Giáo sư Trịnh Xuân Thuận trở lại Việt Nam
Đúng 22g40 tối 2-12, GS Trịnh Xuân Thuận – nhà thiên văn học người Mỹ gốc Việt nổi tiếng thế giới – cùng phu nhân đã về đến sân bay Tân Sơn Nhất, TP.HCM trong chuyến thăm lại quê hương Việt Nam.
Chuyến thăm do NXB Tri thức tổ chức sẽ kéo dài đến ngày 25-12-2011.
GS Trịnh Xuân Thuận cùng phu nhân tại sân bay Tân Sơn Nhất. Ảnh: T.T.D
GS Trịnh Xuân Thuận cùng phu nhân tại sân bay Tân Sơn Nhất – Ảnh: TTD
GS Trịnh Xuân Thuận và phu nhân tại sân bay Tân Sơn Nhất Ảnh: TTD
Ngày 3-12, GS sẽ rời TP.HCM để đến Đà Lạt chuẩn bị cho cuộc nói chuyện vào đầu tuần tại trường học cũ của ông là trường Yersin – nay là Trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt “Tôi muốn kể lại trường Yersin những ngày đầu tôi học như thế nào, tôi đã trải qua một hành trình đến Mỹ, Pháp và làm GS ra sao, tôi muốn khuyến khích các em” – GS tâm sự với Tuổi trẻ online khi vừa xong thủ tục sân bay.
Trong lịch trình, GS sẽ có cuộc gặp gỡ với Bà Nguyễn thị Bình, nguyên Phó chủ tịch nước, Chủ tịch Quỹ văn hóa Phan Châu Trinh, nhà văn Nguyên Ngọc, chủ tịch hội đồng khoa học quỹ, Giám đốc NXB Tri thức Chu Hảo, gặp gỡ nhiều nhà trí thức, nghiên cứu…
Đặc biệt, GS sẽ có nhiều thời gian trò chuyện với bạn trẻ tại ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH FPT, ĐH Bách khoa Hà Nội, ĐH Phan Châu Trinh, ĐH Qy Nhơn, ĐH Quốc gia TP.HCM, ĐH Hoa Sen, Trung tâm SEAMEO…với các chủ đề Khoa học và phật giáo, Vị trí của con người trong vũ trụ,Phổ biến khoa học hay khoa học và đam mê…
Tại các địa điểm, GS cùng NXB Tri thức, dịch giả Phạm Văn Thiều, sẽ giới thiệu ra mắt bản tiếng Việt cuốn Từ điểm ham mê bầu trời và các vì sao của GS.
Cách đây 7 năm, tháng 8- 2004, ông có về thăm Việt Nam và có những buổi nói chuyện về vũ trụ và vật lý thiên văn tại Hà Nội và TP.HCM.
Giáo sư thiên văn học người Mỹ gốc Việt Trịnh Xuân Thuận đã công bố trên 120 công trình trên các tạp chí khoa học chuyên ngành và các kỷ yếu hội nghị khoa học quốc tế. Những cuốn sách dày dặn của ông rất được hoan nghênh ở châu Âu và Bắc Mỹ; một số cuốn được dịch ra 16 thứ tiếng. Sinh ngày 20-8-1948, sau Hiệp định Genève năm 1954, trước cảnh chia đôi đất nước, mới 6 tuổi, Trịnh Xuân Thuận đã phải theo gia đình rời Hà Nội vào Đà Lạt rồi về Sài Gòn, theo học “trường Tây” Jean-Jacques Rousseau (trước Cách mạng Tháng Tám là Trường Chasseloup-Laubat).
Từ nhỏ cho đến khi thi tú tài, ông phải học tất cả các môn đều bằng tiếng Pháp! Nào ngờ chính nhờ vốn tiếng Pháp học từ dạo ấy, sau này ông mới có thể viết những cuốn sách nổi tiếng thế giới, giàu chất khoa học chính xác cũng như chất thơ bay bổng. Cuốn Số phận vũ trụ: Big Bang và sau đó của Trịnh Xuân Thuận viết bằng tiếng Pháp, được Nhà xuất bản Gallimard in ở Paris năm 1992. Ngay năm sau, 1993, cuốn sách đã được phát hành và bán chạy tại New York, qua bản dịch tiếng Anh của Harry N. Abrams. Cũng trong năm 1993, Oxford University Press in một bản dịch tiếng Anh khác, của Storm Dunlop, phát hành tại Anh và Mỹ. Như vậy cuốn sách này của ông có đến hai bản dịch tiếng Anh. Gần như cùng một lúc, vào năm 1993, cuốn sách cũng được bày bán rộng rãi tại Munich qua bản dịch tiếng Đức của Ravensburger. Sau đó, cuốn sách của nhà vật lý thiên văn mang cái tên VN có phần lạ lẫm, khó phát âm, được dồn dập dịch và in ở nhiều nước khác: Trung Quốc (1993), Thụy Điển (1994), Ý (1994), Nhật Bản (1995), Hàn Quốc (1995)… Tuy có chậm hơn song VN ta cũng đã vào cuộc. Cuốn Giai điệu bí ẩn, dịch từ nguyên văn tiếng Pháp La mélodie secrète, được Nhà xuất bản Khoa Học & Kỹ Thuật ấn hành tại Hà Nội đúng vào đầu tháng 8-2000, coi như một ấn phẩm chào mừng khai mạc Gặp gỡ Việt Nam lần 4, với lời nói đầu do chính tác giả viết dành riêng cho bản dịch tiếng Việt: Trong năm 2000, một cuốn sách khác của ông viết chung với Matthieu Ricard, cuốn L’infini dans la paume de la main (Cái vô tận ở trong lòng bàn tay) được Nhà xuất bản Fayard in ở Paris năm 2000. Đây cũng là một cuốn sách best-seller ở Pháp, ngay trong đợt phát hành đầu tiên đã bán được hơn 100.000 bản, một con số đáng cho các cây bút VN mơ ước! Như chúng ta đã biết, kính viễn vọng vũ trụ mang tên nhà thiên văn học kiệt xuất người Mỹ Edwin Powell Hubble chỉ một số nhà thiên văn học rất nổi tiếng ở Mỹ và trên thế giới mới được phép sử dụng. Giáo sư Trịnh Xuân Thuận nằm trong số đó. Năm 1992, ông đã được tặng Giải thưởng Henri Chretien của Hội Thiên văn học Mỹ. (Xem: “GS Trịnh Xuân Thuận và tiến sĩ Y.Izotov tính được tuổi thiên hà trẻ nhất”). Tháng 11-2009, GS Trịnh Xuân Thuận được tổ chức UNESCO trao giải thưởng Kalinga về phổ biến khoa học năm 2009. Giải thưởng Kalinga về phổ biến khoa học là giải thưởng do UNESCO thành lập từ năm 1952 với sự đóng góp tài chính từ ông Bijoyananda Patnaik, người sáng lập và chủ tịch Tổ chức Kalinga Foundation Trust tại Ấn Độ. |
Các tác phẩm tiêu biểu của giáo sư Trịnh Xuân Thuận: – Giai điệu bí ẩn – và con người đã tạo ra vũ trụ, Phạm Văn Thiều dịch, NXB Khoa Học Và Kỹ Thuật. – Hỗn độn và hài hòa, Phạm Văn Thiều và Nguyễn Thanh Dương dịch, NXB Khoa Học Và Kỹ Thuật. – Cái vô hạn trong lòng bàn tay (Từ Big Bang đến Giác Ngộ), Phạm Văn Thiều – Ngô Vũ biên dịch, NXB Trẻ & tạp chí Tia Sáng. – Lượng tử và hoa sen, NXB Tổng Hợp TP.HCM. – Trò chuyện với nhà vật lý thiên văn Trịnh Xuân Thuận, Phạm Văn Thiều dịch, NXB Trẻ & tạp chí Tia Sáng. – Nguồn gốc – Nỗi hoài niệm về những thuở ban đầu, Phạm Văn Thiều và Ngô Vũ dịch (NXB Trẻ). Bạn đọc có thể đọc trực tuyến “Những con đường của ánh sáng” (bộ sách đã nhận được giải thưởng lớn Moron 2007 của Pháp, tương đương giải thưởng Pulitzer hay giải thưởng sách quốc gia của Mỹ) trên chuyên trang Tủ sách của Tuổi Trẻ Online. (Lời giới thiệu – Xem tất cả). |
(Nguồn: Tuổi Trẻ)