Giáo dục tổng quát – liệu có xa xỉ?
Trong những loay hoay của kỳ tuyển sinh năm nay, các chuyên gia tư vấn hướng nghiệp lo ngại sẽ có rất nhiều thí sinh thay vì sống chết với con đường mình say mê quay qua những ngã rẽ trước mắt chỉ vì trường hạ điểm chuẩn.
Nguồn: economicmodeling.com
Chưa ai biết được những lựa chọn của thí sinh thật ra đến từ đâu, và ngôi trường đại học trong mắt các em có là một mô hình quản trị với triết lý giáo dục phù hợp khả năng và mục tiêu của các em hay không. TTCT đưa ra những ý kiến nhiều chiều về vấn đề mô hình này.
Trước đó, sự kiện Trường ĐH Fulbright Việt Nam được phép thành lập đã dấy lên cuộc tranh luận về một mô hình quản trị và triết lý giáo dục mới đối với Việt Nam hiện nay: giáo dục khai phóng (liberal arts) hay giáo dục chuyên ngành.
Đào tạo con người tự do
Các trường liberal arts ở Mỹ đã có truyền thống rất lâu đời. Đó là những trường đào tạo chủ yếu bậc cử nhân (trừ vài ngoại lệ), nhấn mạnh việc giáo dục toàn diện nhằm phát triển năng lực trí tuệ, khả năng suy luận dựa trên lý trí, các kỹ năng nói, viết và thuyết phục người khác, thông qua trang bị một nền tảng kiến thức rộng bao gồm cả lĩnh vực khoa học xã hội, nghệ thuật lẫn một số môn cơ bản của khoa học tự nhiên.
Các bộ môn cấu thành nền tảng của liberal arts là văn học, ngôn ngữ, triết, lịch sử, toán và khoa học. Nó nhằm tạo ra con người tự do chứ không phải tạo ra cái máy hay kẻ nô lệ. Các môn này chiếm hết 25-50% thời lượng học tại lớp.
Sau giai đoạn đó, sinh viên mới chọn học một chuyên ngành, chẳng hạn kỹ thuật, công nghệ hay sử học, văn chương… Liberal arts education (giáo dục khai phóng) còn được gọi là general education (giáo dục tổng quát).
Tại sao lại gọi là giáo dục tổng quát (GDTQ)? Vì nó tạo ra một khái niệm tạm gọi là đối lập với giáo dục chuyên ngành.
Nếu các bộ môn giáo dục chuyên ngành đem lại cho người ta tri thức và kỹ năng chuyên môn để hành nghề trong một lĩnh vực cụ thể, ví dụ nghề y, nghề lập trình, nghề kỹ sư cơ khí… thì GDTQ mang lại một nền tảng kiến thức rộng về lịch sử, xã hội, con người, một khả năng tư duy lành mạnh, nghĩa là biết phân tích các sự kiện để đạt đến những hiểu biết mới, và biết tương tác với người khác một cách hiệu quả.
Nói một cách đơn giản, GDTQ không nói về việc tạo ra chất nổ, mà về những vấn đề như khi nào – nếu có – nên dùng chất nổ và với mục đích gì.
Bức tranh thực tế
Giáo dục ĐH Việt Nam cho đến nay vẫn còn chịu ảnh hưởng của truyền thống giáo dục Xô viết, coi trường ĐH là nơi đào tạo nghề bậc cao.
Biểu hiện rất dễ thấy của điều này là đến nay ta vẫn còn nhiều trường đào tạo chỉ một chuyên ngành hẹp, ví dụ ĐH Marketing, ĐH Tài chính kế toán, ĐH Giao thông vận tải, thậm chí ĐH Phòng cháy chữa cháy(!). Thực tế cho thấy kiến thức chuyên môn trong từng lĩnh vực cụ thể tuy rất cần nhưng hoàn toàn không đủ để đạt được thành công trong cuộc sống.
Bất cứ công việc nào chúng ta đảm nhiệm, ở bất cứ vị trí nào và trong bất cứ tổ chức nào, đều đòi hỏi khả năng giao tiếp và tương tác với người khác một cách hiệu quả. Có rất nhiều mối quan hệ đã đổ vỡ, những liên kết làm ăn đã thất bại, những giao dịch đã bất thành chỉ vì các bên không tìm được tiếng nói chung, không biết cách thuyết phục và tương nhượng lẫn nhau.
Đó là vì các trường ĐH của chúng ta hiện nay chỉ dạy một nghề nghiệp chuyên môn, nhấn mạnh vào kiến thức chuyên môn và kỹ năng thực hành nghề trong lúc không hề chú ý đến GDTQ và chuẩn bị cho người học khả năng thích ứng với sự thay đổi.
Giáo dục tổng quát là gì?
GDTQ có một ý nghĩa cơ bản và quan trọng. Nói vắn tắt, một người được giáo dục trong tinh thần tổng quát là một người:
(a) có thể suy nghĩ một cách rõ ràng, và có thể dùng ngôn ngữ để giao tiếp với một sự sâu sắc và có sức mạnh thuyết phục;
(b) có một sự đánh giá sâu sắc đối với cách mà chúng ta tiếp nhận kiến thức; đối với những hiểu biết về tự nhiên, về xã hội và về bản thân chúng ta;
(c) có một kiến thức rộng rãi về các nền văn hóa và các thời đại, có khả năng đưa ra quyết định cho cuộc đời mình hay trong công việc thuộc phạm vi trách nhiệm của mình, trên cơ sở một thế giới quan rộng lớn và sự hiểu biết về những sức mạnh lịch sử chi phối cuộc sống;
(d) người có hiểu biết và suy nghĩ một cách hệ thống về những vấn đề đạo đức và lương tâm;
(e) người đạt được chiều sâu trong một vài lĩnh vực nào đó của tri thức (trích Henry Rovosky).
Mục đích của GDTQ là tạo ra những con người có khả năng và có khuynh hướng cố gắng đạt đến thỏa thuận về mọi vấn đề trong thực tiễn, trong lý thuyết và hành động, thông qua những thảo luận trên cơ sở của lý trí.
Với ý nghĩa đó, GDTQ còn là nền tảng giúp tăng cường đạo đức và sự cố kết xã hội, bởi vì bản chất cốt lõi của đạo đức là tôn trọng những thỏa thuận, và GDTQ chính là một nền giáo dục nhằm đạt tới sự đồng thuận dựa trên lý trí.
Liệu có xa xỉ?
GDTQ đặc biệt quan trọng đối với những người ở vị trí lãnh đạo. Có thể nói những người được giáo dục trong tinh thần GDTQ đã được mài sắc những kỹ năng và đào luyện những phẩm chất giúp họ thành công trong cương vị lãnh đạo. Không phải chỉ những người nắm giữ vị trí lãnh đạo cao cấp mới cần được đào tạo theo tinh thần GDTQ, mà bất cứ ai nắm bắt được những phẩm chất và kỹ năng mà GDTQ hướng tới thì đều có cơ hội cao để thành công trong cuộc sống. |
Trước đây, các nước đang phát triển có xu hướng xem GDTQ là một cái gì xa xỉ, vì nó không đem lại những kiến thức cụ thể để chế tạo máy, để xây cầu, làm đường, chữa bệnh. Nhưng ngày nay, càng lúc người ta càng thấy rõ hơn tầm quan trọng của GDTQ. Vì sao?
GDTQ chú trọng dạy cách suy nghĩ, phát triển năng lực trí tuệ và khả năng tự học. Điều này vô cùng quan trọng trong bối cảnh kinh tế tri thức ngày nay.
Kiến thức nhân loại tăng nhanh và biến đổi nhanh đến mức những gì chúng ta học ở nhà trường sẽ trở thành lạc hậu ngay cả khi ta còn chưa tốt nghiệp. Nếu không có khả năng tư duy để có thể tự học mà chỉ bám vào những kiến thức được học ở nhà trường thì nguồn vốn này sẽ cạn rất nhanh, ta không thể thích ứng được với xã hội bên ngoài.
GDTQ đem lại nền tảng kiến thức rộng rãi bên ngoài chuyên ngành, từ đó người học được rèn luyện cách nhìn một con người, một sự việc từ nhiều phía, nhiều quan điểm khác nhau.
Nhờ vậy, con người trở nên khoan dung hơn, biết lắng nghe và chấp nhận sự khác biệt nhiều hơn, do vậy có khả năng chung sống hòa bình tốt hơn với người khác.
Cuộc sống luôn luôn có mâu thuẫn giữa những lợi ích khác nhau, những nhận thức khác nhau, nhưng nền tảng GDTQ giúp người ta giải quyết những mâu thuẫn đó trên cơ sở của lý trí thay vì trên cơ sở của bạo lực. Vấn đề là quỹ thời gian của sinh viên và nguồn lực của nhà trường thì có hạn.
Việc nhấn mạnh đào tạo GDTQ như thế có mâu thuẫn với việc dạy một nghề nghiệp chuyên môn cho tới nơi tới chốn? Liệu GDTQ có tạo ra những người nói thì rất hay, đến con kiến trong lỗ cũng phải chui ra, nhưng làm thì đụng đâu hỏng đó?
Đó là nội dung của những cuộc tranh luận vẫn đang tiếp diễn ở phương Tây, vì vẫn luôn có những người nhìn vấn đề trên quan điểm thực dụng, cho rằng chúng ta phải lo ăn no trước đã, rồi mới có thể thưởng thức âm nhạc và suy tư về lịch sử.
Có hai luận điểm chính cho thấy GDTQ không phải là xa xỉ. Trước hết, vì GDTQ và giáo dục chuyên ngành không nhất thiết loại trừ nhau, nhất là trong kỷ nguyên thông tin ngày nay. Không phải người học bốn năm thì sẽ giỏi hơn người học hai năm, vì nếu chương trình đào tạo lạc hậu và vô dụng thì học bốn năm hay 40 năm, ra trường vẫn không làm được việc.
Bản thân định nghĩa của GDTQ cũng bao hàm việc am hiểu sâu về một lĩnh vực chuyên ngành, chứ không phải là mỗi thứ biết một tí mà không có cái gì biết đủ sâu. GDTQ không phải là tập hợp một mớ hỗn độn các môn tự nhiên và xã hội, mà là những kiến thức nền tảng và được sắp xếp có chủ đích nhằm rèn luyện năng lực trí tuệ và tư duy một cách hệ thống.
Hai là, thực tế cho thấy hầu như tất cả các trường danh tiếng hàng đầu ở Mỹ đều là các trường có khuynh hướng liberal arts: Harvard, Yale, Stanford… Danh sách cựu sinh viên của các trường này có thể gây choáng: riêng Harvard đã đào tạo tám người làm tổng thống.
Cùng với Oxford, từ năm 1945-2010, Harvard đã đào tạo 71 người là lãnh đạo cao nhất của 41 quốc gia. Đến thăm phòng truyền thống của Đại học Yale, cựu sinh viên cỡ bộ trưởng của các nước hầu như không thể đếm hết. Thành tích đó có nhiều lý do, trong đó chương trình đào tạo GDTQ có vai trò không nhỏ.
Không gian mở và tinh thần khoan dung
Trở lại thực tế Việt Nam, điều mà chúng ta đang thiếu nhất hiện nay là một không gian mở và tinh thần khoan dung đối với những ý kiến khác biệt. Điều này là kết quả của một nền giáo dục nhấn mạnh đào tạo nghề và không chuẩn bị cho người học một cái nền kiến thức rộng, khả năng phân tích có lý trí, thái độ tôn trọng sự đa dạng và chấp nhận sự khác biệt.
Những cuộc tranh luận trên mạng xã hội cho thấy điều này rất rõ. Nhiều ý kiến được đưa ra theo lối cảm tính “yêu ai yêu cả đường đi, ghét ai ghét cả tông chi họ hàng”. Ai có ý kiến khác mình thì đều là thứ vứt đi, ngu xuẩn, thậm chí có động cơ nguy hiểm. Mũ mão bay tứ tán. Câu trước câu sau là bắt đầu nặng lời, rồi dẫn đến tấn công cá nhân, cắt đứt quan hệ.
GDTQ giúp người ta tránh được tình cảnh ấy, vì nó dạy cho người ta cách tranh luận, bảo vệ lý lẽ của mình trong lúc lắng nghe quan điểm của người khác.
Cái lợi chẳng những là tránh được nồi da nấu thịt, huynh đệ tương tàn, đường ai nấy đi, mà còn là mỗi người sẽ trở nên phong phú hơn, hiểu biết hơn sau mỗi cuộc tranh luận, bởi sự cọ xát về trí tuệ là điều tối cần thiết để nảy sinh những ý tưởng sáng tạo.
“Một cuộc thảo luận được sinh ra chỉ khi có những điểm bất đồng. Và mục đích của những cuộc thảo luận theo tinh thần Socrates không phải là để chiến thắng, mà là để đạt đến sự đồng thuận” (Andrew Chrucky).
Nếu ta coi GDTQ là thứ giúp chúng ta học cách trải nghiệm thế giới từ một quan điểm phong phú hơn, chúng ta sẽ hiểu thấm thía câu nói của triết gia Socrates: ông nói rằng một cuộc sống không được kiểm nghiệm thì không đáng sống.
“Một cuộc sống không được kiểm nghiệm”, theo ông, là một cuộc sống không có những cuộc thảo luận dựa trên lý trí. Thêm vào đó, những năng lực mà GDTQ tạo ra, đã và sẽ tiếp tục là ưu thế cạnh tranh đáng giá trên thị trường lao động. Với ý nghĩa ấy thì câu trả lời cho câu hỏi ở tiêu đề sẽ là: nó rất xứng đáng để chúng ta xây dựng!)
Theo Phạm Thị Ly
Nguồn: Tuổi Trẻ, ngày 5/09/2016)