Đại học Hoa Sen

ĐẠI HỌC HOA SEN VÀ HIỆP HỘI THƯƠNG MẠI MỸ “MÁCH NƯỚC” CHO DOANH NGHIỆP VỪA VÀ NHỎ CỦA VIỆT NAM PHỤC HỒI SAU ĐẠI DỊCH

Ngày 8/11/2022, Đại học Hoa Sen phối hợp với Hiệp hội thương mại Mỹ tại Việt Nam (AmCham) và một số tập đoàn đa quốc gia của Mỹ đã phối hợp tổ chức Hội thảo “Con đường phát triển kinh tế”.

Hội thảo Con đường phát triển kinh tế mang đến nhiều thông tin hữu ích cho cộng đồng doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam

Đây là hoạt động chuyên đề tiếp nối chuỗi hội thảo chia sẻ kiến thức cho cộng đồng doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam với mục đích cung cấp thông tin một cách thiết thực nhất về nền kinh tế trong nước được phục hồi sau đại dịch COVID-19, giúp doanh nghiệp khắc phục khó khăn và đẩy mạnh phát triển sản xuất, biến thách thức thành cơ hội để phát triển nền kinh tế trong nước.

Là đơn vị đồng hành cùng AmCham tổ chức thành công sự kiện chuyên môn này, TS. Phan Võ Minh Thắng, Q. Trưởng khoa Khoa Kinh tế – Quản trị, Đại học Hoa Sen nhấn mạnh đến thực trạng nền kinh tế toàn cầu đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19 trong hơn 2 năm vừa qua, giờ đây còn phải tiếp tục đối diện với nguy cơ khủng hoảng trên diện rộng khi lạm phát ở nhiều nước đang tăng cao, xuất hiện tình trạng khan hiếm năng lượng ở nhiều nơi trên thế giới, tình trạng chuỗi cung ứng bị đứt gãy, giá cả nguyên liệu trở nên đắt đỏ, doanh nghiệp ngừng hoạt động, còn người lao động thì mất việc.

“Chính vì vậy, sự có mặt của các diễn giả có nhiều kinh nghiệm trong quản lý nhà nước, giảng dạy nghiên cứu và thực tiễn cùng tham gia thảo luận trong Hội thảo lần này là hết sức giá trị và hữu ích”, TS. Phan Võ Minh Thắng phát biểu.

TS. Phan Võ Minh Thắng – Q. Trưởng khoa Kinh tế_Quản trị phát biểu tại hội thảo

Tại hội thảo, hơn 70 đại diện các doanh nghiệp vừa và nhỏ có mặt tại hội trường Đại học Hoa Sen cùng hàng ngàn khán giả theo dõi qua livestream trực tuyến trên nền tảng Zoom đã có cơ hội lắng nghe chia sẻ của các chuyên gia đến từ Bộ Công Thương, Đại học Hoa Sen, Amazon Global Selling Việt Nam, UL Solutions Việt Nam, MasterCard và Meta.

Mang đến hội thảo phần trình bày với chủ đề “Nền kinh tế số và Chuyển đổi hóa công nghệ”, ThS. Đặng Trương Thùy Anh, Giảng viên khoa Kinh tế – Quản  đến từ Đại học Hoa Sen đã tập trung phân tích các nội dung quan trọng như: Hiện trạng chuyển đổi số tại nền kinh tế Việt Nam, các chính sách liên quan đến chuyển đổi số cũng như Hiệp định thương mại tự do Liên minh châu Âu – Việt Nam (EVFTA) tác động đến quá trình áp dụng chuyển đổi số tại Việt Nam.

EVFTA có tác động mạnh mẽ đến quá trình áp dụng chuyển đổi số tại Việt Nam

Theo ThS. Thùy Anh, tính đến cuối năm 2019, EU có 2.375 dự án đầu tư từ 27 nước Châu Âu vào Việt Nam với tổng vốn đăng ký 25,49 tỷ USD, chiếm 7,03% tổng vốn đầu tư theo đầu người. Mặc dù EU quan tâm đầu tư vào các ngành công nghệ cao, tuy nhiên, hiện đang có xu hướng tập trung nhiều hơn vào một số lĩnh vực dịch vụ như bưu chính viễn thông, tài chính, văn phòng dịch vụ và bán lẻ.

Ông Lê Đức Anh Giám đốc Trung tâm Tin học và Công nghệ số trực thuộc Bộ Công Thương đã làm rõ thêm bức tranh tổng quan về chính sách cùng định hướng của nhà nước giúp cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam có thể  tận dụng lợi thế của sự phát triển khoa học và công nghệ tại thị trường Việt Nam.

“Điều quan trọng nhất là các doanh nghiệp phải luôn sẵn sàng đặt các câu hỏi, nêu lên những khó khăn vướng mắc của mình với các cơ quan liên quan để tìm kiếm sự hỗ trợ”, ông Lê Đức Anh đưa ra lời khuyên với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, đồng thời khuyến khích các doanh nghiệp dám nghĩ và làm đúng với tư duy phát triển lớn, bền vững.

Đại diện Bộ Công thương nêu ví dụ về một số thương hiệu Việt Nam thành công nhờ áp dụng các giải pháp thương mại điện tử vào kinh doanh

Các diễn giả là chuyên gia cao cấp thuộc các tập đoàn đa quốc gia của Mỹ như Amazon Global Selling Việt Nam, UL Solutions Việt Nam, MasterCard và Meta cũng đã chia sẻ một cách cởi mở những giải pháp và cách thức hiệu quả giúp doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam có thể áp dụng để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh doanh của mình tại các sân chơi lớn trên thị trường quốc tế.

Bà Lê Bạch Tường Vân, Giám Đốc Quản lý Doanh nghiệp đang phát triển tại thị trường Việt Nam thuộc tập đoàn Meta (đơn vị sở hữu các nền tảng Facebook, Instagram, Whatsapp,…) trình bày một khái niệm mới mang tên “Thương mại khám phá”.

“Có nghĩa là, sản phẩm sẽ phải tìm cách để tiếp cận người tiêu dùng, tìm đến khách hàng chứ không chỉ đơn thuần là khách hàng phải đi tìm kiếm sản phẩm như cách làm của thương mại điện tử trước đây”, bà Lê Bạch Tường Vân giải thích.

Đông đảo doanh nghiệp tham dự hội thảo theo hình thức trực tiếp và trực tuyến

Phát biểu tại Hội thảo, ông Huỳnh Kim Tước, Phó Chủ tịch Tiểu ban Kinh tế Số & Công nghệ thuộc AmCham bày tỏ sự sẵn sàng đồng hành cùng doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam tiếp tục vượt qua tác động của COVID-19 và phát triển hơn trong công việc kinh doanh của mình.

Facebook Youtube Tiktok Zalo