Hai tác phẩm của trường Đại học Hoa Sen gây ấn tượng tại triển lãm
Hai tác phẩm “Nhớ và quên”, “Phồn hoa” của trường Đại học Hoa Sen gây ấn tượng tại triển lãm Nghệ thuật Trẻ năm 2019 và ban tổ chức đã trao giải khuyến khích cho tác phẩm “Phồn hoa” (không có giải nhất, nhì, ba trong thể loại này).
Triển lãm Nghệ thuật Trẻ năm 2019 là một sân chơi lớn trong lĩnh vực nghệ thuật được mở rộng trên quy mô toàn quốc. Năm nay, triển lãm mở cửa tự do trong khuôn viên Bảo tàng Mỹ thuật TP. HCM (số 97A Phó Đức Chính, Q.1, TP.HCM) từ ngày 20/04 – 03/05/2019.
Đến với triển lãm năm nay, trường Đại học Hoa Sen được mời tham dự hai tác phẩm nghệ thuật sắp đặt – một loại hình Nghệ thuật đương đại có yêu cầu khá cao về ý tưởng tạo hình mỹ thuật và bố trí không gian: tác phẩm “Nhớ và quên”, “Phồn hoa”.
Tác phẩm “Nhớ và quên” của nhóm sinh viên trường Đại học Hoa Sen tại triển lãm.
Ước mong những loại hình di sản văn hoá dân tộc được bảo tồn, tác phẩm “Nhớ và quên” với khát khao cháy bỏng của người trẻ muốn gìn giữ loại hình nghệ thuật cổ truyền hát bội, muốn các thể loại văn hoá nghệ thuật này được giao thoa với các loại hình nghệ thuật hiện đại ngày nay. Hát bội không mất đi, vẫn còn đó, luôn cháy trong tim của những người nghệ sĩ yêu nghề và cả những người trẻ hiện đại – đó là thông điệp của tác phẩm.
Tác phẩm “Nhớ và quên” được thực hiện bởi nhóm sinh viên ĐH Hoa Sen: Tú Linh, Hoàng Uyên, Minh Sang, C Danh & Wilfred. Tác phẩm được phát triển ý tưởng sau khi hoàn tất môn học Nghệ thuật sắp đặt trong không gian công cộng của ngành Thiết kế Nội thất. Rất nhiều khán giả yêu thích tác phẩm này của nhóm sinh viên trường Đại học Hoa Sen.
Tác phẩm “Phồn hoa” tại triển lãm.
Tác phẩm “Phồn hoa” được thực hiện bởi tác giả Nguyễn Phương Uyên. Xã hội phát triển làm cho cảnh đói nghèo ngày càng bị đẩy lùi, cùng lúc đó thì cảnh phân cách giàu – nghèo tăng vọt. Mọi nhu cầu về vật chất của con người được đáp ứng đầy đủ, nhanh chóng đến mức dư thừa. Con người chạy theo những giá trị vật chất đến mức hợm hĩnh mà quên đi những giá trị khác trong đời sống xã hội. Đó là giá trị nhân văn – thứ giá trị văn hóa cốt lõi, là sự sống của toàn xã hội. Con người bị vòng xoáy của văn hóa vật chất làm cho mất tự chủ và đang sống ngày càng hoang phí hơn rất nhiều. Những vật chất dư thừa đó không những ảnh hưởng đến giá trị sống mà còn ảnh hưởng đến môi trường xung quanh, thiên nhiên bị tàn phá nặng nề, tài nguyên cạn kiệt và dẫn đến nhiều hệ lụy khác.
Ông Huỳnh Văn Mười, Chủ tịch Hội Mỹ thuật TP.HCM và tác giả “Phồn hoa” – Nguyễn Phương Uyên bên tác phẩm tại triển lãm.
Hai tác phẩm nói trên của trường Đại học Hoa Sen đều gây ấn tượng, thu hút và được nhiều khán giả yêu thích đến xem tại triển lãm. Ban tổ chức đã trao giải khuyến khích cho tác phẩm “Phồn hoa” (không có giải nhất, nhì, ba trong thể loại này).