Giáo sư danh tiếng đề xuất cải tổ đại học
Nối tiếp mạch bàn tròn của Hội Khoa học và chuyên gia VN tại Pháp về mô hình “đại học nghiên cứu”, GS Lê Văn Cường, một tên tuổi lớn trong giới khoa học kinh tế tại Pháp và quốc tế đã có những chia sẻ xung quanh câu chuyện đào tạo và nghiên cứu của đại học Việt Nam.
“Nhiều công trình của giảng viên chỉ ngang tầm sinh viên Master”
Thưa giáo sư, ông nghĩ như thế nào về tình hình nghiên cứu của các trường đại học Việt Nam?
Tôi đã đọc khá nhiều công trình nghiên cứu của giảng viên các đại học kinh tế ở Việt Nam. Rất nhiều trong đó chỉ ngang tầm những công trình của một sinh viên vừa tốt nghiệp năm thứ nhất (M1), hay năm thứ hai (M2) Master của các đại học kinh tế ở châu Âu. Tôi không có con số tiền đầu tư vào nghiên cứu của Việt Nam. Con số đầu tư vào giáo dục ở Việt Nam là quãng 1% của GDP. Không phải là nhỏ so với con số của Indonesia, Malaysia (quãng 0,5%).
Nhưng câu hỏi đặt ra là hiệu quả của việc đầu tư ấy là như thế nào? Hơn nữa, tham nhũng ở Việt Nam có làm giảm con số 1% ấy không?
Nếu có, con số thực là bao nhiêu? Nếu những lời đồn về con số tham nhũng (30%) là đúng, thì thật ra Việt Nam chỉ đầu tư quãng 0,7% GDP. Con số này không xa lắm con số hai nước trên.
Cụ thể hơn, về trình độ của giảng viên và việc đào tạo nghiên cứu sinh?
Tôi đã hướng dẫn luận án tiến sĩ cho một số giảng viên đại học của Việt Nam và theo dõi một số giảng viên khác trong quá trình làm luận án.
Một vài người (thiểu số) ra về hai bàn tay trắng vì không đủ can đảm đi tiếp khi nhận thấy trình độ kiến thức của mình quá thấp so với chuẩn các đại học Pháp. Những người còn lại: rất nhiều người không có đầy đủ kiến thức kinh tế để làm luận án, kiến thức toán yếu, tiếng Anh lẫn tiếng Pháp cũng kém. Tôi từng rất “khổ sở” để xốc họ lên. Có người làm luận án với tôi mất 7 năm (trong khi bình thường là 4 năm). May mắn là những người này đã rất chăm chỉ và cố gắng vươn lên.
Nhưng cũng phải nói là không dễ để họ trở thành những nhà nghiên cứu thật sự tốt (tất nhiên không loại trừ sau khi “giác ngộ” về mặt học thuật, họ trở nên đam mê nghiên cứu và sẽ tự vươn lên). Tôi hy vọng sẽ có một số người trở nên như thế.
Một số người, tương đối ít, đã tự học hỏi thêm để hoàn thành tốt luận án và đã trở thành những nhà nghiên cứu rất giỏi. Có người đã bắt đầu trở thành “ngôi sao” trong lĩnh vực nghiên cứu của họ. Tôi từng vào websites của một số “trường top” trong ngành kinh tế ở Việt Nam.
Số giảng viên làm nghiên cứu có bài đăng tạp chí quốc tế tốt rất nhỏ bé so với số lượng giảng viên những trường ấy. Như thế làm sao có thể đào tạo được nhiều nghiên cứu sinh tốt?
Theo giáo sư, đâu là nguyên nhân chính của tình trạng nêu trên?
Theo tôi, chất lượng giảng dạy của rất nhiều giảng viên không tốt, giáo trình không được chấn chỉnh để những kiến thức truyền đạt cho sinh viên đạt chuẩn mực quốc tế.
Đề xuất xây dựng đại học “hoa tiêu”
Giáo sư có đề xuất gì cho mô hình nghiên cứu tại Việt Nam?
Mô hình đơn giản nhất là xác định mỗi khoa là một đơn vị vừa làm công tác giảng dạy, vừa làm nghiên cứu, vừa làm công tác quản lý. Quá trình thăng tiến (promotion) phải dựa trên ba tiêu chuẩn: giảng dạy, nghiên cứu, quản lý. Những người làm công tác nghiên cứu tốt có thể được giảm giờ dạy hoặc quản lý.
Nhưng đây là cách nhìn “lý tưởng”. Với tình hình lương bổng thời buổi bây giờ làm sao có thể đòi hỏi giảng viên các trường công lập nghiên cứu tốt, cập nhật kiến thức để giảng dạy tốt hơn.
GS Lê Văn Cường là một trong những nhà nghiên cứu nổi tiếng của thế giới về kinh tế, với hàng trăm công trình nghiên cứu được đăng tải trong những tạp chí hàng đầu thế giới.
Theo ý tôi, nên xây dựng một vài đại học kinh tế, quản trị kinh doanh, tài chính khác, quy mô nhỏ (mỗi khoá quãng 100 sinh viên).
Giáo trình phải được cập nhật để đạt chuẩn mực của các đại học trên thế giới. Đại học này tuyển thầy cô giỏi, CV phải có ít nhất 3 bài đã được đăng trên những tạp chí quốc tế chất lượng cao. Danh sách các tạp chí do đại học lập ra.
Lương giảng viên ban đầu quãng 1500/ 2000 USD một tháng, hợp đồng ngắn hạn (4 năm).
Sau 4 năm, phải có ít nhất một/hai bài đăng (hoặc được nhận đăng) trên các tạp chí quốc tế chất lượng cao. Nếu không đạt tiêu chí thì sau 4 năm ngừng hợp đồng. Nếu đạt tiêu chí thì hợp đồng ngắn hạn sẽ thành dài hạn (permanent).
Các đại học được phép phong phó giáo sư, giáo sư cho giảng viên. Chức danh này là chức danh của trường chứ không phải của Bộ GD-ĐT.
Nếu đại học trở nên nổi tiếng, chức danh PGS, GS của trường có thể trở nên “đắt giá” hơn chức danh PGS, GS của Bộ. Đây là sự cạnh tranh giữa các trường đại học theo mô hình tôi đưa ra và các trường công lập. Sự cạnh tranh này theo nguyên tắc sẽ thúc đẩy các trường công lập thay đổi về việc đào tạo cũng như nghiên cứu).
Về lực lượng giảng viên, tôi khẳng định là hiện nay có một lực lượng kinh tế gia khá hùng mạnh, ít nhất có 60 GS, PGS trong và ngoài nước có lý lịch khoa học ngang tầm quốc tế.
Tổ chức International Socity of Vietnam Economists đã quy tụ được 160 thành viên là GS, PGS, nhà nghiên cứu, sinh viên PhD, sinh viên Master người Việt trong và ngoài nước. Tôi có CV của những thành viên này.
Tóm lại, nhân lực cho đào tạo nghiên cứu Việt Nam đã có sẵn.
Những trường này, từ năm thứ hai trở đi sẽ giảng dạy bằng tiếng Anh (năm thứ nhất sẽ dành cho những môn đặc thù của Việt Nam: Lịch sử Đảng, Triết học Mác Lê, Chủ nghĩa xã hội khoa học).
Sinh viên phải đóng học phí. Nếu ý kiến này được lắng nghe, tôi sẵn sàng tham gia thảo luận để giúp hình thành trường theo mô hình này.
Những đề xuất khả thi
Nếu giáo sư là người có thể đưa ra quyết định 5 chính sách cấp thiết nhất cho nghiên cứu và đào tạo tại Việt Nam thì đó là những điều gì?
Việc trước tiên là đào tạo giảng viên. Cần chấn chỉnh chương trình đào tạo, có giảng viên nhưng giảng viên không đủ chất lượng để giảng dạy theo chương trình đã được cải tiến thì cũng vô bổ. Như vậy, ưu tiên là đào tạo giảng viên.
Bộ GDĐT đã có quyết định đúng đắn là gửi cán bộ các trường ra nước ngoài học Master, làm luận án tiến sĩ.
Riêng cho ngành kinh tế thì phải đào tại lại trước khi gửi người đi học. Lý do là vì hiện nay, kiến thức của nhiều người được gửi đi chưa đủ để học thành công Master hoặc hoàn thành PhD. Hoặc nếu hoàn thành được PhD thì chỉ là PhD “hữu nghị”. Như thế cũng không có lợi cho việc nâng cao chất lượng giảng dạy ở Việt Nam.
Những người đi học nước ngoài phải được tuyển, lựa chọn dựa trên năng lực khoa học chứ không phải vì thâm niên, cốt cán. Học bổng là tiền đóng thuế của người dân Việt Nam, không thể lãng phí.
………….
Theo Thụy Phương
(Nguồn: Vietnamnet, ngày 11/05/2015)