỗ đứng vững chắc trong các vị trí then chốt của doanh nghiệp.
Đây là một ngành học mới hấp dẫn và đầy hứa hẹn ở Việt Nam, tuy nhiên cũng là ngành học khá thách thức, đòi hỏi các bạn có phải tố chất và đam mê để khẳng định bản thân mình trong thị trường tài chính.
Sinh viên ngành Toán ứng dụng – ĐH Hoa Sen.
Chuyên viên phân tích định lượng cần trang bị kiến thức và kỹ năng như thế nào?
Trong những năm gần đây, đặc biệt là giai đoạn sau khủng hoảng và tương lai 5 năm nữa, việc quản lý rủi ro trong hoạt động đầu tư, xếp hạng tín dụng sẽ được đẩy mạnh. Các công ty tài chính, ngân hàng khi tuyển chuyên viên tài chính thường yêu cầu nhân sự phải thông thạo nhiều kỹ năng như: thống kê, phân tích cơ bản, thiết lập mô hình, lập trình mô phỏng và quản lý rủi ro.
Chuyên viên phân tích định lượng cần đáp ứng được yêu cầu khá cao trong độ phức tạp về mặt kỹ thuật và xử lý số liệu, do đó vị trí này đòi hỏi sự đào tạo bài bản. Đây là nền tảng quan trọng để tạo dựng nghề nghiệp vững chắc.
Học Toán là điều chắc chắn khi muốn theo đuổi nghề nghiệp này. Ở đây, Tài chính định lượng thiên về Toán ứng dụng. Việc ứng dụng Toán cần chúng ta trau dồi thêm các lĩnh vực mà mình muốn áp dụng và các công cụ hỗ trợ xây dựng ứng dụng. Cho nên, ngành học này rất thú vị và không quá khó hay khô khan như các bạn nghĩ.
Xuất hiện chưa lâu và vẫn còn khá mới mẻ tại Việt Nam, vậy cơ hội nghề nghiệp của ngành Tài chính định lượng ra sao, thưa ông?
Hiện nay nhân sự lĩnh vực Phân tích định lượng đang có lợi thế cạnh tranh rất lớn trên thị trường lao động.
Trong bối cảnh nhiều sinh viên các ngành Tài chính – Ngân hàng, Quản trị kinh doanh ra trường thiếu kiến thức lập trình và thống kê, phải đào tạo lại hàng loạt, Phân tích định lượng “lấp đúng chỗ trống” mà các doanh nghiệp bị hổng khi cung cấp nền tảng vững chắc về các khối kiến thức chuyên biệt trong thiết lập mô hình, đo lường, quản lý rủi ro tài chính. Điều này đáp ứng được yêu cầu công việc ở ngân hàng, quỹ đầu tư, công ty chứng khoán, công ty xử lý số liệu – dự đoán thị trường, công ty bảo hiểm…
Đội tuyển Toán ứng dụng ĐH Hoa Sen tham dự cuộc thi Olympic Toán học sinh viên toàn quốc lần thứ 23.
Thí sinh muốn theo đuổi nghề nghiệp trong lĩnh vực Tài chính định lượng có thể theo học tại đâu thưa ông?
Ở Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng, các bạn trẻ yêu thích Toán học và Tài chính, muốn nắm bắt cơ hội nghề nghiệp hấp dẫn với vị trí chuyên viên phân tích định lượng hoặc xử lý rủi ro tài chính có thể theo học chuyên ngành Hệ thống thông tin tài chính, thuộc ngành Toán ứng dụng, Đại học Hoa Sen.
Chương trình đào tạo chuyên ngành này xây dựng theo hướng kết hợp giữa Toán và Tài chính. Bên cạnh việc trang bị những kiến thức, kỹ năng, phương pháp vận hành trong lĩnh vực ứng dụng, cũng như các giải pháp hiện đại học tập từ các quốc gia tiên tiến trên thế giới, chương trình chú trọng cung cấp nền tảng Toán học hiện đại để giải quyết vấn đề trong lĩnh vực ứng dụng một cách tối ưu, hiệu quả, ví dụ như: thiết lập mô hình tài chính, tối ưu hóa danh mục đầu tư, quản lý định lượng rủi ro tài chính, phân tích chuỗi thời gian tài chính… Qua đó, sinh viên có khả năng xây dựng các mô hình mô phỏng danh mục đầu tư, đo lường rủi ro và dự đoán được lợi nhuận của danh mục.
Ngoài ra, sinh viên chuyên ngành Hệ thống thông tin tài chính được đào tạo tiếng Anh bài bản ở nhiều cấp độ, phát triển khả năng ngoại ngữ một cách vững chắc nhằm đón đầu xu thế hội nhập thị trường lao động ASEAN từ năm 2015. Hầu hết các môn chuyên ngành đều giảng dạy bằng tiếng Anh, đồng thời lồng ghép sử dụng các phần mềm xây dựng mô hình, mô phỏng thực tế. Hai kỳ thực tập toàn thời gian tại doanh nghiệp trong suốt 4 năm học cũng góp phần giúp các em trau dồi kinh nghiệm, điều chỉnh bản thân đáp ứng nhu cầu của nhà tuyển dụng.
Năm 2015, Đại học Hoa Sen tuyển sinh bằng cách xét tuyển với 5 phương thức đa dạng. Đây là một cơ hội rộng mở với các em thí sinh có khả năng.
Xin cảm ơn ông!
Theo Hà An
(Nguồn: Dân trí, ngày 15/06/2015)