Đại học Hoa Sen – HSU

Giáo sư Mỹ điểm danh dạng dối trá cần né

“Những gian lận trong thi cử nói riêng và gian dối nói chung không chỉ đơn giản là vấn đề đạo đức cá nhân. Đó còn là một vấn đề mang tính xã hội, có ảnh hưởng tới cuộc sống và sự nghiệp của giới trẻ” – GS David Pickus viết.

Theo tôi biết thì Việt Nam đang đối mặt với trò gian lận trong các kỳ thi cử. Tôi không biết đủ nhiều để đưa ra bình luận về vấn đề thi cử tại Việt Nam. Nhưng tôi cũng hy vọng chúng ta sẽ không cho rằng đây chỉ là bài học riêng của giới trẻ.

Tôi nghĩ nói dối sẽ thực sự gây hại khi người ta không biết có những loại nói dối như thế nào. Do có nhiều kiểu nói dối khác nhau, nên mỗi loại lại sản sinh ra những tác hại cũng khác nhau.

Ảnh chỉ mang tính chất minh họa

 

Do đó, kiểu nói dối mà mọi người hay nghĩ tới trước tiên: nói dối có ý thức và chủ định, chỉ là một dạng nói dối, và một trong những dạng không thường xuyên sử dụng nhất. Người ta có thể nói dối bất kỳ lúc nào, nên có rất nhiều trường hợp ai đó biết rất rõ sự thật, nhưng không chịu nói ra để tạo lợi thế cho mình hay bảo vệ họ khỏi bị “vạ”. Có cả những ngành nghề hoạt động với các nhân viên chuyên che giấu sự thật trước người khác, và chỉ cần chút trải nghiệm là bạn có thể nhận ra những nghề này là gì.

Có một dạng nói dối có chủ đích khác mà thông thường vẫn được cho là tốt, hơn là xấu. Trong tiếng Anh có từ “white lie”, nghĩa là lời nói dối không gây hại, thường được dùng để bảo vệ những người khác, như trẻ con, khỏi những sự thực có thể các em không nên biết. Kiểu nói dối này rất phổ biến, nhưng rõ ràng trên thực tế, chúng cũng được sử dụng không chỉ vì lợi ích của người bị nói dối, mà còn phục vụ mục đích của người muốn nói dối.

Các bạn sinh viên cần hiểu rõ bản chất của những kiểu nói dối ấy, nhưng quan trọng hơn, họ nên biết tại sao chúng ta cần thảo luận vấn đề này. Câu trả lời là, đây không chỉ đơn giản là vấn đề đạo đức cá nhân. Đó còn là một vấn đề mang tính xã hội, có ảnh hưởng tới cuộc sống và sự nghiệp của giới trẻ Việt Nam.

Đây là lý do tại sao: từ quan điểm xã hội học, lừa dối được nhìn nhận phổ biến nhất là một cách để giành lợi thế về phía mình, hay một cơ hội đạt được thứ gì đó mà chẳng mất gì. Một lời nói dối thành công khi người nói dối đạt được điều gì đó chỉ bằng cách bịa ra một câu chuyện, thay vì làm một điều gì đó thực tế trong cuộc sống. Nhưng, như các nhà kinh tế học thường nói với bạn, không có những thứ đại loại như “cho không”. Người ta luôn phải trả giá để đạt được điều gì đó. Ngoài những tác hại trực tiếp do nói dối hay gian lận gây ra, cái giá phải trả đối với xã hội là lòng tin. Người bị nói dối đặt lòng tin vào nhầm người. Một khi họ phát hiện ra điều đó, họ sẽ không còn giữ lòng tin đó nữa.

Các bạn trẻ Việt Nam cần được giáo dục để hiểu rõ bản chất của nói dối hay gian lận, để họ có thể tự điều chỉnh bản thân hướng tới những cơ hội tạo ra lợi ích lâu bền, biết được khi nào họ đang tự làm tổn thương mình khi đặt quá nhiều niềm tin, và khi nào họ đang tự đánh mất cơ hội trong tương lai do thiếu lòng tin vào người khác.

Những điều bạn trẻ cần biết

Về khía cạnh này, các bạn trẻ Việt Nam nên biết rằng có nhiều kiểu nói dối khác nữa nhằm không cho đối tượng thấy được sự thực xung quanh họ. Để giúp các bạn, tôi xin đưa ra một danh sách ngắn những điều cần biết này:

Trước hết, có một kiểu nói dối là khi người ta có thói quen nói quá sự tốt đẹp về mình, dù chỉ một chút thôi. Các nhà nghiên cứu Mỹ mới đây vừa tiến hành một số thí nghiệm thú vị và mang tính giáo dục chứng minh chúng ta thường hay nói dối theo kiểu này như thế nào. Theo đó, họ đặt trên chiếc bàn trong khuôn viên một trường đại học vài chai coca cola và vài đồng đôla.

Những người phụ trách thí nghiệm sẽ tránh ra xa. Thật thú vị, mọi người thường lấy chai coca hơn là lấy tiền. Dường như họ nghĩ, “tôi không phải là hạng người ăn cắp, nhưng thực sự, không ai có thể bỏ qua một chai coca như vậy”.

Họ cũng đóng vai hai người lạ đi taxi tới một thành phố. Một trong hai người bị khiếm thị. Dù lừa gạt một người phụ nữ mù sẽ dễ dàng hơn nhiều, nhưng thực tế mọi người lại thường chỉ cho họ đi đường thẳng hơn. Phải chăng họ đang nghĩ “nếu người lạ chưa quen phố xá, việc anh ta phải trả thêm tiền cho chuyện này chuyện kia, thì đấy cũng chỉ là do lỗi tại anh ta mà thôi, nhưng tôi là người lịch sự nên sẽ không lừa gạt một người mù”.

Kiểu phóng đại như vậy khá phổ biến và rất dễ thấy. Ví dụ như, người trẻ đôi khi vẫn cho rằng người lớn bao giờ cũng hay nói quá. Khi phải đối diện với những lời nói dối của chính mình, người ta thường có xu hướng nói rằng người khác còn nói dối ghê hơn. Đó chính là vấn đề. Nếu chúng ta cứ hay nói quá, chúng ta sẽ lạc hướng thực tế, và điều này sẽ gây tác hại đối với những người làm việc trong những ngành toàn cầu hóa, nơi luôn đòi hỏi vấn đề uy tín rất cao.

Thứ hai, cũng có kiểu nói dối nữa là “gật đầu cho qua chuyện”. Trong công việc, trong gia đình và trong thói quen hằng ngày, một trong những cách dễ dàng để giải quyết rắc rối và mâu thuẫn là luôn chấp nhận “không có vấn đề gì rắc rối” (dù thực tế không phải vậy).

Vấn đề với loại nói dối này là nó chỉ giết thời gian của chúng ta và những vấn đề nghiêm trọng nhất sẽ gần như chẳng bao giờ tự khá khẩm hơn. Nếu bạn muốn tìm hiểu mô tả tốt hơn về những rắc rối do nói dối kiểu này gây ra, tôi khuyên bạn nên đọc cuốn truyện của nhà văn Nga Leo Tolstoy có tựa đề “The Death of Ivan Ilyich” (Cái chết của Ivan Ilyich). Đây là một trong những câu chuyện hay nhất trong văn học phương Tây, và các bạn sinh viên người Mỹ của tôi thường tìm thấy cho mình một điều răn trong đó.

Cuối cùng, cũng có kiểu nói dối liên quan đến điều mà người người ta coi là “chân lý”. Đôi khi người ta cho rằng có những điều họ thực sự tin là đúng, và không bao giờ bận tâm tìm hiểu thêm. Nhưng nếu bạn thực sự tin vào điều gì, bạn nên sẵn sàng xem xét tất cả những chứng cứ. Nếu chúng ta dạy các em nhỏ không xem xét tất cả các bằng chứng, chúng ta đã “hại” các em sau này trong cuộc sống bởi chúng ta đã lấy mất sự can đảm dám tìm ra sự thật của các em. Các em sẽ không giúp đưa xã hội tiến lên phía trước nếu các em sợ đối diện với sự thực như thế.

Đây là cách tôi muốn hỏi và trả lời cho câu hỏi về gian lận và lừa dối.

GS David Pickus (Đình Ngân dịch)

(Nguồn: Việt Nam Net.vn)

Facebook Youtube Tiktok Zalo