Kỹ thuật phần mềm: Gắn liền với cách mạng công nghiệp 4.0
Với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, thị trường việc làm cho nhóm ngành công nghệ thông tin đặc biệt là kỹ sư phần mềm, phát triển ứng dụng sẽ liên tục phát triển trong nhiều năm tới. Đây được xem là nhóm ngành ” miễn dịch” với sự suy thoái kinh tế.
Nghề “thời thượng”
Ngành kỹ thuật phần mềm là một ngành chuyên sâu của ngành công nghệ thông tin, tạo ra những quy trình, những phần mềm ứng dụng vào cuộc sống của con người. Với sự hỗ trợ của phần mềm, con người được giải phóng khỏi những công việc thủ công, nhàm chán, các quy trình hoạt động được tối ưu hóa, giảm thiểu các sai sót.
Hiện nay, làn sóng Tech Startups (các công ty công nghệ khởi nghiệp), khoa học dữ liệu (data science), dữ liệu lớn (big data), agri-tech (công nghê nông nghiệp) ..đang ngày một lên cao ở Việt Nam và thế giới nói chung cùng với đó là nhu cầu cập nhật và nâng cấp hệ thống cho các doanh nghiệp. Do đó cơ hội và tiềm năng cho ngành này đang rất lớn và dự báo phát triển mạnh. Khác với những lĩnh vực khác, các bạn ngành kỹ thuật, đặc biệt là ngành lập trình có rất nhiều cơ hội di chuyển và phát triển nghề nghiệp. Thậm chí, các bạn cũng có thể tạo ra cơ hội cho chính mình bằng cách tự khởi nghiệp, tự phát triển các sản phẩm ứng dụng và kêu gọi nguồn vốn đầu tư.
Theo báo cáo lương 2016 của Jobstreet.com, nhóm ngành IT/Computer – phần mềm là một trong những vị trí của ngành có mức lương cao lý tưởng. Theo đó, lương trung bình ngành CNTT của Việt Nam là 18,8 triệu đồng/tháng, đứng thứ 3/10 ngành có mức lương cao nhất tại Việt Nam.
Dù có mức lương cao và nhu cầu tuyển dụng không ít nhưng nguồn nhân lực trong ngành kỹ thuật phần mềm lại đang khá khan hiếm đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao có khả năng về chuyên môn và thành thạo ngoại ngữ.
Học để trở thành kỹ sư phần mềm chất lượng cao
Theo đuổi ngành nghề này đòi hỏi người học cần có khả năng phân tích, suy luận, tư duy logic tốt, yêu thích khoa học, thích các trò chơi trí tuệ,… và không ngừng khổ luyện, đổi mới liên tục. Hiện nay, chương trình đào tạo ngành kỹ thuật phần mềm ở các trường đại học đã được cập nhật, bắt kịp xu thế về công nghệ, tiêu chí và yêu cầu thực tế của các công ty, không còn nặng tính lý thuyết hàn lâm. Hơn thế nữa, với nguồn tài nguyên mã nguồn mở khổng lồ trên internet, người học có thể tiếp cận và học hỏi được rất nhiều dự án thực tế với những lập trình viên giỏi ở khắp nơi trên thế giới.
Sinh viên Hoa Sen luôn được khuyến khích, cọ xát thực tế thông qua các cuộc thi về chuyên môn.
Với phương châm đào tạo theo chất lượng “thực”, trong nhiều năm qua trường ĐH Hoa Sen cũng được thị trường lao động đánh giá cao về chất lượng đào tạo và nguồn cung ứng nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực kỹ thuật phần mềm cho nhiều công ty, doanh nghiệp lớn tại Việt Nam. Điểm nổi bật của chương trình đào tạo ngành Kỹ thuật phần mềm tại ĐH Hoa Sen là khả năng thích ứng nhanh; phát triển sản phẩm thật, chạy thực tế; quy trình sản xuất linh hoạt, tinh gọn. Các môn học theo sát điều kiện hoạt động thực tế tại doanh nghiệp, cập nhât mỗi 6 tháng. Hướng chuyên sâu được cập nhật liên tục mỗi 2 năm theo yêu cầu lao động. Sinh viên có cơ hội được thực tập trên các đồ án đang triển khai tại các doanh nghiệp, môi trường học tập giả lập thực tế. Mỗi sản phẩm thực hiện phải có khách hàng và được nghiệm thu sử dụng thực tế.
Theo TS. Vũ Tường Thụy, trưởng khoa Khoa học & Kỹ thuật, trường ĐH Hoa Sen cho biết: “Chương trình sẽ giúp sinh viên phát triển các kỹ năng chuyên môn như lập trình, phân tích, thiết kế, đảm bảo chất lượng và quản lý dự án phần mềm cũng như kỹ năng mềm: ngoại ngữ, làm việc nhóm, …cần thiết để tham gia các dự án tạo ra các giải pháp phần mềm cho các vấn đề thực tiễn trong môi trường doanh nghiệp chuyên nghiệp hay khởi nghiệp.”
Sau khi tốt nghiệp chuyên ngành về kỹ thuật phần mềm sinh viên sẽ trở thành các kỹ sư hệ thống phần mềm, kỹ sư quy trình sản xuất phần mềm, quản lý dự án phần mềm công nghệ thông tin, chuyên viên phân tích thiết kế dữ liệu… Theo đó, sinh viên có cơ hội làm việc tại các công ty sản xuất, gia công phần mềm trong và ngoài nước; các bộ phận ứng dụng phần mềm của các đơn vị hành chính sự nghiệp, ngân hàng, viễn thông, hàng không….
Nguồn: Dân Trí