Giải ngân vốn đầu tư công tạo đòn bẩy kinh tế
Phải giải ngân cho được 100% vốn đầu tư công theo kế hoạch năm 2020 và các năm trước chuyển sang. Đó là yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị giao ban trực tuyến vừa qua giữa Thủ tướng Chính phủ cùng với các bộ, cơ quan trung ương và các địa phương nhằm đôn đốc triển khai công tác đầu tư công.
Trong bối cảnh các hoạt động kinh tế gặp khó khăn do dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp trên phạm vi toàn cầu, việc đẩy mạnh các dự án đầu tư công được cho là biện pháp chủ lực nhằm duy trì tốc độ phát triển bình thường của nền kinh tế. Không chỉ tạo công ăn việc làm, các dự án đầu tư công còn có tác dụng cải thiện hệ thống hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông công cộng; chính tác dụng này sẽ mở ra điều kiện thuận lợi cho việc đẩy mạnh giao lưu trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội.
Giải phóng mặt mặt bằng được xác định là một trong những lĩnh vực có nhiều điểm nghẽn nhất khiến cho việc giải ngân vốn đầu tư công bị chậm trễ. Để khai thông những điểm nghẽn này, cần nêu cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu ở địa phương liên quan. Cấp có thẩm quyền phải ấn định thời hạn rõ ràng để địa phương bàn giao mặt bằng sạch cho bên chịu trách nhiệm thi công. Nếu không thực hiện được mục tiêu bàn giao mặt bằng đúng hạn, thì người đứng đầu địa phương liên quan phải nhận trách nhiệm và chịu hình thức kỷ luật thích đáng.
Cơ chế, chính sách, luật pháp bất cập cũng là nguyên nhân khiến cho dòng tiền của Nhà nước bị ách tắc trong lưu thông. Trong nhiều trường hợp người được giao vốn ngân sách công rất muốn duyệt chi; nhưng quy định pháp luật không rõ ràng hoặc không hợp lý khiến người có thẩm quyền lúng túng, e ngại trong việc đưa ra quyết định. Cũng có không ít trường hợp quyết định giải ngân đã được đưa ra nhưng chậm được thực hiện, do quy trình, thủ tục giải ngân rườm rà, phức tạp, nhiêu khê.
Việc hoàn chỉnh, hợp lý hoá cơ chế, chính sách và khung pháp lý cho việc giải ngân vốn đầu tư công thuộc trách nhiệm của các bộ, ngành trung ương. Các cơ quan này cần nhanh chóng rà soát các quy định thuộc lĩnh vực quản lý của mình, nhận diện những thiếu sót, những quy định mập mờ, bất hợp lý hoặc mâu thuẫn, từ đó có biện pháp xử lý thích hợp. Về phần mình, các địa phương, với tư cách là chủ thể chịu sự chi phối trực tiếp của cơ chế, chính sách và khung pháp lý đang vận hành, phải tích cực phản ánh về những trở ngại đối với việc triển khai các dự án đầu tư công do địa phương quản lý để cấp có thẩm quyền tháo gỡ.
Để kịp thời nắm bắt tình hình, nhanh chóng ghi nhận và xử lý vướng mắc, khó khăn của các bộ, địa phương liên quan đến việc giải ngân vốn đầu tư công, Thủ tướng Chính phủ đã thành lập các đoàn kiểm tra do lãnh đạo Chính phủ hoặc Bộ trưởng làm trưởng đoàn. Các đoàn kiểm tra này sẽ đến tận nơi làm việc với các địa phương và bộ có liên quan để quan sát, lắng nghe và tương tác nhằm làm rõ các vấn đề, từ đó đề ra các giải pháp cần thiết theo thẩm quyền. Đây thực sự là cơ hội tốt để các địa phương, bộ có liên quan trình bày những khó khăn, vướng mắc đối với việc giải ngân vốn đầu tư công thuộc phạm vi quản lý và tiếp nhận chủ trương, quyết định về giải pháp khắc phục của cấp có thẩm quyền theo phương thức xử lý tại chỗ.
PGS TS Nguyễn Ngọc Điện
Hiệu trưởng Trường Đại học Hoa Sen
(Nguồn: Báo Công An thành phố Hồ Chí Minh, chuyên mục Chuyện đầu tuần, số ngày 20/7/2020)
>> CHI TIẾT NỘI DUNG