Nhu cầu nhân lực lĩnh vực nông, lâm, ngư ở địa phương sẽ tăng trong những năm tới
Theo Quy hoạch phát triển nhân lực Việt Nam tới năm 2020 đã được Chính phủ thông qua, ở vùng Trung du và miền núi phía bắc, giai đoạn 2011- 2020, tập trung đào tạo cho các lĩnh vực mũi nhọn, chủ lực như: sản xuất, chế biến các loại nông, lâm sản, đặc sản chất lượng và giá trị kinh tế cao, công nghiệp khoáng sản, thủy điện, cơ khí, chế tạo và lắp ráp điện tử, công nghiệp vật liệu, du lịch…
Vùng Tây nguyên tập trung đào tạo đủ nhân lực cho các lĩnh vực trọng điểm, mũi nhọn như: thủy điện, khai thác khoáng sản, chế biến nông, lâm sản, nhân lực kỹ thuật cho phát triển ngành trồng cây công nghiệp, phát triển đào tạo nhân lực tại chỗ cho các ngành dịch vụ.
Vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung tập trung đào tạo nhân lực đủ số lượng và đáp ứng yêu cầu về chất lượng cho các ngành và lĩnh vực mũi nhọn, chủ lực: công nghiệp lọc, hóa dầu, cơ khí, chế tạo và lắp ráp thiết bị điện-điện tử, công nghiệp công nghệ cao; công nghiệp chế biến thủy, hải sản xuất khẩu…
Vùng Đồng bằng sông Cửu Long tập trung đào tạo nhân lực có chất lượng cao cho các ngành, lĩnh vực: công nghiệp chế biến nông lâm, thủy hải sản xuất khẩu, chế biến rau quả, chế biến thịt, cơ khí phục vụ nông nghiệp và công nghiệp chế biến nông sản, cơ khí sửa chữa, điện, điện tử, công nghệ thông tin, hóa chất, dược phẩm, công nghiệp dệt may, da giày…
Là nước nông nghiệp với nhiều lợi thế từ các sản phẩm nhiệt đới nhưng để biến tiềm năng đó thành hiện thực, làm động lực cho phát triển nền nông nghiệp hàng hóa lớn, sản phẩm có khả năng cạnh tranh thì việc đầu tư vào quá trình đào tạo nguồn nhân lực là cần thiết. Trước mắt, một số ngành học thuộc khối nông nghiệp không hấp dẫn nhưng tương lai đây sẽ là nghề tạo ra cơ hội việc làm lớn nhất. Hy vọng các thí sinh có thể dựa theo bảng quy hoạch này; cân nhắc, tính toán thật kỹ để lựa chọn ngành nghề cho phù hợp.
TT