Đại học Hoa Sen – HSU

“Giáo dục của Việt Nam đang một mình một kiểu”

Nhân dịp ngày nhà giáo Việt Nam (20/11), phóng viên TTXVN tại Pháp đã đến chúc mừng và có buổi trò chuyện với nhà giáo ưu tú Dương Văn Quảng, hiện là Đại sứ, Trưởng phái đoàn thường trực Việt Nam bên cạnh Tổ chức Liên hiệp quốc về văn hóa, khoa học và giáo dục (UNESCO), tại Paris, Pháp. 

Ông là một trong ba phó giáo sư đầu tiên của ngành ngoại giao được phong học hàm năm 2003 và trước khi đảm nhận chức vụ Đại sứ ông là Giám đốc Học viện Ngoại giao.

Tiếp chúng tôi trong văn phòng làm việc của ông tại số 2 phố Le Verrier, trung tâm thủ đô Paris, ông bày tỏ những trăn trở và băn khoăn của mình về việc làm sao đó để khắc phục những tồn tại để tiến hành đổi mới đào tạo giáo dục, và nhất là đổi mới phương pháp giảng dạy để phát triển sự nghiệp giáo dục của Việt Nam trong quá trình hội nhập, cũng như việc tăng cường gắn giáo dục của Việt Nam với giáo dục của thế giới.

Nhà giáo Dương Văn Quảng, Đại sứ, Trưởng phái đoàn thường trực Việt Nam

bên cạnh Tổ chức Liên hiệp quốc về văn hóa, khoa học và giáo dục (UNESCO), tại Paris, Pháp.

Giáo dục Việt Nam đừng một mình một kiểu

Đánh giá về nền giáo dục và đào tạo hiện nay của Việt Nam, ông Dương Văn Quảng nhấn mạnh hiện nay mục đích và phương thức giáo dục đào tạo của Việt Nam đã có nhiều thay đổi và ngày càng phát triển. 

Tuy nhiên, cái khó nhất hiện nay đối với Việt Nam là sự nghiệp giáo dục và đào tạo chưa theo kịp với sự chuyển biến, thay đổi về tư duy, nội dung và phương thức đào tạo của trong nước cũng như trên thế giới. 

Trước đây, khi đất nước còn quá nghèo, người dân đi học vì bằng cấp và bằng bất cứ giá nào họ cũng phải thi đỗ vào một trường đại học. Còn ngày nay, trên thực tế, học là để ra làm việc, nên học không chỉ để có kiến thức chung mà còn cần phải có các kỹ năng nghề nghiệp để sau này có thể làm việc được ở nhiều ngành nghề khác nhau. 

Cho nên, đào tạo ở đa số các trường đại học của Việt Nam còn quá thiên về lý thuyết kinh điển và chưa chú ý nhiều đến đào tạo các kỹ năng nghề nghiệp. Thêm vào đó là nhận thức của các nhà quản lý về mối quan hệ giữa cơ quan tuyển dụng lao động-người được tuyển dụng-cơ sở đào tạo chưa thật sự thích hợp, mặc dù đã có những chuyển biến được ghi nhận. 

Ở một số nước mới phát triển như Hàn Quốc, Singapore, chương trình nội dung đào tạo, cũng như phương thức và mục đích đào tạo do người được đào tạo và người tuyển dụng lao động quyết định hơn là các cơ sở đào tạo. Hay nói đúng hơn, các cơ sở đào tạo căn cứ vào nhu cầu người học và người sử dụng lao động để xây dựng và điều chỉnh chương trình và phương thức đào tạo. 

Ở Việt Nam, chúng ta tranh luận quá nhiều về triết lý giáo dục và ít bàn luận xem nên đào tạo như thế nào cho “trúng.” Điều cần thiết lúc này là phải gắn đào tạo của Việt Nam với đào tạo của nhiều nước trên thế giới, không nên một mình “một kiểu không giống ai.”

Chẳng hạn, theo các chuyên gia làm việc cho UNESCO, Việt Nam có thể xem xét sử dụng những sách giáo khoa có nội dung đào tạo tốt, nhất là sách về đào tạo nghề, về khoa học tự nhiên của các nước trên thế giới, không cần biên soạn mọi loại sách giáo khoa.

Quan niệm bổ nhiệm dựa quá nhiều vào bằng cấp

Một vấn đề nữa được nhà giáo Dương Văn Quảng đề cập đến là quan niệm về bằng cấp. Theo ông, ở Việt Nam, bổ nhiệm và đề bạt, tăng lương và nâng ngạch đều dựa quá nhiều vào bằng cấp. Điều này dẫn đến một thực tế là nhiều cán bộ quản lý đặt “quyết tâm” làm nghiên cứu sinh bằng mọi cách; nhân viên văn thư, hành chính, lái xe, bảo vệ đăng ký học tại chức bằng mọi giá để được chuyển lên ngạch chuyên viên và còn có hy vọng được đề bạt làm quản lý. 

Cần phải hiểu đúng là, bằng thạc sỹ và tiến sỹ được cấp ra nhằm công nhận khả năng nghiên cứu khoa học của người được cấp bằng chứ không phải về khả năng quản lý, hay thâm niên công tác. Các nhà quản lý không nhất thiết phải có bằng thạc sỹ hay tiến sỹ, mà nên có một vài bằng cử nhân về chuyên môn và về quản lý … 

Quan hệ thầy-trò vừa thừa vừa thiếu

Sau nhiều năm tham gia giảng dạy và làm việc, nhà giáo Quảng  cho rằng trong quan hệ thầy-trò, nếu nói theo lối phong kiến, thì “trò” là con và “thầy” là cái gì đó ở rất cao. Nên có thể nói, mối quan hệ này là vừa thừa lại vừa thiếu. 

“Thừa” vì khoảng cách thầy-trò là quá rộng, nên để khoảng cách này hẹp lại và quan niện thầy-trò là quan niện giữa “người đào tạo và người được đào tạo” và ngườì thầy là người hướng dẫn vào đời (ở tiểu học và trung học), là người cung cấp kiến thức, hướng nghiệp (ở bậc đại học). Còn thiếu, là thiếu tính dân chủ trong đào tạo, thiếu là thiếu sự kính trọng thầy ở một vài nơi. Thiếu nữa là thiếu những chuẩn mực do ảnh hưởng của những tác động tiêu cực của một vài ngành nghề khác ảnh hướng tới ngành giáo dục như “lách luật” trong kinh tế dẫn đến “lách” để có điểm (do quá nhiều môn học). 

Theo nhà giáo Dương Văn Quảng, cần tránh việc thầy có có quá nhiều quyền để có thể dẫn đến cơ chế “xin-cho” giữa thầy và trò. Cho nên cần đổi mới quy chế thi cử, người thầy tránh ra các đầu bài mang tính “học thuộc lòng” mà nên ra các đầu đề thi mang tính tổng hợp, phân tích hoặc nhận định một vấn đề nào đó để nếu như học sinh có mang tài liệu vào phòng thì cũng không sử dụng được. 

Học sinh bắt buộc phải phát huy khả năng tư duy và sáng tạo – khơi dậy sự suy nghĩ đánh giá và “phần tôi” của sinh viên trong quá trình làm bài, tạo nên những phong cách riêng của bài làm. 

Đặc biệt, theo nhà giáo Dương Văn Quảng, điều quan trọng là phải khơi dậy ý thức và lòng đam mê đọc, khả năng tự nghiên cứu và sự tự giác học cuả mỗi sinh viên, tránh những sự đối phó trong học tập và trong giáo dục đào tạo. Cần chú ý hơn đến mối quan hệ giữa phụ huynh – thầy giáo – học sinh. Cần phải có sự phối hợp hài hòa giữa gia đình, nhà trường và bản thân cá nhân học sinh trong quá trình giáo dục đào tạo. Học sinh có quyền tự lựa chọn các môn học, bố mẹ tránh ép buộc con cái phải đi theo ngành học này hay ngành học kia, nhưng cũng tránh để con cái quá tự do… 

Giáo dục Ngoại giao không nên thuần túy lý thuyết

Riêng đối với giáo dục trong ngành ngoại giao từ năm 1975-2010, Phó giáo sư Dương Văn Quảng – người đã có hơn hai ba mươi năm trong nghề, đã tham gia giảng dạy các môn ngoại ngữ, biên, phiên dịch, chính sách đối ngoại đến các kỹ năng ngoại giao, hướng dẫn thạc sỹ, tiến sỹ – cho biết khác với giảng viên của các trường đại học khác, giảng viên trường đại học Ngoại giao – Học viện Quan hệ quốc tế – và nay là Học viện ngoại giao, luôn gắn với nghề nghiệp ngoại giao, gắn đào tạo lý thuyết với thực tiễn ngành. 

Nhưng theo ông, trong tình hình mới, để tránh biến động trong trong công tác đào tạo tại Học viện Ngoại giao, cần xây dựng một đội ngũ giảng viên cơ hữu ổn định có khả năng đảm đương 60-70% chương trình đào tạo; giảng viên kiêm nhiệm và cán bộ ngoại giao thực thụ đảm nhận phần lại. Làm được như vậy sẽ khắc phục được hai yếu điểm trong đào tạo cán bộ đối ngoại như đào tạo chay, thuần túy lý thuyết, đội ngũ giảng viên biến động và không có bằng cấp cao (thạc sỹ , tiến sỹ).

Trả lời câu hỏi “với cương vị là nhà ngoại giao – Đại sứ, Trưởng phái đoàn thường trực Việt Nam bên cạnh UNESCO tại Pháp, ông sẽ làm gì để đóng góp nhiều hơn nữa cho việc phát triển ‘sự nghiệp trồng người’ của Việt Nam,” nhà giáo ưu tú Dương Văn Quảng đã nhấn mạnh mối quan hệ tốt đẹp từ nhiều năm nay giữa Việt Nam và UNESCO thể hiện qua việc UNESCO đã ủng hộ và công nhận nhiều di tích của Việt Nam là di sản văn hóa thế giới vật thể, phi vật thể, hoặc là di sản thiên nhiên của nhân loại. Ông bày tỏ mong muốn đẩy mạnh hơn nữa quan hệ “hợp tác hai chiều” (nhận và cho) giữa Việt Nam với tổ chức Liên hợp quốc này.

Ông cho biết từ trước tới nay Việt Nam chủ yếu là “người nhận,” Việt Nam luôn mong muốn tiếp tục nhận được sự giúp đỡ của UNESCO trong việc thực hiện chiến lược giáo dục của Việt Nam của mình trong thời gian tới. Thì nay, Việt Nam sẽ là “người cho.” Nghĩa là Việt Nam sẽ ủng hộ UNESCO trong việc thực hiện chiến lược “giáo dục cho tất cả mọi người” và phổ cập giáo dục cho đồng bào các dân tộc thiểu số. Đây là một lĩnh vực mà Việt Nam có rất nhiều kinh nghiệm. 

Việt Nam sẽ tổng kết kinh nghiệm trong lĩnh vực này và phổ biến lại cho UNESCO hoặc sẽ là tác giả của một bản thảo nghị quyết nào đó góp phần phát triển văn hóa và khoa học giáo dục trên thế giới.

Với cương vị là Đại sứ, Trưởng phái đoàn thường trực Việt Nam bên cạnh UNESCO tại Pháp, một cơ quan đại diện của tổ chức phi chính phủ ở Pháp, Phó giáo sư Dương Đức Quảng hứa sẽ đưa ra những tư vấn nhất định thông qua Ủy ban Quốc gia UNESCO của Việt Nam, để thúc đẩy sự phát triển mối quan hệ hợp tác giữa UNESCO và Việt Nam không chỉ về văn hóa, khoa học ỹ thuật, mà cả về giáo dục đào tạo “Vì lợi ích trăm năm trồng người” của Việt Nam./.

(Nguồn: Vietnamplus)

Facebook Youtube Tiktok Zalo