Giáo sư Trương Nguyện Thành nói chuyện ‘Sáng tạo hay là chết’
Giáo sư (GS) Trương Nguyện Thành (Đại học Utah, Hoa Kỳ) vừa có buổi nói chuyện với các giảng viên, sinh viên trường Đại học Hoa Sen chủ đề “Sáng tạo hay là chết” tại trụ sở chính Nguyễn Văn Tráng chiều ngày 9/10/2018. Trong buổi nói chuyện này, GS Trương Nguyện Thành xoay quanh chủ đề sáng tạo trong lĩnh vực giáo dục nói chung và Đại học (ĐH) nói riêng.
Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 với sự phát triển vượt bậc của trí tuệ nhân tạo, máy móc dần thay thế con người, sáng tạo là đòi hỏi cấp bách của con người trong mọi ngành nghề để đáp ứng nhu cầu xã hội và không bị thay thế bởi máy móc. Đây cũng là cơ hội để các trường Đại học thay đổi và GS Trương Nguyện Thành đưa câu hỏi “Tại sao không bắt đầu chương trình đào tạo từ 4.0 mà đem từ 2.0 về?”. GS Trương Nguyện Thành nhấn mạnh, giáo dục sẽ có thay đổi rất lớn, không còn đơn giản sinh viên lên giảng đường và nghe giảng viên nói. Vì vậy, nếu giảng viên cứ đem những bài giảng từ cả 20 năm nay xào đi xào lại giảng cho sinh viên thì sẽ tự đào thải chính bản thân mình.
Giáo sư Trương Nguyện Thành (Đại học Utah, Hoa Kỳ) trong buổi nói chuyện “Sáng tạo hay là chết” tại trường Đại học Hoa Sen.
Theo GS Trương Nguyện Thành, 5 sáng tạo cần thiết trong phát triển giáo dục ĐH đó là:
1. Sáng tạo sản phẩm: Theo GS Thành, sản phẩm của trường ĐH là sinh viên đầu ra và hàng hoá chính là tương lai của người học. Vì vậy, để tạo ra sản phẩm (sinh viên đầu ra) tốt nhất thì trường ĐH cần đảm bảo chất lượng đào tạo, quy trình đào tạo và đội ngũ giảng viên tốt. Ngoài ra, vấn đề đạo đức cần phải có trong tổ chức.
2. Mô hình kinh doanh: Theo GS Trương Nguyện Thành, ở Việt Nam chưa có sáng tạo trong mô hình kinh doanh giáo dục. Mô hình kinh doanh của trường ĐH ở Việt Nam hiện vẫn rất truyền thống: tuyển sinh, thu học phí, đào tạo.
3. Marketing: GS Thành cũng cho rằng các trường ĐH Việt Nam chưa có sáng tạo trong marketing, hiện các trường đều làm giống nhau là đến các trường THPT tư vấn, tuyển sinh.
4. Ứng dụng công nghệ: GS Thành nhận định, với kỷ nguyên công nghệ, trong tương lai trí tuệ nhân tạo sẽ làm thay đổi rất lớn trong giáo dục. GS Thành đánh giá, việc ứng dụng công nghệ trong giáo dục là rất quan trọng. Dù các trường ĐH Việt Nam hô hào đổi mới chạy theo công nghệ 4.0 nhưng GS Thành đánh giá chưa đạt, bởi nhiều vấn đề, như hiện các trường ĐH vẫn chưa có hệ thống online tương tác hoàn hảo.
5. Lãnh đạo sáng tạo: Theo GS Thành, vai trò của người lãnh đạo rất quan trọng. Người lãnh đạo phải phù hợp với tổ chức và văn hoá của tổ chức đó (ví dụ như: văn hoá phân quyền hay văn hoá tập trung/bao cấp). Cần phải sáng tạo trong lãnh đạo và sáng tạo cả trong phong cách lãnh đạo.
Trong buổi nói chuyện của GS Trương Nguyện Thành, các giảng viên và sinh viên của trường Đại học Hoa Sen đã đặt ra những câu hỏi thiết thực để sáng tạo và phát triển. GS Thành cho rằng ĐH Hoa Sen có cái nền quốc tế hoá tổ chức, con người năng động và quyết tâm đổi mới. Thay đổi thấy rõ nhất của trường Đại học Hoa Sen là ứng dụng công nghệ, cho sinh viên đăng ký lớp học online nhẹ nhàng, giảng viên có thể tiếp xúc trao đổi với sinh viên bất kì lúc nào, hành chính nhanh gọn… Vì vậy, các phòng công nghệ thông tin có thể sáng tạo, thúc đẩy nhanh sự thay đổi đó trước các nhóm khác để trường Đại học Hoa Sen phát triển.
Với giảng viên, GS Thành khuyên nên thay đổi từ từ và học hỏi từ những người đã từng có kinh nghiệm giảng dạy sáng tạo dựa trên công nghệ để nâng cao khả năng giảng dạy. Giảng viên nên ứng dụng mô hình tự học, cho sinh viên những bài tập để họ tự học, tự lên mạng tìm hiểu câu trả lời. Theo GS Thành, các trường ĐH nên có những lớp mẫu để tạo cơ hội cho những giảng viên đã có kinh nghiệm làm và từ đó nhân rộng mô hình ra.
Giáo sư Trương Nguyện Thành chụp hình lưu niệm cùng cán bộ giảng viên, nhân viên trường Đại học Hoa Sen.