Giáo dục ĐH trong toàn cầu hóa: Không thể thiếu sự hợp tác
Đó là quan điểm được các nhà nghiên cứu đến từ các trường ĐH của Canada, Pháp, Anh đưa ra tại hội thảo Giáo dục ĐH và toàn cầu hóa do Trường ĐH Hoa Sen tổ chức ngày 18-11.
Các nhà nghiên cứu cho rằng: Toàn cầu hóa không chỉ là về mặt kinh tế, do đó không có một toàn cầu hóa duy nhất mà là nhiều quá trình toàn cầu hóa. Giáo dục ĐH đang tạo ra hình thái mới của không gian ĐH thông qua việc sử dụng bốn động lực của các hành động: thị trường, hợp tác giữa những đối tác cạnh tranh, quốc tế hóa và hợp tác.
Trình bày tại hội thảo về chủ đề “Quốc tế hóa chủ động và trách nhiệm: trường hợp ĐH Hoa Sen”, TS Bùi Trân Phượng, Hiệu trưởng Trường ĐH Hoa Sen, cho biết: Tính quốc tế là thuộc tính của ĐH, là một giá trị ĐH chân chính, một sức hấp dẫn đối với đội ngũ sư phạm, sinh viên quốc tế, bao gồm Việt Nam; tính quốc tế là sự mở rộng nguồn lực, nguồn hỗ trợ, ủng hộ; điều kiện nâng chất lượng và đa dạng hóa chương trình, hoạt động giáo dục, đào tạo, tạo áp lực không ngừng nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển hợp tác bình đẳng, công bằng, làm phong phú thêm cho các bên đối tác, giúp trường ĐH Hoa Sen có đóng góp cho Việt Nam và thế giới.
Các diễn giả, nhà nghiên cứu cũng dành nhiều thời gian thảo luận, tranh luận về vấn đề xếp hạng ĐH hiện nay trên thế giới. Có ý kiến cho rằng các trường ĐH nên tập trung vào việc đào tạo có chất lượng, giúp phát triển cho cộng đồng hơn là tập trung vào việc xếp hạng, nên rời văn hóa chạy đua xếp hạng…
Theo Người Lao Động