Gốc là văn hoá, hồn là nghĩa nhân
Người Đô Thị kỷ niệm sinh nhật lần thứ 92 của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt (23.11.1922) bằng bài viết của nhà thơ Thanh Thảo về con người đã được báo chí trong nước đánh giá là “tổng công trình sư” nhiều dự án táo bạo của thời kỳ Đổi mới, được Bách khoa toàn thư mở Wikipedia ghi nhận là “cựu lãnh đạo Việt Nam đầu tiên công khai đặt vấn đề hoà hợp, hoà giải dân tộc”.
Ông Sáu Dân – Võ Văn Kiệt là một người hiền trong đời
Trong bài Về một con người đích thực, nhà văn – nhà văn hoá Nguyên Ngọc đã có đoạn thật tiếc nuối khi viết về ông Sáu Dân: “Tôi gặp ông và gần gũi, thật tiếc, chỉ vào khoảng năm năm cuối của đời ông. Hồi ấy đang có viện Nghiên cứu phát triển IDS, ông muốn theo mô hình đó lập thêm một viện chuyên nghiên cứu về văn hoá. Có ai đó tiến cử tôi. Gặp nhau và đang bàn tính, thì đột ngột ông mất”. Nhà văn Nguyên Ngọc đã khiêm tốn khi nói thế. Thực ra, “ai đó tiến cử” chỉ là cái cớ, ông Sáu Dân đã biết và rất hiểu về nhà văn hoá Nguyên Ngọc, nên mới quyết định mời anh tham gia viện nghiên cứu văn hoá này. Sự ra đi của một con người ở tuổi 86 như ông Sáu Dân có vẻ như đúng quy luật sinh tử, nhưng vẫn là một bất ngờ, một bất ngờ đầy đau xót với nhân dân, với những ai từng yêu mến nhân cách, từng ngưỡng mộ những công tích lớn lao của ông với đất nước. Và từng chia sẻ với ông những nỗi đau, những mất mát trong cuộc đời của riêng ông, của gia đình ông. Hình như, chưa có nhà lãnh đạo thời đương đại nào ở nước ta mất gần hết gia đình vì chiến tranh như ông Sáu Dân: vợ và hai con nhỏ chết vì bom Mỹ trên sông Sài Gòn, con trai lớn tình nguyện vào quân đội và hy sinh ở chiến trường miền Tây Nam bộ năm 1972. Tôi cảm sâu sắc điều này: ông Sáu là một người lãnh đạo tầm quốc gia có số phận đầy bi kịch. Nhà văn Nguyên Ngọc lại tâm sự: “Tôi gặp ông muộn và ít, nhưng thường nghĩ về ông nhiều. Trong bao nhiêu điều về ông, tôi chỉ xin nói một điều này: ông là người khởi xướng và tổ chức, lặng lẽ, kiên định, hiệu quả việc khôi phục những khuôn mặt văn hoá lớn song lại có số phận éo le của Nam bộ, những Trương Vĩnh Ký, Huỳnh Tịnh Của, Phan Thanh Giản… Không chỉ dừng ở những danh nhân văn hoá của Nam bộ, ông cũng là người có tác động quan trọng trong việc tổ chức định giá lại công bằng vai trò và công lao của các chúa Nguyễn, các triều vua Nguyễn…
Theo Thanh Thảo
(Nguồn: Người Đô Thị, 27/11/2014)