Hai năm một trường đại học phi lợi nhuận: Thực tế hay viển vông?
Việc chuyển đổi các trường tư (cả dân lập và tư thục) ở Việt Nam thành đại học phi lợi nhuận ở thời điểm này nói chung là không tưởng. Nó chỉ có thể xảy ra hoặc ở các trường được quản lý hoàn toàn bởi một cá nhân/gia đình – để việc chuyển đổi không gây mâu thuẫn với các cổ đông khác – hoặc khi có ai đó đứng ra mua lại toàn bộ một trường đại học rồi chuyển nó thành phi lợi nhuận – nhưng ngay cả tìm được người bỏ tiền thì việc mua cổ phần của từng cổ đông cũng hết sức đau đầu vì cổ đông có người muốn bán có người không, rồi giá cả thế nào, bộ máy quản lý sắp tới ra sao – điều sẽ làm nản lòng ai đó có tiền và có tâm.
Tuy nhiên xem kỹ lại các quy định pháp lý hiện nay của Việt Nam, nếu biết khéo vận dụng, tôi tin là đủ cơ sở để thành lập một trường đại học phi lợi nhuận đảm bảo đồng thời được các mong muốn: Có cơ chế huy động các khoản đóng góp, hiến tặng – các khoản hiến tặng của tổ chức, cá nhân kể cả sau khi trường đã hoạt động đều được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp hoặc thuế thu nhập cá nhân; Hoạt động phi lợi nhuận thực sự, tức không còn cơ chế chia lợi nhuận cho cổ đông; Có cơ chế quản lý theo dạng hội đồng bình đẳng, dân chủ; Nguồn hiến tặng và tài sản của trường không bị tư nhân hóa ngược lại sau này, thậm chí ngay cả khi giải thể trường vì một lý do nào đó; Có nền tảng để phát triển với định hướng tốt và có bộ máy lãnh đạo, lực lượng giảng viên tâm huyết…