Đại học Hoa Sen – HSU

Giáo sư Shawn F. McHale: “Tình hình Biển Đông vẫn còn nhiều khó khăn”

Trong lúc tình hình Biển Đông vẫn là đề tài được nhiều người quan tâm và được bàn luận tại các hội thảo quốc tế, Bay Vút đã có cuộc phỏng vấn với Giáo sư người Mỹ Shawn F. McHale, chuyên gia về Lịch sử và Quan hệ Quốc tế xoay quanh vấn đề Biển Đông

Một cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc tại Thành phố Hồ Chí Minh. (Bay Vút)

Giáo sư Shawn McHale hiện là Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Châu Á Sigur, đồng thời là Giám đốc Chương trình Nghiên cứu Châu Á tại Trường Quan hệ Quốc tế Elliott (The Elliott School of International Affairs) thuộc Đại học George Washington ở thủ đô Hoa Kỳ.

Tiến sĩ McHale hiện giảng dạy môn Lịch sử và Quan hệ Quốc tế tại đại học này. Ông đã đóng góp nhiều bài viết và xuất bản nhiều tác phẩm về Việt Nam như ‘Dấu vết và Quyền lực: Khổng giáo, Chủ nghĩa Cộng sản và Phật giáo trong việc Hình thành một nước Việt Nam Hiện đại’, ‘Chủ nghĩa Mác ở Việt Nam, bất đồng chính kiến, và Chính trị Hồi ức Hậu Thuộc địa: Trần Đức Thảo, 1946-1993’… Ông hiện đang hoàn thành tác phẩm ‘Cuộc Chiến tranh Đông Dương lần Thứ Nhất’ (1945-54).

Một số cuộc hội thảo quốc tế đã diễn ra xoay quanh đề tài Biển Đông. Gần đây nhất, Biển Đông lại là chủ đề nổi bật nhất tại hội nghị ASEAN ở Bali với sự tham dự của các ngoại trưởng 10 nước ASEAN và các đại diện Trung Quốc, Hoa Kỳ, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc và Úc.

Từ thủ đô Hoa Kỳ Washington, Giáo sư Shawn McHale đã dành cho Bay Vút cuộc phỏng vấn dưới đây.

Bay Vút: Thưa giáo sư, liệu tình hình căng thẳng tại Biển Đông giữa Việt Nam với Trung Quốc sẽ dịu bớt sau khi Hội nghị Bali chấm dứt hay không?

GS. Shawn F. McHale: “Thật khó trả lời câu hỏi này”.

“Trung Quốc đã đưa ra một số tuyên bố có tính hòa giải. Chẳng hạn như theo Tân Hoa xã, Ngoại trưởng Trung Quốc Dương Khiết Trì tuyên bố: ‘thỏa thuận mới đạt được về bản hướng dẫn thực hiện Tuyên bố chung của các bên liên quan về ứng xử ở biển Nam Hải (Biển Đông) (DOC) đặt nền móng vững chắc cho công cuộc hợp tác có tính thực tế tại vùng biển này và cho phép đưa tới việc gìn giữ hòa bình và ổn định tại Nam Hải”.

“Tuy nhiên đây là những lời nói hoa mỹ có tính cách ngoại giao”.

“Trên thực tế vẫn chưa có thỏa thuận có thực chất nào được ký kết. Trung Quốc vẫn chưa từ bỏ yêu sách đối với một vùng rộng lớn tại Biển Đông”.

“Ngoài ra, họ cũng đang chỉ trích việc hôm thứ Tư 20/7 vừa qua các nhà lập pháp Philippines thăm viếng một đảo mà cả Philippines lẫn Trung Quốc đều đang tranh chấp. Đảo này có tên là Đảo Pagasa, theo cách gọi của người Philippines, và tên Zhonggye, theo như tên gọi chính thức của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Đảo này rất gần với Philippines so với gần Trung Quốc”.

“Tuy nhiên, khi đề cập tới sự việc vừa nêu, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mã Triều Húc tuyên bố: “Trung Quốc rõ ràng có chủ quyền đối với các đảo và vùng lãnh hải bao quanh trong vùng biển Nam Hải”.

“Nếu Trung Quốc vẫn tiếp tục lập trường cứng rắn như vậy đối với những đảo nằm cách rất xa bờ biển nước này thì không chắc Trung Quốc sẽ chịu nhượng bộ đối với những đảo vốn vẫn đang nằm trong vòng tranh chấp giữa Việt Nam với Trung Quốc. So với những đảo tranh chấp giữa Trung Quốc với Philippines, những đảo này nằm gần lãnh thổ Trung Quốc hơn rất nhiều”.

“Điều quan trong ở đây là sự khác biệt về quyền lực và sức mạnh giữa các bên liên quan. Năm 2010, Trung Quốc đã phản đối ầm ĩ khi Nhật Bản bắt giữ thuyền trưởng một tàu đánh cá Trung Quốc. Rất nhiều báo đài tường quốc tế thuật về phản ứng này của Trung Quốc. Tuy nhiên, cũng trong thời điểm xảy ra vụ vừa nêu, ít khi người ta thấy tin tức về vụ ngư dân Việt Nam bị Trung Quốc bắt giữ trong vùng Biển Đông trên các báo đài quốc tế”.

Bay Vút: Tại hội nghị Bali, Việt Nam được ASEAN hỗ trợ ra sao trong việc giải quyết cuộc tranh chấp giữa Việt Nam với Trung Quốc tại vùng Biển Đông?

GS. Shawn F. McHale: “Như tôi đã đề cập ở trên, không phải mọi thành viên ASEAN đều có mối quan ngại như nhau trong vấn đề Biển Đông”.

Bay Vút: Việt Nam được Hoa Kỳ hỗ trợ như thế nào trong việc giải quyết cuộc tranh chấp tại Biển Đông?

GS. Shawn F. McHale: “Đây là một vấn đề hết sức tế nhị. Cả Việt Nam lẫn Hoa Kỳ không nước nào muốn nhấn mạnh mối quan hệ mật thiết giữa hai nước vì như vậy có thể khiến gây ra sự thù địch với Trung Quốc”.

“Hoa Kỳ không muốn gây ra sự thù địch với Trung Quốc một cách quá đáng. Mặt khác, Hoa Kỳ cũng không muốn chấp nhận nguyên trạng hiện nay trong vùng Biển Đông như là một sự kiện đã rồi. Có vẻ như Hoa Kỳ muốn tiến bước một cách rất thận trọng giữa việc cho thấy thái độ cứng rắn khi nêu những quan ngại về vấn đề tự do lưu thông hàng hải cho mọi nước, với việc gây thù với Trung Quốc”.

“Có một vấn đề quan trọng cần ghi nhớ ở đây là sự tư do lưu thông hàng hải của Hoa Kỳ trong vùng Biển Đông hiện chưa bị đe dọa. Chỉ có một số nước ASEAN bị đe dọa trong vấn đề này mà thôi”.

“Một vấn đề quan trọng khác cũng cần ghi nhận là quyền lợi của Việt Nam và Mỹ không giống nhau. Điều này cũng giống như việc Hoa Kỳ không thực sự quan tâm tới chuyện ai nắm giữ chủ quyền đối với đảo Dokdo/Takeshima (hòn đảo mà cả Nam Hàn lẫn Nhật Bản đều tuyên bố chủ quyền). Hoa Kỳ cũng không thực sự quan tâm tới việc nước nào kiểm soát một số đảo cá biệt tại Biển Đông”.

“Hoa Kỳ chỉ không muốn thấy xung đột nổ ra trong vùng đồng thời muốn quyền tự do lưu thông hàng hải được duy trì và tôn trọng”.

Bay Vút: Xin Giáo sư cho biết những thách thức trong việc giải quyết vấn đề Biển Đông là gì? Làm thế nào để vượt qua những thách thức này?

GS. Shawn F. McHale: “Vấn đề này sẽ được giải quyết nhưng rất khó khăn”.

“Khó khăn nhất là Trung Quốc đã tuyên bố chủ quyền trên vùng lãnh hải rộng lớn bao trùm các đảo và đảo san hô vòng tại Biển Đông. Nước này khẳng định rằng những lời tuyên bố chủ quyền của họ là những điều không thể tranh cãi đồng thời không thể phủ nhận. Đây là chuyện vô lý. ”.

“Tôi tập trung chú ý nhất vào sự kiện Trung Quốc nói rằng lời tuyên bố chủ quyền của họ được dựa trên những bằng chứng lịch sử”.

“Điều này hoàn toàn không đúng”.

“Chúng ta phải hiểu rằng các thực thể chính trị tại Đông Nam Á cũng như tại Trung Quốc đều hiểu chủ quyền theo một phương cách khác nhau. Đặc biệt về thời điểm trước năm 1850. (Đây là điểm quan trọng, một điểm vẫn thường xuyên bị bỏ qua, không đề cập tới trong rất nhiều cuộc thảo luận về cuộc xung đột trong vấn đề chủ quyền). Trung Quốc vẫn xuyên thường sử dụng các bằng chứng diễn ra từ trước nửa đầu của thế kỷ 19 để tuyên bố chủ quyền trên vùng lãnh hải rộng lớn này”.

“Tuy nhiên những bằng chứng đó là gì?”.

“Trung Quốc tuyên bố chủ quyền dựa trên sự kiện là ngư dân của họ trước đây đã sử dụng những đảo này. Ngoài ra, Trung Quốc nói rằng họ đã tìm thấy những đồng tiền trên đảo”.

“Nhưng liệu đây có phải là những bằng chứng cho thấy họ có chủ quyền hay không? Không”.

“Đây là những bằng chứng cho thấy có sự sử dụng có tính cách rời rạc, thất thường, chứ không phải là sự cư ngụ có tính liên tục. Việc khám phá ra các đồng tiền Trung Quốc tại các đảo trong vùng Biển Đông không phải là bằng chứng cho thấy nước này có chủ quyền ở những đảo đó”.

“Điều Trung Quốc cần cho thấy, là qua các bằng chứng lịch sử, cư dân Trung Quốc quả đã định cư lâu dài trên những đảo họ đang tuyên bố chủ quyền. Ngoài ra, những đảo này phải đã được đế quốc Trung Quốc trước đây chính thức sát nhập.

Thêm vào đó, Trung Quốc cũng cần phải cho thấy rằng, xét về phương diện lịch sử, không một nước nào khác đã đưa người định cư tại những đảo này như những chính quyền trước đây của Trung Quốc đã đưa cư dân của họ đến cư trú”.

“Khi chúng ta áp dụng cũng những tiêu chí này đối với những lời tuyên bố chủ quyền của Việt Nam, tôi cho rằng bằng chứng trước thế kỷ 19 về việc sử dụng những đảo, đảo san hô vòng thì hầu hết không liên quan tới những lập luận đòi chủ quyền hiện đại”.

“Tuy nhiên, Việt Nam quả đã tuyên bố chủ quyền hồi năm 1816, đây có lẽ là nước đầu tiên tuyên bố chủ quyền trong vấn đề này. Do đó, ngày nay Việt Nam đã có lời tuyên bố xác nhận chủ quyền và lời tuyên bố này mạnh hơn lời tuyên bố của Trung Quốc”.

“Tuy vậy không một quốc gia nào lại có thể nói rằng lời tuyên bố chủ quyền của họ đối với toàn thể khu vực là lời tuyên bố không thể tranh cãi”.

“Đây là một sự trớ trêu của lịch sử. Lời tuyên bố chủ quyền dựa trên lịch sử của Việt Nam ngày nay được củng cố bởi sự kiện trước đây. Đó là đế quốc Pháp đã sử dụng nhiều phương thức khác nhau để khẳng định và hành xử chủ quyền tại nhiều nơi trong vùng Biển Đông. Do vậy ngày nay Việt Nam được thừa hưởng những lời tuyên bố chủ quyền có tính lịch sử này”.

“Người ta phải ghi nhận rằng miền Nam Việt Nam (Việt Nam Cộng Hòa) cũng hành xử chủ quyền đối với Biển Đông, và lời tuyên bố chủ quyền này cũng được chính phủ Việt Nam hiện nay thừa hưởng”.

“Để xem thêm bối cảnh lịch sử về vấn đề này, chúng ta hãy xem công trình của học giả người Pháp, bà Monique Chemillier-Gendreau. Tôi cho rằng một số chuyên gia Trung Quốc xem công trình của bà Gendreau như là có quan điểm nghiêng về phía Việt Nam. Tuy nhiên những người này phải trực diện với những bằng chứng có liên quan tới lịch sử và pháp lý mà bà đã trích dẫn”.

“Khi chúng ta tập trung chú ý vào bối cảnh lịch sử này, điều rõ ràng là lời tuyên bố xác nhận chủ quyền do Trung Quốc đưa ra khó có thể xem là những lời không thể tranh cãi”.

“Do đó lời xác nhận chủ quyền do nước này đưa ra là những lời được thực sự dựa trên những hành động do Trung Quốc thực hiện sau năm 1945. Như vậy đây là những lời rất đáng nghi ngờ. Ví dụ vào năm 1974, trong một trận hải chiến, Trung Quốc đã đánh bật quân Việt Nam Cộng Hòa khỏi những hòn đảo mà Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền”.

“Tuy nhiên đây là lời tuyên bố chủ quyền dựa trên sự xâm chiếm. Lời tuyên bố này khó mà có thể xem là lời tuyên bố “không thể tranh cãi”.

“Sự kiện hiện nay là Trung Quốc và những nước khác đều tuyên bố rằng họ có chủ quyền “không thể tranh cãi”. Tuy nhiên, liệu những quốc gia này có thực sự chú tâm vào vấn đề chủ quyền? Hoặc họ chú tâm vào các nguồn tài nguyên nằm dưới lòng biển?”

“Người ta cho rằng chính vấn đề tài nguyên mới là nguyên nhân đích thực”.

“Giải pháp duy nhất cho vấn đề này sẽ xuất hiện nếu các bên khác nhau liên quan có thể thỏa thuận về một kế hoạch nhằm chia sẻ các nguồn tài nguyên của Biển Đông”.

Bay Vút: Giáo sư nghĩ thế nào về cách hành xử của chính phủ Việt Nam (trong nước cũng như trên trường quốc tế) trong việc giải quyết tình trạng căng thẳng ở Biển Đông?

GS. Shawn F. McHale: “Theo một nghĩa nào đó, tôi không cho rằng chính phủ Việt Nam đang cố gắng ‘giải quyết’ tình trạng căng thẳng. Họ chỉ đơn giản cho Trung Quốc thấy rằng họ sẽ không bị áp lực từ phía Trung Quốc. Chính phủ Việt Nam đang muốn khẳng định quyền mà họ nghĩ rằng họ đúng”.

“Những cuộc biểu tình hồi gần đây tại Việt Nam để phản đối Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông chắc chắn phải có sự cho phép của Đảng Cộng sản Việt Nam và đây là một cách để gây áp lực với Trung Quốc”.

“Trung Quốc có thể phàn nàn về chiến thuật này. Tuy nhiên chính Bắc Kinh cũng sử dụng phương pháp này ở trong nước. Ví dụ khi chính phủ Trung Quốc muốn gây áp lực với Nhật Bản về những vấn đề như chuyến viếng thăm của thủ tướng Nhật tại Đền Yasukuni hoặc những chuyện gây xích mích trong mối quan hệ giữa Trung Quốc với Nhật, Trung Quốc đã ‘cho phép’ các cuộc biểu tình chống Nhật Bản bùng phát ở Trung Quốc”.

“Đây thuộc loại ‘ông ăn chả bà ăn nem’. Tức cái gì áp dụng cho một người cũng áp dụng được cho người khác trong trường hợp tương tự. Trước đây Bắc Kinh ‘cho phép’ người dân được biểu tình chống Nhật Bản khi họ đối đầu với Tokyo thì nay chính phủ Việt Nam cũng ‘cho phép’ người dân biểu tình chống Trung Quốc”.

“Việc Việt Nam đang cố gắng ‘giải quyết’ vấn đề là từ chối thỏa thuận song phương với Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông”.

“Xét về lâu về dài, chỉ khi nào có thể cùng làm việc với nhau, các nước ASEAN và Trung Quốc mới có thể soạn thảo một thỏa thuận có tính bền vững”.

Bay Vút: Giáo sư nghĩ thế nào về các hoạt động hồi gần đây của Hoa Kỳ, như tuyên bố của Ngoại trưởng Hillary Clinton?

GS. Shawn F. McHale: “Rõ ràng là những tuyên bố do Ngoại trưởng Clinton đưa ra đã khiến Trung Quốc tức giận. Việc bà Clinton phát biểu Biển Đông là ‘quyền lợi quốc gia’ của Hoa Kỳ là điều thú vị. Tôi không rõ phát biểu này có nghĩa gì. Liệu các quyền lợi của Hoa Kỳ có bị đe dọa hay không? Nếu có, thì việc đe dọa này như thế nào?”.

“Hoa Kỳ nên khuyến khích đối thoại hòa bình trong vấn đề Biển Đông và cuộc đối thoại này phải đưa tới các kết quả cụ thể”.

(Nguồn: BayVut)

Facebook Youtube Tiktok Zalo