Giai đoạn mới trong cuộc chiến phòng chống dịch Covid-19
Sau thời gian gần một tháng áp dụng chế độ giãn cách xã hội, Việt Nam đã cơ bản khống chế được sự lây lan trong cộng đồng của dịch Covid – 19. Chúng ta đã có thể tự tin tuyên bố làm chủ được tình hình. Điều này thật sự tạo ấn tượng tốt đối với cộng đồng quốc tế trong bối cảnh hầu như cả thế giới vẫn đang loay hoay với các phương án kiểm soát dịch bệnh.
Tuy nhiên, phải thừa nhận rằng việc áp dụng các giải pháp cứng rắn cho bài toán phòng chống dịch đã và đang tác động tiêu cực đến nền kinh tế: sản xuất đình đốn; giao thương gần như tê liệt, thu nhập của người lao động giảm sút, thậm chí bằng không; số người lao động mất việc làm gia tăng,… Những hệ luỵ tiêu cực ấy khiến đất nước chịu những thiệt hại vật chất nghiêm trọng; đặc biệt, những người thuộc các thành phần gọi là yếu thế phải sống trong hoàn cảnh cực kỳ chật vật.
Hơn ba tuần đã trôi qua kể từ khi phát hiện ca nhiễm Covid – 19 trong cộng đồng gần nhất mà không có ca nhiễm mới. Đã đến lúc phải chuyển sang giai đoạn tiếp theo trong cuộc chiến phòng chống dịch. Trước đây, yêu cầu số một là ngăn chặn sự bùng phát của dịch bệnh, bảo vệ tính mạng, sức khoẻ của người dân.
Còn hiện tại, đòi hỏi của cuộc sống mà chúng ta phải ưu tiên thoả mãn là bình thường hoá hoạt động trong mọi lĩnh vực kinh tế – xã hội: công sở phải vận hành để phục vụ dân; doanh nghiệp phải sản xuất, kinh doanh tạo ra giá trị vật chất; người lao động phải có việc làm để tạo thu nhập; các phương tiện vận chuyển hành khách công cộng đường bộ, đường thuỷ, đường không phải vận hành để tạo thuận lợi cho việc đi lại phục vụ công tác, làm ăn, sinh sống.
PGS.TS Nguyễn Ngọc Điện, Hiệu trưởng Trường Đại học Hoa Sen.
Thách thức trong giai đoạn mới là dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp trên phạm vi toàn cầu; do đó, nguy cơ tái bùng phát dịch trên phạm vi lãnh thổ quốc gia vẫn hiện hữu. Bài toán đặt ra là làm thế nào vừa khôi phục sinh hoạt xã hội theo nhịp điệu bình thường, vừa bảo đảm không để dịch bệnh tái xâm nhập trong cộng đồng.
Để giải bài toán đó, cần huy động toàn bộ hệ thống chính trị và sự chung tay của toàn xã hội trong việc tiến hành đồng bộ một loạt các biện pháp.
Một mặt, phải khẩn trương và tích cực rà soát để nắm tình hình ứng phó của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, cung ứng dịch vụ đối với nguy cơ lây lan dịch bệnh. Một khi đã xác định cơ sở nào đó hội đủ các tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh và phòng dịch, thì đốc thúc cơ sở nhanh chóng trở lại với các hoạt động bình thường. Đối với các cơ sở không đạt chuẩn, phải yêu cầu xây dựng phương án tái khởi động trên cơ sở điều chỉnh quy mô và tổ chức lại hoạt động một cách hợp lý.
Mặt khác, phải tiếp tục cảnh giác với nguy cơ dịch bệnh tái xuất hiện, nhất là từ các nguồn lây nhiễm ở ngoài phạm vi lãnh thổ quốc gia. Phải kiểm soát chặt việc nhập cảnh tại các cửa khẩu, bảo đảm việc cách ly trong thời gian hợp lý đối với tất cả các trường hợp nhập cảnh. Ở các doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, trên các phương tiện giao thông công cộng,…. phải bảo đảm khoảng cách an toàn giữa các vị trí và không gian chung thông thoáng, hợp vệ sinh.
Trong giai đoạn khó khăn, chính sự đồng lòng của người dân trong việc cùng với nhà chức trách thực hiện nghiêm chỉnh các biện pháp giãn cách được đề ra là yếu tố quyết định đối với sự thành công của chiến dịch. Sắp tới đây, việc khôi phục cuộc sống bình thường trong khi nguy cơ tái bùng phát dịch bệnh vẫn treo lơ lửng càng khó khăn, càng cần sự nỗ lực của toàn xã hội. Chắc chắn, với kinh nghiệm phòng chống dịch tích luỹ trong thời gian qua, với tinh thần đoàn kết, ý thức trách nhiệm đối với bản thân và cộng đồng, mỗi người trong chúng ta sẽ trở lại cuộc sống bình thường trong tâm thế tự tin và lạc quan về tương lai.
PGS.TS Nguyễn Ngọc Điện
Hiệu trưởng Trường Đại học Hoa Sen
(Bài đăng trên mục Chuyện đầu tuần, Báo Công an Thành phố Hồ Chí Minh số 4256, Thứ Hai ngày 4-5-2020)