Tài chính – bảo hiểm: cần nhiều nhân lực trình độ ĐH
Nhu cầu nhân lực nhóm ngành này khoảng 11.000 người mỗi năm, trong đó nhu cầu tuyển dụng người có trình độ ĐH chiến trên 42%.
Ngành Tài chính – Tín dụng – Ngân hàng – Bảo hiểm sẽ tập trung phát triển sản phẩm tài chính, định chế tài chính và thị trường tài chính. Về sản phẩm tài chính, hiện đại hóa hệ thống thanh toán, khuyến khích người dân sử dụng hệ thống tài khoản và các loại thẻ điện tử trong giao dịch, giảm thiểu giao dịch bằng tiền mặt. Phát triển các sản phẩm tài chính phát sinh và các công cụ nợ của thị trường tài chính.
Về định chế tài chính, ngoài hệ thống ngân hàng, sẽ đẩy mạnh phát triển hệ thống tài chính phi ngân hàng như thị trường chứng khoán, các loại quỹ đầu tư, các tổ chức bảo hiểm. Khuyến khích quá trình sáp nhập của các ngân hàng thương mại trên địa bàn để tăng năng lực cạnh tranh. Xây dựng các tổ chức tài chính công vững mạnh.
Về thị trường, khuyến khích mở rộng thị trường ra cả nước và bước đầu tham gia vào thị trường vốn quốc tế như niêm yết ở thị trường chứng khoán nước ngoài, phát hành trái phiếu ra thị trường thế giới, mở chi nhánh ngân hàng ra các nước lân cận như Campuchia, Lào…
Dự báo nhu cầu chỗ việc làm trống bình quân hàng năm của ngành Tài chính – Tín dụng – Ngân hàng – Bảo hiểm khoảng 10.800 người chiếm khoảng 4% tổng nhu cầu nhân lực. Nhu cầu nhân lực qua đào tạo của ngành Tài chính – Tín dụng – Ngân hàng – Bảo hiểm chiếm khoảng 94,77%.
Trong đó nhu cầu nhân lực trình độ sơ cấp và không bằng chiếm 10,55%; nhu cầu nhân lực trình độ trung cấp chiếm khoảng 21,82%; nhu cầu trình độ cao đẳng chiếm 10,81%; nhu cầu trình độ đại học chiếm 42,21%, nhu cầu trình độ trên đại học chiếm 9,38%.
Minh Giảng
(Nguồn: Tuổi trẻ, ngày 27/05/2016)