GS. Phạm Văn Tất: Dành gần như cả cuộc đời cho giảng dạy và nghiên cứu khoa học
Là 1 trong 42 ứng viên được phong hàm Giáo sư năm 2022, GS. Phạm Văn Tất – Phó Trưởng phòng Phòng Quản lý khoa học/Tổng Thư ký Ban biên tập Tạp chí Khoa học – Trường Đại học Hoa Sen đã dành gần như cả cuộc đời cho giảng dạy và nghiên cứu khoa học.
GS. Phạm Văn Tất quê ở Nam Định, từ khi tốt nghiệp đại học 1989, Thầy đã nuôi dưỡng và quyết tâm theo đuổi con đường dạy học cũng như nghiên cứu khoa học.
Từng dùng toàn bộ tiền lương để làm nghiên cứu
Từ năm 1990, Thầy bắt đầu giảng dạy tại Đại học Đà Lạt. Vừa giảng dạy, Thầy vừa theo học về máy tính và nghiên cứu khoa học tại Trường Chulalongkorn, Bangkok, ThaiLand. Sau đó là nghiên cứu sinh Tiến sĩ tại Trường Cologne, CHLB Đức. Thầy cũng từng công tác tại Đại học Thủ Dầu Một và Đại học Công nghiệp TP. HCM. Đến năm 2014, Thầy Tất về công tác tại Trường Đại học Hoa Sen và gắn bó đến nay. Cả cuộc đời gắn bó với nền giáo dục Việt Nam, đã trải qua không ít khó khăn, thử thách.
Kể về những kỷ niệm đáng nhớ về “nghề” nghiên cứu, Thầy cho biết: “Trong những năm đầu 1990, việc nghiên cứu khoa học rất khó khăn, không có hóa chất và phương tiện thực nghiệm. Lúc đó, máy tính là một phương tiện mới mẻ và đắt đỏ ở Việt Nam, chỉ có một vài cơ quan và đơn vị có máy tính. Tôi bắt đầu theo đuổi con đường ứng dụng máy tính trong các nghiên cứu bao gồm sử dụng tính toán thống kê, mô phỏng và áp dụng trí tuệ nhân tạo trong việc giải quyết các vấn đề tổng hợp và thiết kế thuốc. Năm đó, tôi đã thuê sử dụng máy tính là 2.000 vnđ/giờ, nhưng không được sử dụng chuột, nếu muốn sử dụng chuột thì thuê thêm 2.000 vnđ. Ngồi làm nghiên cứu trên máy tính lại phải sử dụng ít nhất 4-5 giờ trong khi tiền lương của tôi lúc đó chỉ có 60-70 ngàn đồng/tháng. Tôi đã dùng gần toàn bộ số lương cho việc đi thuê máy tính để nghiên cứu”.
Hành trình theo đuổi con đường nghiên cứu của GS. Phạm Văn Tất còn nhiều điều đáng nhớ. Thầy kể, những năm sau đó, dù Nhà trường cấp cho mỗi Khoa 1 chiếc máy tính 386SX nhưng chỉ phục vụ cho công tác quản lý hành chính. Thầy tranh thủ đến văn phòng sử dụng máy đến khuya, nhiều đêm tôi đã bị nhân viên bảo vệ khóa cửa không về được: “Nhiều hôm, tôi mất ngủ vì rét lạnh, vì bảo vệ không biết có người trong phòng làm việc. Những lần sau, tôi mặc áo mưa và mang theo chăn mền đến văn phòng để có thể yên tâm ở lại làm việc qua đêm, phòng khi bảo vệ khóa cửa”.
32 năm theo nghề dạy học cũng là 32 năm Thầy nỗ lực làm nghiên cứu. Bằng những nghiên cứu mới mẻ về Ứng dụng các kỹ thuật máy tính, hóa học, dược và môi trường, tháng 3/2022, Thầy chính thức được công nhận chức danh Giáo sư Nhà nước. Đây được xem là một bước ngoặt lớn trong sự nghiệp giáo dục của GS. Phạm Văn Tất.
Truyền lửa nghiên cứu khoa học cho lớp trẻ
Hơn 30 năm gắn bó với sự nghiệp trồng người và lan toả tri thức, Thầy Tất đã dày công nghiên cứu, tìm tòi, sáng tạo nhiều công trình khoa học để phục vụ trong giảng dạy, hướng dẫn sinh viên, nghiên cứu sinh bảo vệ luận văn tốt nghiệp và giành học bổng đi du học. Thầy đã đào tạo ra nhiều Thạc sĩ, Tiến sĩ có thành tựu rực rỡ. Thầy còn là người truyền lửa cho lớp thế hệ sinh viên trẻ dấn thân vào nghiên cứu, xây dựng công trình khoa học.
Cũng giống như những Nhà giáo khác, Thầy Tất luôn tâm niệm việc dạy học và nghiên cứu phải đi song hành với nhau. Tôi đã trăn trở suy nghĩ tìm con đường để có thể vừa làm, vừa học. Để đạt được chức danh Giáo sư, tôi đã luôn tự học và tự đào tạo trong suốt quá trình công tác giảng dạy và nghiên cứu khoa học, luôn điều chỉnh, cập nhật và nâng cao kiến thức liên tục. Tôi luôn phấn đấu thực hiện theo tinh thần “Mỗi Thầy giáo, Cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”. Ban ngày đến trường làm các nhiệm vụ quản lý và giảng dạy, buổi tối là đọc sách và nghiên cứu khoa học. Trên con đường khoa học tôi cũng luôn học hỏi và tiếp thu tất cả ý kiến hướng dẫn và góp ý của các người thầy, các nhà khoa học và bạn bè đi trước”.
GS. Phạm Văn Tất cũng chia sẻ, ngay cả khi đã được công nhận là Giáo sư, Thầy vẫn sẽ tiếp tục con đường nghiên cứu khoa học của mình. Chức danh này sẽ giúp Thầy được sinh viên, học viên và xã hội tin tưởng, từ đó đóng góp nhiều hơn vào quá trình giảng dạy, đào tạo đội ngũ và nghiên cứu khoa học cho sinh viên và ở cả các bậc Thạc sĩ và Tiến sĩ.
Trong thời đại ngày nay khoa học công nghệ 4.0 có nhiều thay đổi, các bạn sinh viên luôn luôn bị cuốn hút bởi nhiều điều mới mẻ. Khoa học có thể khô khan nhưng chỉ cần định hướng tốt, rất nhiều bạn trẻ vẫn nuôi dưỡng và sáng tạo ra nhiều nghiên cứu khoa học đáng kinh ngạc. “Để khám phá những điều mới mẻ có ý nghĩa trong khoa học thì sinh viên cần phải được tiếp xúc với các nhà khoa học để có thể được truyền lửa đam mê trong nghiên cứu khoa học. Các bạn sinh viên nếu được truyền cảm hứng, gợi mở những điều đơn giản nhất để nghiên cứu sẽ tạo ra nhiều kết quả có ý nghĩa. Các kỹ năng trong quá trình nghiên cứu khoa học sẽ giúp các em biết cách giải quyết các vấn đề thực tế của đơn vị, hay của công ty nào đó”.
GS. Phạm Văn Tất cho biết, để trở thành một trường đại học đích thực, đại học cần thực hiện 2 nhiệm vụ song song là giảng dạy và nghiên cứu. “Tôi ý thức được một điều rằng nếu một trường đại học chỉ thực hiện nhiệm vụ giảng dạy thì không thể trở thành một trường đại học đúng nghĩa, trên thế giới không thể xếp hạng một trường đại học theo chuẩn giảng dạy. Để trở thành một trường đại học quốc tế có thương hiệu trong nước và ngoài nước thì bắt buộc cả người dạy và người học phải thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu khoa học. Bởi vậy trong những năm làm việc ở Đại học Hoa Sen tôi luôn phấn đấu đóng góp và tạo ra văn hóa nghiên cứu khoa học là nhiệm vụ quan trọng”.
Ước mong của Thầy Tất là phát triển tạp chí khoa học cho Đại học Hoa Sen, tạo nên một sân chơi khoa học giúp đào tạo các sinh viên có kỹ năng nghiên cứu khoa học, giúp giảng viên có cơ hội cọ xát và tự tin đăng bài trên các tạp chí quốc gia và quốc tế. Hiện nay, Phòng Quản lý Khoa học – Tạp chí Khoa học ra đời cùng với Nội san khoa học của trường đã được công nhận sẽ là tiền đề cho việc nghiên cứu của Hoa Sen được nâng tầm theo chuẩn quốc gia và quốc tế, để HSU thực sự là môi trường học tập và nghiên cứu lý tưởng cho cả người dạy và người học.