Kế toán – Kiểm toán, nghề kể chuyện với những con số
Đây là một ngành học rèn luyện cho bạn tính cẩn thận, chu đáo, kỹ năng phân tích và xử lý các tình huống phát sinh trong kinh tế tài chính, đặc thù mà không có ngành nào cạnh tranh được.
Phân biệt chuyên ngành Kế toán và chuyên ngành kiểm toán
Không có sự tách biệt độc lập hoàn toàn giữa hai chuyên ngành kế toán và kế toán – kiểm toán, hai chuyên ngành này có mối quan hệ rất chặt chẽ với nhau, đều xuất phát từ ngành Kế Toán. Điểm giống của hai chuyên ngành là sinh viên được đào tạo để phục vụ cho công tác kế toán, kiểm toán tại các doanh nghiệp, các cơ quan nhà nước. Điểm khác nhau là chuyên ngành kế toán đi sâu vào chuyên môn kế toán tài chính, kế toán quản trị, kế toán quốc tế trang bị cho sinh viên kiến thức để có thể công tác tốt ở các đơn vị, doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Chuyên ngành kiểm toán đi sâu đào tạo các kiến thức thuộc phạm vi kiểm toán giúp sinh viên có thể nhanh chóng tiếp cận môi trường làm việc tại các công ty kiểm toán độc lập, cơ quan kiểm toán nhà nước, vị trí kiểm toán nội bộ trong các doanh nghiệp, các tập đoàn đa quốc gia.
Để có thể công tác tốt trong lĩnh vực kiểm toán, sinh viên phải học tốt các kiến thức về kế toán và cần có thêm thời gian làm việc thực tế, sau khi tốt nghiệp Đại học cố gắng thi đạt một số chứng chỉ nghề nghiệp có giá trị cao như chứng chỉ CPA của Bộ Tài Chính Việt Nam, chứng chỉ ACCA của hiệp hội kế toán công chứng Anh, chứng chỉ CPA của Úc… Những chứng chỉ này có thể giúp kế toán – kiểm toán viên mở rộng tối đa phạm vi hoạt động của mình, nâng cao khả năng cạnh tranh nguồn nhân lực trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán của Việt Nam.
Chủ động “chọn” việc
Sau khi tốt nghiệp, sinh viên ngành Kế toán, Kiểm toán có thể làm việc được ở hầu hết các doanh nghiệp thuộc mọi lĩnh vực trong cơ quan quản lý tài chính Nhà nước, các tổ chức xã hội, tổ chức phi chính phủ. Một số vị trí hấp dẫn mà bạn có thể đảm nhiệm trong lĩn vực kế toán, kiểm toán như: kế toán viên, kiểm soát viên, nhân viên thuế, chuyên viên tư vấn tài chính, nhân viên ngân hàng, nhân viên môi giới chứng khoán, chuyên viên quản lý kênh phân phối, giảng viên, nghiên cứu viên, nhân viên phòng giao dịch và ngân quỹ, nhân viên quản lý dự án., chuyên viên kiểm toán, chuyên viên quản trị tài chính…
Đặc biệt, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 giúp người hành nghề kế toán, kiểm toán có cơ hội tiếp cận được nhiều kiến thức mới, một cách dễ dang và không bị giới hạn bởi khoảng cách địa lý. Cuộc CMCN4.0 đã và đang mang lại những lợi thế như ứng dụng công nghệ cao, kết nối vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI), robot thông minh, công nghệ blockchain, điện toán đám mây… từ đó ảnh hưởng khá lớn đến chu trình và phương pháp kế toán, kiểm toán. Cuộc cách mạng công nghiệp này dựa trên nền tảng công nghệ số, tích hợp các công nghệ thông minh để tối ưu hóa quy trình sản xuất, quy trình kinh doanh, quy trình nghiệp vụ, phương thức sản xuất trong đó có quy trình xử lý, cung cấp thông tin cho bộ phận kế toán và kiểm toán. Các nhân viên kế toán, kiểm toán có năng lực chuyên môn, kỹ năng công nghệ đều có thể thực hiện công việc của mình ở đâu trên toàn thế giới, miễn đáp ứng đủ điều kiện.
Đổi mới đào tạo, đáp ứng yêu cầu hội nhập
Số liệu thống kê của Hội Kiểm toán viên hành nghề Việt Nam (VACPA) cho biết, Việt Nam mới có khoảng 1.000 hội viên ACCA, trong khi đó, con số này trên toàn cầu là 170.000 hội viên. Điều đó cho thấy nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán của Việt Nam vẫn còn khiêm tốn.
Tại hội thảo khoa học “Kế toán Việt Nam – Tương lai và triển vọng” (05/2019, tại Hà Nội), các chuyên gia kinh tế nhận định để đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực kế toán trong thời kỳ hội nhập, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam tham gia ngày càng nhiều các hiệp định thương mại tự do, đòi hỏi người làm kế toán phải trau dồi các nghiệp vụ chuyên ngành, các kỹ năng mềm cần thiết như: Kỹ năng giao tiếp, kỹ năng trình bày, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng quản lý thời gian…Thực tiễn cũng đặt ra yêu cầu, hoạt động đào tạo, phát triển nguồn nhân lực kế toán và kiểm toán cần có sự đổi mới rất căn bản từ chương trình, nội dung và phương pháp đào tạo.
Với phương châm chú trọng thực hành cũng như khuyến khích khả năng tư duy độc lập và làm việc nhóm của sinh viên thông qua các vấn đề thực tế của doanh nghiệp, trường ĐH Hoa Sen đã lên chương trình giảng dạy theo phương pháp Anh – Việt, Anh – Anh. Tài liệu giảng dạy sử dụng hầu hết bằng tiếng Anh, được tham khảo từ những chương trình Kế toán, Kiểm toán của các trường Đại học ở các nước phát triển như Anh, Mỹ, tài liệu tham khảo sử dụng 100% bằng tiếng Anh. Chương trình cung cấp cho người hợc những kiến thức cơ bản và chuyên sâu trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán và tài chính doanh nghiệp, cụ thể: Quy trình kế toán và phương pháp hạch toán tại doanh nghiệp; Quy trình và phương pháp trong lĩnh vực kiểm toán độc lập; Hệ thống thông tin kế toán và kiểm soát nội bộ; Phân tích các số liệu kế toán để đưa ra quyết định; Kỹ năng tiếng Anh liên quan đến lĩnh vực kế toán và kiểm toán…
Năm 2020, chương trình Kế toán tại ĐH Hoa Sen tiếp tục được công nhận đạt chuẩn kiểm định quốc tế ACBSP (Hội đồng Kiểm định các trường và chương trình đào tạo về Kinh doanh, tại Mỹ). Bên cạnh đó, ĐH Hoa Sen còn có đội ngũ giảng viên có nhiều kinh nghiệm giảng dạy và công tác thực tế, tốt nghiệp trong và ngoài nước, với hơn 40% giảng viên là các kiểm toán viên, kế toán trưởng, quản lý tài chính ở các doanh nghiệp.
Yêu cầu tốt nghiệp của sinh viên ngành Kế toán tại ĐH Hoa Sen là trình độ tiếng Anh IELTS 5.0 trở lên để sinh viên có nhiều cơ hội việc làm tại các công ty liên doanh và công ty nước ngoài. Ngoài ra, đó cũng là kỹ năng cần thiết để sau khi tốt nghiệp sinh viên có thể tiếp tục học và thi đạt chứng chỉ hành nghề quốc tế như Kế toán viên công chứng – ACCA, Chứng chỉ kiểm toán viên (CPA) Việt Nam và quốc tế.
Bạn Vũ Hoàng Anh, cựu sinh viên khóa KT1311, đang làm việc tại Công ty TNHH Kiểm toán và Tư vấn A&C chia sẻ: Tại Hoa Sen, không chỉ kiến thức chuyên môn, mà kỹ năng làm việc nhóm, ngoại ngữ, thuyết trình, tư duy phản biện, kỹ năng giao tiếp cũng sẽ được trang bị một cách tối ưu cho bạn. Cùng với đó, là sự hỗ trợ, định hướng và tư vấn đầy tâm huyết từ các thầy cô. Tất cả những điều này sẽ là bước đệm lớn nhất cho các bạn có thể bắt đầu sự nghiệp một cách tốt nhất, vững vàng nhất.”