Ngành Lịch sử – Hiểu quá khứ để xây dựng đất nước
Nhà sử học nghiên cứu các sự kiện, hoạt động của con người đã diễn ra trong quá khứ, để từ đó rút ra kết luận cho từng thời kỳ hay cả quá trình lịch sử. Từ những kết luận này, họ có thể đưa ra những bài học kinh nghiệm, những dự báo cho tương lai… Phạm vi nghiên cứu của họ rất rộng, từ lịch sử các quốc gia, khu vực hay lịch sử thế giới, nghiên cứu từng giai đoạn hay cả quá trình phát triển lịch sử, cũng có khi đi sâu vào từng sự kiện, từng nhân vật lịch sử cụ thể.
Công việc của nhà sử học
– Xem xét, đánh giá và làm sáng tỏ những sự kiện lịch sử đã xảy ra trong quá khứ, những nhân vật lịch sử bằng cách khai thác thông tin qua các nguồn sử liệu như: di tích lịch sử, hiện vật trong bảo tàng, thư tịch cổ, các sáng tác dân gian (truyền thuyết, cao dao, hò vè), phong tục tập quán, hồi ký, nhật ký, thư từ, báo chí, các cuộc phỏng vấn, các công trình nghiên cứu của các nhà sử học khác.
– Tìm và đọc các nguồn sử liệu để lấy thông tin, sau đó sắp xếp lại và kiểm tra tính chính xác của thông tin, từ đó đưa ra các kết luận.
– Giới thiệu kết quả nghiên cứu qua các tạp chí chuyên ngành, các công trình nghiên cứu, các bài giảng.
– Nghiên cứu tại các viện, trung tâm nghiên cứu, cố vấn cho các kế hoạch, chương trình có liên quan đến lịch sử, giảng dạy lịch sử tại các trường học.
– Mỗi nhà sử học thường nghiên cứu sâu về một lĩnh vực, hay một giai đoạn lịch sử nhất định như lịch sử văn hóa, lịch sử Nhà nước pháp luật, lịch sử Việt Nam cổ trung đại, lịch sử Việt Nam cận đại v.v… bởi lịch sử rất rộng lớn, không thể nghiên cứu hết các giai đoạn, các phương diện được.
Điều kiện làm việc và cơ hội nghề nghiệp
Nhà sử học có thể là nhà nghiên cứu lịch sử tại các viện nghiên cứu, giảng viên tại các trường đại học, cao đẳng hoặc giáo viên tại các trường phổ thông. Họ cũng có thể làm việc trong các bảo tàng, các nhà xuất bản, các tòa soạn báo, các cơ quan hành chính Trung ương và địa phương. Họ làm cố vấn cho việc hoạch định các chính sách phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội v.v… Các chương trình truyền hình, các tour du lịch… cũng thường sử dụng các nhà sử học với vai trò cố vấn.
Công việc của nhà sử học diễn ra ở rất nhiều nơi:
– Trong phòng nghiên cứu để phân tích, tổng hợp và đối chiếu, so sánh các nguồn sử liệu với nhau, nhằm tìm ra câu trả lời chính xác cho các sự kiện.
– Tham gia các cuộc khai quật khảo cổ học, tìm kiếm các hiện vật khảo cổ để phân tích, làm sáng tỏ những sự kiện, nhân vật lịch sử có liên quan.
– Tham gia các cuộc điền dã dân tộc học để tìm hiểu phong tục tập quán, đời sống kinh tế, xã hội, văn hóa của một tộc người.
– Tham gia các hội thảo, các chương trình hợp tác nghiên cứu trong và ngoài nước. Cũng có khi họ tham gia thực hiện các chương trình phát thanh, truyền hình để làm sáng tỏ một vấn đề lịch sử đang được quan tâm.
– Luôn luôn trau dồi kiến thức trên mọi lĩnh vực, tìm tòi các nguồn tư liệu mới trong các thư viện, các trung tâm lưu trữ, trung tâm nghiên cứu cũng như trong các cuộc khảo sát thực tế bổ sung cho công trình nghiên cứu của mình.
Phẩm chất và kỹ năng cần thiết
– Ưa tìm tòi, khám phá, tư duy phân tích và tổng hợp
– Có niềm đam mê với việc tìm hiểu sự phát triển trong đời sống nhân loại.
– Có kiến thức sâu rộng về nhiều mặt, nhất là lịch sử.
– Ham học hỏi.
– Có trí nhớ tốt, sức khỏe tốt.
Một số địa chỉ đào tạo
Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội và ĐH Quốc gia TP.HCM), ĐH Khoa học Huế, ĐH Quy Nhơn, ĐH Sư phạm I và II Hà Nội, ĐH Sư phạm TP.HCM, ĐH Đà Lạt v.v…Trong các khoa Lịch sử của các trường này lại được chia ra làm nhiều chuyên ngành như Lịch sử Thế giới, Lịch sử cổ – Trung đại Việt Nam, Lịch sử Đảng… 2 năm đầu thì các bạn vẫn học chương trình đại cương giống nhau, sau đó khi phân ra các chuyên ngành thì mới học chương trình khác nhau. Các sinh viên theo học chuyên ngành Lịch sử Đảng ở trường ĐH KHXH&NV TP.HCM sẽ được miễn học phí. Các sinh viên học giỏi sẽ được tham gia thi tuyển vào lớp của nhân tài năng của khoa.
(Theo Hieuhoc.com)