Nghiên cứu trí tuệ nhân tạo bậc đại học tại Việt Nam
“Nhận diện người”, “Nhận diện món ăn Việt Nam”, “Theo dõi các chỉ báo sức khỏe”… là tên các đồ án chuyên ngành liên quan đến công nghệ AI – “trí tuệ nhân tạo”, vừa được thực hiện thành công bởi các nhóm sinh viên đến từ trường Đại học Hoa Sen. Những sản phẩm này đã góp phần thúc đẩy hướng nghiên cứu mới về ứng dụng “trí tuệ nhân tạo” trong thời đại số hóa tại Việt Nam.
Công nghệ AI, con đường tới kỷ nguyên “siêu trí tuệ”
“Trí tuệ nhân tạo” hay “trí thông minh nhân tạo” (Artificial Intelligence hay Machine Intelligence – AI) là trí tuệ do con người lập trình nên với mục tiêu giúp máy tính có thể tự động hóa các hành vi thông minh như con người. Loại ứng dụng này khác với việc lập trình logic trong các ngôn ngữ lập trình ở chỗ chúng sẽ dùng “học máy” (Machine Learning) để mô phỏng trí tuệ của con người trong những hoạt động xử lý mà con người làm tốt hơn máy tính. Cụ thể, trí tuệ nhân tạo giúp máy tính thực hiện được những việc như: biết suy nghĩ và lập luận để giải quyết vấn đề; biết giao tiếp do hiểu ngôn ngữ, tiếng nói; biết học và tự thích nghi…
Nhiều nhà khoa học quốc tế nhận định, trong vòng 5 đến 10 năm tới đây, “trí tuệ nhân tạo” sẽ đạt tới đỉnh cao. Và trong chưa đầy 50 năm nữa, công nghệ AI sẽ thay thế lao động của con người trong nhiều công việc. Có thể nói, làn sóng trí tuệ nhân tạo đang nâng tầm cuộc sống con người với nhiều giải pháp công nghệ mang tính đột phá. Chúng giúp giải phóng sức lao động để con người có thể khai thác những tiềm năng mới sáng tạo và thú vị hơn.
Tuy nhiên đi kèm với lợi ích và sự tiện dụng đó, trong tương lai loài người sẽ phải đối mặt và tranh giành cơ hội việc làm với… người máy. Vì vậy, giáo dục đại học đóng vai trò rất quan trọng trong việc đào tạo ra những sinh viên có thể đối đầu với sự kiện này.
Nhiều cơ hội học tập, nghiên cứu về AI tại Việt Nam
PGS.TS Vũ Tường Thụy, Phó Hiệu trưởng, trường ĐH Hoa Sen cho biết: “Đứng trước tốc độ phát triển đến chóng mặt của công nghệ như hiện nay, đào tạo đại học tại Việt Nam cũng bắt buộc phải có những thay đổi nhất định. Khoa Khoa học & Kỹ thuật, ĐH Hoa Sen xác định “trí tuệ nhân tạo” AI sẽ là hướng nghiên cứu ứng dụng mũi nhọn của khoa, bộ môn và ngành trong thời gian tới”.
PGS.TS Vũ Tường Thuỵ (trái) và GS.Nick Jennings, diễn giả Hội thảo Human-Artificia Intelligence Partnerships từ Đại học Imperial London (Anh Quốc)
PGS.TS Thụy cho biết thêm, song song với hoạt động nghiên cứu ứng dụng, các trường đại học cũng cần chú trọng đẩy mạnh hoạt động ngoại khóa từ các câu lạc bộ (CLB), nhằm tạo điều kiện cho sinh viên trau dồi kiến thức chuyên môn, kích thích sự sáng tạo, trải nghiệm, nắm bắt và làm chủ xu hướng công nghệ qua các đồ án và sản phẩm thực tế. Sinh viên Hoa Sen đam mê công nghệ có thể lựa chọn tham gia các hoạt động tại nhiều CLB khác nhau, như CLB lập trình web, CLB lập trình ứng dụng điện thoại thông minh, CLB lập trình trò chơi điện tử… Bên cạnh đó là các buổi workshop chuyên ngành với sự tham gia của các nhà khoa học hàng đầu thế giới về công nghệ AI. Gần đây nhất, hội thảo Human-Artificia Intelligence Partnerships (4/2018) với diễn giả là GS.Nick Jennings từ Đại học Imperial London (Anh Quốc); hay hội thảo Deep Learning với phần diễn thuyết từ GS. Yungcheol Byun, Đại học Quốc Gia Jeju (Hàn Quốc)… đã được tổ chức tại trường ĐH Hoa Sen.
Giảng viên của Khoa CNTT trường ĐH Hoa Sen
Hiện nay, Khoa Công nghệ thông tin trường Đại học Hoa Sen đang đào tạo 3 chuyên ngành về CNTT: Công nghệ thông tin, Kỹ thuật phần mềm, Mạng máy tính và Truyền thông dữ liệu. Sinh viên được học tập trong một môi trường hiện đại và chất lượng cao. Hợp tác quốc tế cũng là một trong các hoạt động mà Khoa luôn chú trọng để nâng cao chất lương nghiên cứu khoa học của giảng viên và sinh viên. Vừa qua, hai sinh viên và một giảng viên của Khoa đã vinh dự được ĐH Quốc gia Jeju (Hàn Quốc) mời tham gia “Trại Nghiên cứu Hệ thống Học máy Châu Á” (Asia Machine Learning Camp) từ ngày 23/7 đến 07/8/2018. Hai sinh viên đó là Lưu Tấn Nguyên đang theo học ngành kỹ thuật phần mềm, và Dư Nghĩa Hiệp đang theo học ngành công nghệ thông tin, cùng khóa 2015. Hai bạn sẽ hoàn thiện hai dự án có tính ứng dụng cao, với sự hỗ trợ từ các chuyên gia máy tính đến từ nhiều tập đoàn công nghệ nổi tiếng trên thế giới.
Sinh viên Lưu Tấn Nguyên cho biết, bạn sẽ thực hiện dự án ứng dựng công nghệ AI vào việc đánh giá chất lượng giảng dạy trong lớp học. Một chương trình sẽ được xây dựng để thu thập hình ảnh từ camera phòng học, tiến hành phân tích biểu cảm khuôn mặt và áp dụng Machine Learning để có thể biết được chất lượng của buổi học đó. Một lớp học được đánh giá là chất lượng, đầy hứng thú sẽ được thể hiện bởi kết quả phân tích từ nét mặt vui tươi phấn khởi của các bạn sinh viên trong lớp. Ngược lại, khi các học viên không tập trung, buồn ngủ thì hệ thống sẽ thông báo kết quả đánh giá đó là một lớp học nhàm chán.
Có thể thấy, trong xu hướng Cách mạng Công nghiệp 4.0 và cuộc phát động đổi mới sáng tạo khoa học công nghệ thì mô hình đại học sẽ đi theo hướng đổi mới sáng tạo là tất yếu. Nghiên cứu ứng dụng “trí tuệ nhân tạo” được nhiều nhà khoa học dự đoán sẽ trở thành một trong những ngành học “hot” ở tương lai.